Học online có là giải pháp cho thời đại Internet?

12/04/2020 06:17
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Không dám phủ nhận vai trò của công nghệ trong thời IoT, nhưng cá nhân tôi tin, giáo dục online không phải là nền giáo dục cho con người trọn vẹn.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, một tác giả quen thuộc trên Giáo dục Việt Nam.

Bài này, tác giả bàn luận đến tác dụng của đào tạo từ xa, bao gồm các biện pháp cả cũ và mới, nhưng chú trọng đến kết quả thực sự.

Tôn trọng ý kiến cá nhân trên tinh thần khoa học, tranh luận đa chiều, Tòa soạn giới thiệu ý kiến thể hiện quan điểm riêng này của tác giả. 

Sau những khó khăn gặp phải trong quá trình học tiến sỹ về quản trị giáo dục năm 2016/17, bởi tôi không tìm ra phương thức học online là hiệu quả với cá nhân tôi, tôi đã tìm kiếm những phương thức học theo cách mà tôi thấy thú vị cho chính bản thân mình.  

Ảnh Bates Hall của thư viện công Boston (1)
Ảnh Bates Hall của thư viện công Boston (1)

Nhân dịp thời kỳ đâu đâu cũng nói đến IoT và 4G trong thời kỳ như hiện tại, mọi người buộc phải chuyển sang học và dạy online, câu hỏi tôi suy nghĩ mãi, liệu có nghiên cứu nào để chứng minh việc học online có hiệu quả hay không hiệu quả, cho ai và vì lợi ích của ai? 

Với giáo dục phổ thông, những nghiên cứu hơn bao năm ở Mỹ đều không chỉ ra được tính hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh (2).  

Với giáo dục đại học, trong thời đại mấy thập kỷ khủng hoảng kinh tế và cắt giảm ngân sách là từ khóa ở mọi góc của đại học (3), các chương trình và nhân sự của đại học bị cắt giảm đến “không còn gì để có thể cắt giảm” (3), và sử dụng công nghệ giáo dục, đặc biệt là giáo dục qua online được coi như một giải pháp “hữu ích” để duy trì hoạt động đại học, với chi phí đầu tư có khả năng mở rộng “phạm vi” cả về số lượng, không gian và thời gian cho toàn thế giới (4). 

Chỉ tiếc là chưa có ai; chưa có nghiên cứu nào minh chứng về chất lượng nào cho giáo dục online, đặc biệt khi dạy với hàng nghìn sinh viên qua Internet, nhưng chỉ có vài chục hay vài trăm còn trụ lại đến cuối khóa học.

Trong thời đại khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài hơn 2 thập kỷ qua (5), ngân sách được xem xét đến từng đồng thì những giải pháp cho phù hợp với ngân sách mà vẫn duy trì đại học như một ngành kinh doanh có khả năng thu lợi thì việc buộc phải tìm kiếm các phương thức để khai thác qua công nghệ mà Internet và học/dạy online được coi như một “giải pháp trào lưu” mang tính thời đại và theo đó, được quảng bá và cổ vũ dưới mọi hình thức. Đây là điều có thể hiểu được.

Nhưng với từng cá nhân sinh viên, học sinh và tương lai của họ, đấy lại là một thách thức lớn, và có khả năng gây ra hệ lụy suốt đời.  

Thứ nhất, lịch sử kinh tế Mỹ và thế giới chứng minh việc cách mạng công nghệ chỉ có tác dụng “thay đổi” xã hội toàn diện khi công nghệ đó giúp cho đa số người dân thay đổi cuộc sống về cơ bản tốt hơn trước (6). 

Tiếc thay, cho đến nay, việc coi Internet – máy tính và toàn cầu hóa Internet trong kinh doanh dưới khía cạnh toàn cầu hóa kinh tế trong thế giới phẳng là một cuộc cách mạng trong thế kỷ 20 và 21 vẫn đang là vấn đề tranh cãi, bởi những nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã chỉ rõ, với Internet và ứng dụng máy tính trong hơn 30 năm qua, khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội và giáo dục tăng lên đáng kể (7).

