Học một đằng thi - kiểm tra một nẻo, làm sao chặn được dạy thêm cưỡng bức?

01/12/2021 06:50
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này của Bộ tạo ra nhiều tranh luận trái chiều.

Dạy thêm, học thêm là nguyện vọng chính đáng

Thời gian vừa quan, vấn đề dạy thêm, học thêm gây nhiều tranh luận. Tại nghị trường Quốc hội, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 11/11, một số đại biểu cũng đã nêu câu hỏi liên quan đến việc quản lý dạy thêm, học thêm.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 - văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay.

Liên quan đến đề xuất này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của chính các thầy cô giáo, những người trong cuộc về vấn đề trên.

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại tỉnh Yên Bái (đề nghị không nêu tên) thẳng thắn cho biết, không đồng tình với đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thực chất là để hợp thức hoá về mặt thủ tục, văn bản pháp lý và sẽ khiến sự nghiệp giáo dục bị "thương mại hoá", thậm chí mang đến tác dụng ngược. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức, tâm huyết của người thầy, điều đó mới quyết định bản chất của dạy thêm, học thêm có đáp ứng được đúng yêu cầu và nhu cầu của xã hội hay không", thầy Hiệu trưởng này phân tích.

Thầy cho rằng, học thêm, dạy thêm là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và các em học sinh, nhưng việc hướng dẫn và quản lý hoạt động này lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Với chương trình học, thi cử còn nặng nề như hiện nay, chưa thể bỏ ngay dạy thêm.

Những người làm giáo dục cần tìm kiếm các giải pháp quản lý hoạt động này hiệu quả hơn bằng hành động cụ thể thay vì những văn bản, đề xuất mang tính thủ tục.

Bên cạnh đó, các trường cần đổi mới nội dung dạy và học, nội dung đánh giá học sinh thông qua việc đổi mới nội dung kỳ thi, bài kiểm tra đánh giá.

Chia sẻ về vấn đề dạy, học thêm tại ngôi trường mình đang công tác, vị Hiệu trưởng này cho hay: “Hiện, nhà trường vẫn thực hiện quản lý việc dạy thêm của giáo viên ngoài giờ. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm nắm bắt tình hình, báo cáo và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Sở Giáo dục. Nội dung này thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp việc dạy và học thêm được quản lý sát sao hơn (Ảnh: N.D)

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp việc dạy và học thêm được quản lý sát sao hơn (Ảnh: N.D)

Để dạy thêm, học thêm không còn là vấn nạn

Trao đổi với phóng viên, cô Phạm Thị Hoa, giáo viên Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Cô Phạm Thị Hoa chia sẻ: “Việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giải quyết thực trạng dạy thêm tràn lan của giáo viên với học sinh trong trường, tránh trường hợp học sinh bị trù dập, không thể đạt điểm tốt nếu không học thêm thầy, cô ở ngoài.

Hơn nữa, nếu học sinh thực sự có nhu cầu học thêm sẽ được quyền lựa chọn trung tâm tốt, phù hợp và còn thúc đẩy sự phát triển, cạnh tranh của các mô hình kinh doanh giáo dục”.

Cũng theo nữ giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để việc quản lý được đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ", dẫn đến các chiêu trò lách luật để mở lớp dạy thêm.

“Mọi người nên có cái nhìn khách quan với dạy thêm, học thêm. Không nên đánh đồng tất cả giáo viên dạy thêm là xấu, tiêu cực. Dạy thêm, học thêm chỉ trở thành vấn nạn khi một bộ phận giáo viên coi đây là động cơ để sinh lời, làm giàu, dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo học sinh…”, cô Hoa nói.

Cùng quan điểm với cô Phạm Thị Hoa, cô Lê Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết, việc giáo viên dạy thêm ngoài giờ xuất phát từ thu nhập còn hạn chế, đặc biệt là giáo viên sinh sống ở các thành phố lớn.

Cô Lê Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: NVCC)

Cô Lê Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội) đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: NVCC)

Theo nữ giáo viên, việc bổ sung dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp việc dạy và học được quản lý sát sao hơn.

“Tôi chỉ có một vài thắc mắc, theo đề xuất của Bộ thì giáo viên có phải đăng ký giấy phép kinh doanh khi tổ chức dạy thêm ở ngoài trường hay không? Để mở lớp, chúng tôi phải đáp ứng những yêu cầu gì?”, cô Huyền băn khoăn.

Cô Lê Thanh Huyền hy vọng trong thời gian tới, nếu đề xuất này được áp dụng vào thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn chi tiết để giáo viên dễ dàng nắm bắt và chấp hành đúng những quy định về dạy thêm, học thêm.

Hoài Ân