Học một tháng kết thúc năm học khả thi, nhưng lộ ra quá nhiều bất cập

14/04/2020 06:24
Đỗ Thơm (ghi)
(GDVN) - Nếu đi học từ 15/6 vẫn kịp kết thúc năm học vào 15/7 chứng tỏ sự cồng kềnh của chương trình cũ, có nhiều vấn đề không phù hợp cần phải tinh giản.

Tại cuộc họp trực tuyến của ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 10/4, về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ cho hay, nếu dịch kiểm soát được, học sinh đi học trước ngày 15/6, vẫn đảm bảo chương trình cho học sinh, năm học có thể kết thúc vào ngày 15/7.

Điều này gây không ít băn khoăn cho dư luận. Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của "Người trong cuộc" là chính các giáo viên về vấn đề này.

Nghỉ học, học sinh miền núi phải tham gia nhiều công việc giúp cha mẹ, trong đó có cả trông em. Ảnh: giaoduc.net.vn
Nghỉ học, học sinh miền núi phải tham gia nhiều công việc giúp cha mẹ, trong đó có cả trông em. Ảnh: giaoduc.net.vn

Nhiều giáo viên phân tích, thời gian học online, trực tuyến là từ 1/4-15/6 là 15 tuần (học online) cộng với 4 tuần học trước Tết là 19 tuần (có địa phương còn đi học được vài tuần sau Tết) đủ thời lượng khung thời gian như dự định. Trong thời gian từ ngày 15/6-15/7, có 3 tuần giáo viên ôn lại kiến thức cho học sinh chưa hiểu, hổng,1 tuần thi học kì.

Đặc biệt, khi tinh giản chương trình bằng việc chủ yếu dựa vào việc lấy ý kiến trực tiếp của giáo viên phổ thông thì việc hoàn thành chương trình học trong một tháng là điều hoàn toàn có thể làm nhưng lại lộ ra nhiều bất cập.

Một giáo viên Trung học phổ thông (đề nghị không nêu tên) đã chỉ ra nhiều bất cập cụ thể từ việc nếu đi học từ 15/6 vẫn đảm bảo kết thúc năm học vào 15/7 và đồng loạt yêu cầu dạy online khi nghỉ tránh dịch Covid-19.

Thứ nhất, sau khi tinh giản chương trình bằng việc chủ yếu dựa vào việc lấy ý kiến trực tiếp của giáo viên phổ thông thì việc hoàn thành chương trình học trong một tháng là điều hoàn toàn có thể làm.

Điều này cũng chứng tỏ sự cồng kềnh của chương trình cũ, có nhiều vấn đề không phù hợp cần phải tinh giản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu tiếp giới hạn nội dung ôn thi, đặc biệt là đối với các lớp học cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) để ôn tập có hiệu quả.

Dạy học online chỉ là giải pháp tình thế tạm thời vì thực sự hiệu quả của nó chưa thể đánh giá một cách khái quát.

Ở một số vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế thì việc sắm một máy tính hay một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng không phải gia đình nào cũng thực hiện được.

Thứ hai, hiện tượng lỗi mạng, chậm mạng do đồng loạt tiến hành dạy học online gây ra khá nhiều phiền toái trong quá trình thực hiện các kế hoạch dạy học.

Thứ ba, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên không đồng đều nhau giữa các cấp học, các ngành học và giữa các khu vực.

Chẳng hạn, ở các tỉnh miền núi, trình độ giáo viên tiểu học chủ yếu là trình độ trung cấp, khả năng đánh máy còn hạn chế chứ không phải là việc sử dụng các phầm mềm dạy học.

Người nào có điều kiện thì phải tự bỏ tiền bạc và công sức, thời gian để tự học chứ hoàn toàn không có sự trợ giúp nào mang tính tổng thể toàn bộ.

Thứ tư, phần mềm dạy học nào cũng có những nhược điểm nhất định. Ví dụ như phần mềm zoom hình ảnh không rõ và đặc biệt là khi đăng kí phần mềm này thông tin cá nhân người dùng sẽ bị lộ, Bộ Giáo dục Singapore đã ngừng sử dụng ứng dụng này vào việc dạy học trực tuyến.

Nhiều địa phương điều chỉnh môn thi, lịch thi vào lớp 10 nhưng Hà Nội vẫn chưa
Nhiều địa phương điều chỉnh môn thi, lịch thi vào lớp 10 nhưng Hà Nội vẫn chưa

Điều này không khỏi khiến người dùng cảm thấy hoang mang lo lắng vì lỗ hổng bảo mật.

Thứ năm, đối với học sinh nhất là học sinh tiểu học ở nông thôn thì việc dạy học online tính hiệu quả rất thấp.

Học sinh chưa được học vi tính, việc sử dụng công nghệ thông tin phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh, trong đó không phải phụ huynh nào cũng có khả năng sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến công việc của gia đình.

Thứ sáu, khó khăn nhất chính là việc triển khai dạy học online không đồng đều giữa các địa phương. Có những địa phương triển khai đồng loạt nhưng cũng có những địa phương không triển khai nổi kế hoạch này.

Một số giáo viên còn phản ánh, thậm chí phụ huynh còn không có điện thoại, không thể liên lạc được. Giáo viên phải đến hoặc gửi bài tập đến tận nhà cho học sinh thì làm sao triển khai dạy học được.

Có nơi, học sinh tiểu học nghỉ học từ Tết đến bây giờ học sinh mới nhận được có 4 đề ôn tập của giáo viên gửi, mà cũng mới chỉ chữa được 2 trong 4 đề. 

Học sinh phải hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian và trình độ của phụ huynh. Vậy nơi dạy, nơi không dạy thì không thể cùng thi, cùng tổng kết được.

Vì thế, thiết nghĩ, nơi nào có khả năng dạy học online, dạy xong thì kết thúc sớm, nơi chưa có điều kiện dạy sau, kết thúc sau nên giao cho địa phương chủ động không nhất thiết giáo dục cứ phải “dàn hàng ngang tiến lên”.

Với các nơi có thể tiến hành được việc dạy học online thì cũng nên giới hạn bớt môn học, học tập trung vào các môn chính để tránh việc giáo viên nghỉ chống dịch mà phải gồng mình làm việc, vất vả gấp nhiều lần so với dạy học bình thường vốn đã có quá nhiều vất vả.

Đỗ Thơm (ghi)