Theo đó, giáo dục có chất lượng lại chính là rào cản gây nên bất bình đẳng và dịch chuyển công việc trong nấc thang xã hội của thế hệ trẻ.

Học online có là giải pháp cho thời đại Internet? (Ảnh minh hoạ: Tesolcourse.edu.vn)
Học online có là giải pháp cho thời đại Internet? (Ảnh minh hoạ: Tesolcourse.edu.vn)

Thứ hai, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, bởi dạy và học đều mang tính cá nhân cao độ; nhưng cũng không ai chỉ dạy và học một mình. 

Không ai có thể nói hôm nay học giỏi, mà sao lại không thể có việc làm; hoặc tại sao học dở, mà lại vào được những đại học hàng đầu và vẫn có vị trí xã hội cao, mà hài hước nhất là cựu Tổng thống Mỹ, Bush đã từng đùa rằng “Kể cả bạn là sinh viên hạng F, bạn vẫn có cơ hội làm tổng thống Mỹ”. 

Giáo dục chất lượng tốt hóa ra không hề dễ dàng cung cấp cho người dân và học sinh ở mọi tầng lớp, bởi đó là “đặc quyền” dành cho số ít (6); và với nghiên cứu trong 20 năm qua ở Mỹ minh chứng rằng “việc bạn là ai không quan trọng, mà bạn sinh ra trong gia đình nào sẽ quyết định tương lai của bạn”, thì thử hỏi ai sẽ quan tâm đến giáo dục thực sự và giáo dục có chất lượng cho tất cả.   

Còn để dùng Internet và công nghệ trong giáo dục để tìm kiếm giải pháp cho giáo dục giá thành “rẻ” và số lượng nhiều thì tôi chỉ e rằng, như Giáo sư Derek Bok nêu rõ trong cuốn sách “Thách Thức cho Cải cách Đại học của Chúng Ta” (The Struggle to Reform our Colleges), bất chấp tổng thống Mỹ mong đợi thay đổi lớn về giáo dục đại học thông qua ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao “chất lượng” và “tỷ lệ tốt nghiệp” đại học, tiếc thay, rất ít thay đổi thực sự hữu ích cho đại học kể cả những gì mà các đại học đang nỗ lực thực hiện các chương trình giáo dục qua Internet.

Thứ ba, những câu hỏi về dữ liệu học sinh sinh viên (8) và bảo vệ tính riêng tư trên mạng; chưa tính đến câu hỏi từ Davos 2015 về ai sở hữu và khai thác dữ liệu cá nhân trên Internet (9), hiện vẫn chưa có ai trả lời. 

Dạy học trực tuyến, từ xa không phải là để... chữa cháy!
Dạy học trực tuyến, từ xa không phải là để... chữa cháy!

Điều này khá phức tạp đối với giáo dục đại học và giáo dục nói chung, bởi nếu không xác lập rõ quyền sở hữu và khai thác dữ liệu cá nhân, việc buộc tất cả học sinh sinh viên, đặc biệt là học sinh phổ thông và dưới 18 tuổi tham gia học online, khi học sinh chưa đủ ý thức những tác động từ Internet và học online với những chương trình được cài đặt tự động, sẽ tác động như thế nào đến thần kinh – trí não – tâm lý và sức khỏe nói chung, liệu có ảnh hưởng đến tương lai của học sinh sinh viên? 

Học sinh sinh viên, một mặt vừa bị buộc phải cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho những tổ chức giáo dục và các nhà công nghệ làm dịch vụ; mặt khác phải học những chương trình mà không rõ chất lượng thế nào;

Chưa kể những tác động và ảnh hưởng đến toàn bộ tâm lý – trí não và thay đổi hành vi của người học online; và khi nền kinh tế khủng hoảng, khi thị trường lao động thuộc về những Quý Ngài đâu đó lèo lái, thì những ai phải học với chất lượng kém hoặc không đủ cơ hội về địa vị xã hội và có hỗ trợ từ gia đình để tìm kiếm chỗ đứng cho mình, việc học online sẽ tạo dựng nên thế hệ nhân lực như thế nào cho tương lai? 

