Học ngành Truyền thông chính sách ra trường có thể ứng tuyển các vị trí nào?

05/04/2021 06:13
Minh Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Truyền thông chính sách đang trở thành ngành nghề quan trọng và cần thiết đối với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Vậy ngành Truyền thông chính sách là ngành gì?

Truyền thông chính sách là một khái niệm khá mới ở nước ta và thường xuyên được nhắc tới thời gian qua.

Để làm rõ hơn về chuyên ngành mới mẻ này, phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam có trao đổi với Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm – Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, đồng thời đang là chủ nhiệm lớp truyền thông chính sách K38 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm- Phó Trưởng khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên Truyền

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm- Phó Trưởng khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên Truyền

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết có điểm gì mới ở chuyên ngành truyền thông chính sách – Khoa Tuyên truyền?

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm: Truyền thông chính sách là một phần trong hoạt động của chính phủ nhằm đưa thông tin về chính sách đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật, là kênh để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Quá trình truyền thông chính sách không chỉ là quá trình áp đặt mong muốn của chủ thể chính sách hay chủ thể truyền thông chính sách đối với công chúng.

Truyền thông chính sách cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của công chúng. Sự tham gia của công chúng không chỉ dựa trên nền tảng lợi ích mà cả hiểu biết và trách nhiệm xã hội.

Năng lực truyền thông và trách nhiệm truyền thông khi đó trở thành hai mặt của một vấn đề với mối quan hệ biện chứng thúc đẩy lẫn nhau.

Nhận thức rõ vai trò của truyền thông chính sách sẽ giúp chính phủ và các nhà truyền thông có chiến lược phù hợp, xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước càng trở nên quan trọng và cấp thiết, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước, là khâu không thể thiếu được trong quá trình tổ chức, thực thi chính sách trong giai đoạn hiện nay tuy nhiên vấn đề này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy vậy, Truyền thông chính sách là một chuyên ngành rất mới mẻ ở nước ta việc nhu cầu nhân lực cho ngành này rất lớn.

Tại Việt Nam đã có rất nhiều trường dạy về truyền thông, quảng cáo, báo chí..., nhưng riêng với chuyên ngành truyền thông chính sách thì có rất ít trường đào tạo chuyên sâu.

Có thể nói rằng, các vấn đề xây dựng, ban hành, thực thi chính sách và truyền thông chính sách ở nước ta đang phát triển ngày càng gây được sự chú ý, thậm chí quan tâm cao độ của công chúng và dư luận xã hội.

Vì vậy, chú trọng đào tạo truyền thông chính sách là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa Truyền thông chính sách vào thành chuyên ngành giảng dạy từ năm 2018 và đến nay đã dần khẳng định được tầm quan trọng của lĩnh vực này.

Các cán bộ Giảng viên khoa Tuyên truyền. Ảnh Khoa Tuyên truyền

Các cán bộ Giảng viên khoa Tuyên truyền. Ảnh Khoa Tuyên truyền

Phóng viên: Đối với một cử nhân chuyên ngành Truyền thông chính sách, sinh viên ra trường sẽ được trang bị những kỹ năng gì thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm: Theo học Truyền thông chính sách tại Khoa Tuyên truyền – Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, các học viên sẽ được trau dồi những kiến thức cơ bản về văn hóa, xã hội...; kĩ năng thẩm định, tổ chức, triền khai thực hiện để đánh giá các dự án, kế hoạch, dịch vụ và đặc biệt là sáng tạo những sản phẩm truyền thông chính sách qua quá trình học tập và hoạt động ngoại khóa tại trường.

Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được củng cố thêm về kĩ năng giao tiếp, phát ngôn, thuyết trình trước công chúng và soạn thảo được các văn bản truyền thông chính sách.

Ngoài ra, quá trình học tập sẽ giúp các bạn có kĩ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, thích ứng với sự sáng tạo của công việc.

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông chính sách có thể ứng tuyển ở các vị trí nào?

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm: Truyền thông chính sách là ngành học có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như : Truyền thông, tuyên truyền, báo chí, văn hóa chính trị - xã hội... nên cơ hội việc làm sau khi ra trường là khá đa dạng, hấp dẫn.

Đối với sinh viên thuộc chuyên ngành Truyền thông chính sách, khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển ở các vị trí sau: cán bộ tuyên truyền giáo dục trong các cơ quan từ trung ương đến cơ sở; cán bộ truyền thông ở các văn phòng chính phủ, các bộ ngành Ủy ban nhân dân các cấp.

Người phát ngôn phụ trách giao tiếp báo chí của các cơ quan chính quyền, của lực lượng vũ trang, của các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về lĩnh vực truyền thông chính sách.

Phụ trách các mảng truyền thông ở những cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hoặc là hoạt động truyền thông nội bộ ở trong các doanh nghiệp....

Sinh viên chuyên ngành Truyền thông chính sách K38. Ảnh Khoa Tuyên truyền

Sinh viên chuyên ngành Truyền thông chính sách K38. Ảnh Khoa Tuyên truyền

Phóng viên: Đối với ngành Truyền thông chính sách, sinh viên muốn đăng ký vào ngành này cần đáp ứng những yêu cầu gì thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm: Trước hết, để ứng tuyển vào ngành này vẫn phải theo những quy định đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tốt nghiệp Trung học phổ thông, đủ điểm xét tuyển, ...)

Ngoài ra, sinh viên cần phát huy tính tích cực trong các hoạt động dạy và học; tăng cường trao đổi, thảo luận, tạo sự hứng thú và nâng cao hiệu quả môn học.

Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng nhất đối với người học ngành này là phải có sự đam mê, say mê, năng động sáng tạo, muốn thử nghiệm mình để công tác trong những lĩnh vực về truyền thông thì hoàn toàn có thể tham gia ứng tuyển vào lĩnh vực này.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Chương trình đào tạo, môi trường thực hành

Với đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm cùng mô hình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong và ngoài nước, chuyên ngành Truyền thông chính sách thuộc học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên có kiến thức, đạo đức, kỹ năng và năng lực toàn diện để phù hợp với các tổ chức chính trị, đơn vị truyền thông hay cơ quan báo chí.

Các học viên sẽ được thực tập tại các trung tâm truyền thông thuộc các sở, ban ngành. Ngoài ra có thể tham gia làm việc tại các mảng truyền thông của các cơ quan, doanh nghiệp.

Một số môn học tiêu biểu của chương trình cử nhân chuyên ngành Truyền thông chính sách:

Lý thuyết truyền thông và vận động chính sách, lý thuyết và kỹ năng truyền thông trực tiếp, quản lý truyền thông đại chúng và phương tiện truyền thông mới, cổ động và tổ chức sự kiện... cùng nhiều môn học khác.

Với tổng cộng 130 tín chỉ tích lũy – tương đương với 4 năm đào tạo, sinh viên có thể hoàn thành khóa học và sẵn sàng làm việc trong môi trường thực tế.

Đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường đại học duy nhất trên cả nước đào tạo về chuyên ngành Truyền thông chính sách bậc cử nhân.

Năm 2021, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh 50 chỉ tiêu với ngành Truyền thông chính sách.

Đối với các thí sinh muốn ứng tuyển có thể tham gia xét tuyển bằng 4 phương thức sau: Xét tuyển học bạ; Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Minh Thu