Học sinh "bơi" qua sông Ba đến trường

23/10/2012 12:11
Theo SGGP
Ngoài việc đường sá lầy lội vì mưa bão, người dân các xã vùng sâu của huyện Kbang và huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại vì nước sông Ba dâng cao, vô cùng nguy hiểm đối với các em học sinh phải vượt sông đến trường.
Tại xã Kroong, huyện Kbang (vùng căn cứ địa của Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum trong kháng chiến), hơn 1.000 người dân của các làng Tlăng nhỏ, Tlăng lớn, Tung, Pdrang và Gút “khóc ròng” khi mưa về, bởi muốn về trung tâm xã, phải vượt qua cây cầu khỉ bắc qua sông Ba, rất chông chênh và muôn phần nguy hiểm. Rồi sau đó lại tiếp tục lội sông sâu để qua phía bên kia, trong lúc nước chảy xiết và lỏng chỏng đá hộc dưới dòng sông.

Lội sông là công việc thường ngày của đồng bào Ba Na khi muốn về trung tâm xã Kroong.
Lội sông là công việc thường ngày của đồng bào Ba Na khi muốn về trung tâm xã Kroong.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Ông Đinh Ních, dân tộc Ba Na, Chủ tịch UBND xã Kroong (huyện Kbang) cho biết, hàng ngày có đến hàng trăm lượt người và xe cộ ở địa phương đi qua khúc sông này. Biết là rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Vào mùa mưa này, các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 phải lội sông đến trường, địa phương không biết phải giúp đỡ như thế nào. Những ngày trời mưa to, bão, lũ, UBND xã đành cắt cử các đồng chí công an xã đứng hai bên bờ sông, nhắc nhở bà con không được đi lại. Vì trước đây cũng đã có người cố vượt sông khi mưa lớn, đã bị nước cuốn trôi mất xác.
Ở cách huyện Kbang khoảng 60km về phía hạ lưu sông Ba, hàng chục học sinh cấp 2 của các làng Kia 1, Kia 2 và Biên, xã An Trung (huyện Kông Chro) hàng ngày phải đối mặt với cảnh “đò giang cách trở” trên hành trình đến trường. Mùa nắng thì đỡ, mùa mưa các em phải... cùng bơi với sông Ba. Thực ra, đoạn sông này cũng có vài con thuyền độc mộc dùng để chở khách sang sông, song do gia cảnh khó khăn nên các em học sinh người Ba Na đều phải chọn giải pháp bơi qua sông.
Gần đây, do thấy quá nguy hiểm, Ban Giám hiệu Trường THCS Kpă Klơng (xã An Trung, huyện Kông Chro) đã bàn bạc với các thầy, cô quyết định trích một phần lương tháng để nuôi các em ăn học như hình thức nội trú. Như vậy, thay vì hàng ngày 2 lần đều đặn bơi qua sông để đến trường - về nhà, giờ đây các em chỉ làm “người nhái” vào chiều thứ bảy và sáng thứ hai đầu tuần.
Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Kpă Klơng, việc nuôi các em học sinh ăn học nội trú là sáng kiến “vượt khó” của địa phương, được UBND huyện Kông Chro biểu dương, nhưng duy trì là việc hết sức khó. Xã An Trung là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa (theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ) với khoản tiền ít ỏi 70.000 đồng/tháng/học sinh, chỉ đủ trang trải sách vở, đồ dùng học tập. Nuôi các em ăn học hàng ngày, có khi các thầy, cô giáo của trường còn phải mua gạo nợ của đại lý; hoặc thi thoảng phải huy động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân mới mong giữ các em.
Em Đinh Tơnh, học sinh lớp 7 của Trường THCS Kpă Klơng nói rất thật: “Khỏi phải bơi qua sông đi học như mấy tháng qua, cháu rất mừng và cảm ơn các thầy cô. Nhưng bây giờ trường khó khăn quá, bọn cháu không có tiền và gạo để đóng góp, khó nghĩ quá!”. 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số nói trên chỉ cách trung tâm xã An Trung gần 4km theo đường chim bay. Nhưng do sông Ba chia cắt, người dân và nhất là học sinh trong vùng phải mất hơn 40km đường vòng mới tới được trung tâm xã. Cũng vì địa bàn chia cắt, biệt lập, mà gần 400 hộ Ba Na ở 3 làng vẫn là hộ nghèo, đời sống chưa được cải thiện là mấy.
Không nói đến những điều lớn lao, xa xôi, mùa mưa bão này, người dân các xã vùng sâu xa này đang rất cần sự giúp đỡ của các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai để làm sao cho việc đi lại được an toàn.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Truyện tranh cổ tích đang bị "bóp méo"

Vụ "canh gà Thọ Xương": Ai đúng? Ai sai?

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trường

Vụ "canh gà Thọ Xương" và "HS nhập vai cám": Hai cái kết buồn!

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Theo SGGP