Tôi có lẽ có "thiên kiến" với học online bởi những trải nghiệm cá nhân; nhưng tôi cũng luôn nỗ lực tìm kiếm những cơ hội để học bổ sung với những gì cá nhân tôi tin tưởng.  

Tôi chỉ mong, khi các bạn bị buộc phải đối mặt với điều gì bạn thấy không phù hợp, không thích trong thời gian học online, thì hãy cố tự tìm ra cách riêng nào đó để tìm điều mình muốn học, thay vì để phụ thuộc vào những hình thức học mà ai đó cung cấp online/offline mà chưa có gì đảm bảo chất lượng.  

Không dám phủ nhận vai trò của công nghệ trong thời IoT, nhưng cá nhân tôi tin, giáo dục online không phải là nền giáo dục cho con người trọn vẹn. 

Internet và học online chỉ là công cụ nền tảng để cung cấp thông tin; còn học và dạy học là cả một loạt các hoạt động tương tác giữa con người với con người; với đầy đủ cảm xúc, tạo động lực, thúc đẩy mơ ước và khát vọng học tập của người học, điều mà online thuần túy không thể cung cấp. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://en.wikipedia.org/wiki/Boston_Public_Library,_McKim_Building

2. https://fordhaminstitute.org › ohio › commentary › online-learning-k-12-st..; https://credo.stanford.edu/pdfs/OnlineCharterStudyFinal2015.pdf;

3. http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/lam-sao-giao-duc-dai-hoc-co-the-song-sot.html

4. https://www.insidehighered.com/digital-learning/article/2019/01/16/online-learning-fails-deliver-finds-report-aimed-discouraging

5. Thách Thức cho Cải cách Đại học của Chúng Ta” (The Struggle to Reform our Colleges), D. Bok

6. Thăng trầm tăng trưởng kinh tế Mỹ, mức sống Mỹ kể từ Nội Chiến (The rise and fall of American economic growth, US living standard since Civil War),  R. Gordon

7. Cuộc đào thoát vĩ đại (The Great Escape), A. Deaton;  Bất bình đẳng toàn cầu – Cách tiếp cận mới trong thời kỳ toàn cầu hóa (Global Inequality – New Approach in Globalization), B. Milanovic; 

http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/tu-davos-den-apec-2017-viet-nam-cong-nghe-va-bat-binh-dang-xa-hoi.html

8. Thư ngỏ gửi FBI và những tổ chức có liên quan về bảo vệ dữ liệu học sinh sinh viên, http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/fbi-education-technologies-data-collection-and-unsecured-systems-could-pose-risks-to-students.html

Bốn nguyên lý lãnh đạo cho cách mạng công nghiệp 4.0 “Chúng ta đối mặt với các mô hình kinh doanh mới cùng với các vấn đề về đạo đức, an toàn, và câu chuyện xã hội, cũng như song hành cùng với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến trong cuộc sống này.

Nhưng chúng ta nhìn chung lại chưa trả lời được những câu hỏi cơ bản nhất về những vấn đề dễ gây tranh cãi nhất, chẳng hạn như: Quyền sở hữu cơ sở dữ liệu cá nhân, an ninh mạng xã hội và hệ thống hạ tầng mạng xã hội, hay quyền và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trong các mảng hoạt động kinh doanh mới mẻ này.

Vì một tương lai tốt đẹp, chúng ta buộc phải hỏi mình, bằng cách nào, tất cả chúng ta và các hệ thống công nghệ mà chúng ta thiết kế và làm ra, có thể phục vụ những mục tiêu phù hợp và không để chúng ta bị biến thành công cụ của công nghệ."
,

http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/bon-nguyen-ly-lanh-dao-cho-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html    

Nguyễn Thị Lan Hương