Học sinh chống đối cô Tuất, hậu quả chính các em sẽ phải nhận đầu tiên

08/04/2021 06:20
Thủy Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Uốn nắn đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu, bởi lẽ, dạy người trước rồi mới dạy chữ.

Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất với những giờ dạy nhốn nháo vẫn đang khiến dư luận hoang mang về tương lai những đứa trẻ.

Học sinh là nạn nhân của chính sự chống đối trong lớp

Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất (hiện là giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tố bị nhà trường “trù dập” không cho đứng lớp, bắt đi dọn vệ sinh, bị học sinh trong lớp có biểu hiện chống đối, vẫn chưa lắng xuống và đang được các cơ quan chức năng thanh tra.

Chưa rõ chân tướng ra sao, nhưng nhìn những đứa trẻ 9-10 tuổi vẫn đang phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” lại có những biểu hiện nghịch ngợm, quậy phá giáo viên ngay trong giờ học, không khỏi khiến dư luận bức xúc.

Thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương, chính học sinh sẽ trở thành nạn nhân của sự chống đối giáo viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương, chính học sinh sẽ trở thành nạn nhân của sự chống đối giáo viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương (Giảng viên khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh chống đối giáo viên cũng không thiếu trong mỗi lớp học, cũng không hẳn là một tình huống cá biệt, sự chống đối này có thể ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Nhưng đã là một người giáo viên, cần phải có phương pháp để thấu hiểu, đồng cảm với tâm sinh lý của học sinh, để có biện pháp xử lý “khủng hoảng” của trẻ. Tất nhiên, không phải dùng những biện pháp hà khắc, bắt phạt mà sẽ chọn cách “đứng cùng phía” với học sinh.

Đó là kỹ năng nghiệp vụ sư phạm mà bất kỳ giáo viên nào cũng phải đảm bảo khi tốt nghiệp và bước vào môi trường làm việc”.

“Để tình trạng này kéo dài, thì có liên quan đến cơ chế báo cáo giữa giáo viên với cán bộ quản lý để có những cuộc họp chuyên môn, tìm ra biện pháp. Lãnh đạo nhà trường cần phải quan tâm sâu sát, gần gũi đối với giáo viên, để kịp thời phát hiện và giúp giáo viên “gỡ khó”. Để những buổi học như vậy diễn ra trong thời gian dài thì ảnh hưởng nhất chính là học sinh, quyền lợi của học sinh không được đảm bảo.

Trong lớp, sẽ có những học sinh quậy phá và những học sinh không quậy phá. Tình trạng đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của những đứa trẻ muốn học, mà với những trẻ có biểu hiện chống đối giáo viên sẽ càng thiệt thòi hơn. Bởi lẽ, hiện giờ còn nhỏ mà đã vậy, sau này, lớn lên, các em sẽ còn có những hành vi sai lệch đến mức nào?

Nhiệm vụ giáo dục, uốn nắn đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu, cũng là nhiệm vụ chung của nhà trường, nhưng sẽ phải giao cho từng đơn vị phụ trách. Các cá nhân được phân công sẽ phải tìm phương pháp tác động để học sinh không còn nghịch ngợm, chống đối. Câu chuyện học sinh chống đối cô giáo này cũng sẽ là một bài học cho nhiều nhà trường khác lưu ý” - Thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương nhấn mạnh.

Làm giáo viên, trước tiên phải luôn tự mình trau dồi

Với quan niệm “không có nghề nào vinh quang bằng nghề dạy học”, ông Nguyễn Văn Kiên (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) cho rằng: “Đặc thù của nghề giáo khác với các ngành khác vì đối tượng là giáo dục con người, tức là giáo dục nhân cách và truyền đạt tri thức cho học sinh. Chính vì vậy, người giáo viên luôn phải tự mình trau dồi, cả phẩm chất và chuyên môn; phải xác định rõ công việc được phân công để tự đề ra kế hoạch, chương trình công tác đảm nhận nhiệm vụ...

Từ đó, giáo viên cũng phải nắm rất chắc tình hình đối tượng học sinh: mối quan hệ học sinh trong lớp, mối quan hệ của học sinh với phụ huynh và học sinh trong mối quan hệ với xã hội bên ngoài. Ngoài ra, phải thấu hiểu tình hình môi trường công tác, tìm hiểu cặn kẽ để khi thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, giải quyết các tình huống sư phạm, giáo viên đó phải bám sát nguyên lý và nắm được tâm sinh lý học sinh, để ứng xử phù hợp”.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra: “Người giáo viên cũng cần chú ý giải quyết các mối quan hệ tác động trực tiếp và gián tiếp đến bản thân, để ứng xử phù hợp, bởi đây là một môi trường đặc thù. Đồng thời, phải lấy thước đo là chất lượng giáo dục, chất lượng giảng dạy đối với học sinh để tự răn chính mình.

Tôi thấy có những trường hợp, giáo viên vào lớp nhưng không thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình, tỏ ra thờ ơ, bỏ mặc học sinh, thậm chí có những trường hợp cố tình không dạy để sau đó bắt học sinh đi học thêm,...

Những biểu hiện như vậy có thể khiến học sinh cảm thấy “tổn thương”, dẫn đến một số học sinh có biểu hiện chống đối. Trách nhiệm trước hết thuộc về người giáo viên, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Kế đến, là trách nhiệm của tập thể và đội ngũ cán bộ quản lý.

Sự việc như vậy tồn tại, đội ngũ này phải nắm bắt được tình trạng, nếu để xảy ra thường xuyên, trách nhiệm của các cán bộ quản lý các cấp cũng phải liên đới. Không thể có chuyện, để giáo viên trong trường mình có những giờ học không giảng bài, không quản học sinh như vậy. Nhà trường thờ ơ như thế, lỡ giáo viên đó tuyên truyền nhảm nhí thì sao?”.

“Bên cạnh đó, tại mỗi nhà trường, tôi cho rằng, phải đẩy mạnh phong trào lắng nghe tiếng nói học sinh, để học sinh có thể phản ánh thông tin giáo dục, nhà trường nên tạo điều kiện cho học sinh được nói lên tiếng nói của mình, đó cũng là một cách quản lý hiệu quả!” - ông Nguyễn Văn Kiên nhấn mạnh.

Thủy Tiên