Học đại học có như bạn vẫn nghĩ?

16/04/2019 09:53
Nguyễn Linh (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
(GDVN) - Bước chân qua cánh cổng đại học, chúng ta vẫn nghĩ chuỗi ngày học đại học xoay quanh những bài tập khô cứng trên giáo trình.

Bản thân tôi đã từng nghĩ như thế.

Theo cái nhìn của cá nhân tôi thì một phần cũng là do kiến thức có phần nhàm chán, phương pháp học tập truyền thống, đơn điệu của bậc đại học.

Tôi từng ao ước có một chuyến đi học thực tế chỉ vì muốn thoát khỏi kiến thức sách vở khô khan. Nhưng trải qua chuyến đi, tôi mới biết được nó không chỉ có ý nghĩa nhỏ nhoi  đến như vậy!

Cô giáo chủ nhiệm lớp đại học tôi chính là người thắp lửa - tổ chức cho chúng tôi những chuyến đi thực tế. Như những năm học trước, năm nay chúng tôi cũng có chuyến đi thực tế của năm 3 đại học nhưng theo một cách hoàn toàn khác.

Đây là lần đầu tiên có chuyến thực tế làm tôi hối hận và day dứt cùng sự tiếc nuối đến vậy, trên hết đó là cảm nhận của sự yêu thương, một tình yêu thương rất lạ, có sự sẻ chia, có chút đồng cảm và …cả những giây phút cháy hết mình của tuổi trẻ.

Chuyến đi này của chúng tôi kéo dài 2 ngày 1 đêm. Nhiệm vụ chính mà chúng tôi cần làm là tư vấn hướng nghiệp tại một trường trung học phổ thông và hoạt động thiện nguyện trao tặng quà cho các em nhỏ ở mái ấm trong huyện đó kéo dài trong ngày thứ nhất và hoạt động tham quan chùa Hương là hành trình của ngày thứ 2.

Buổi sáng hôm đó chúng tôi tập trung tại trường để bắt đầu chuyến đi của mình. Sau hơn một tiếng di chuyển từ Hà Nội, chúng tôi đến được với Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A để làm công tác tư vấn - hướng nghiệp.

Đoàn chúng tôi cùng làm quen và trao đổi với - thầy Phó hiệu trưởng của Nhà trường để hiểu thêm về đối tượng mà chúng tôi sẽ tư vấn.

Cả đoàn tôi tại trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A. Ảnh: Mai Nghiêm
Cả đoàn tôi tại trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A. Ảnh: Mai Nghiêm

Cảm xúc đầu tiên khi bước vào lớp mà tôi có trách nhiệm tư vấn - hướng nghiệp đã làm tôi nhớ đến tôi của mấy năm về trước, dù không quá lâu nhưng thực sự những nỗi nhớ trường lớp bạn bè xưa ùa về trong tôi thật lớn.

Trước khi vào lớp, tôi đã cùng một cô bạn chuẩn bị một bài nói nhằm “đánh bóng tên tuổi” cho Trường tôi, Khoa tôi nhưng đứng trước các em tôi lại chỉ muốn nói, muốn gợi ý cho các em những điều tôi nghĩ là sự lựa chọn tốt nhất cho các em.

Tôi còn nhớ tôi có nói với các em và tôi ước rằng có ai đó nói với tôi lúc tôi bằng các em: “Hãy bình tĩnh bước vào cánh cửa đại học và cố gắng cảm nhận những phút giây từ đầu đến cuối khi ở trong cánh cửa đó!”

Ảnh các em trong lớp tập trung nghe các anh chị tư vấn - hướng nghiệp. Ảnh: Triệu Thị Oanh
Ảnh các em trong lớp tập trung nghe các anh chị tư vấn - hướng nghiệp. Ảnh: Triệu Thị Oanh

Buổi chiều,chúng tôi bắt đầu khám phá nhiều hơn mảnh đất nơi đây. Chúng tôi đi thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ và tham quan làng dệt Phùng Xá. Tại nghĩa trang, chúng tôi như hiểu hơn sự mất mát, thiệt hại của chiến tranh đối với mảnh đất này.

Trong không khí hướng tới kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì hoạt động này càng khơi dậy nhiều hơn trong chúng tôi lòng tự hào dân tộc, biết ơn những người con của quê hương đã hi sinh cho Tổ quốc.

Chứng kiến đầy đủ quy trình làm dệt khiến tôi khá bất ngờ vì sự công phu và tỉ mỉ của những người thợ dệt. Có những người thợ với sự yêu nghề và rất sáng tạo trong công việc của mình nên họ sở hữu nhiều tấm vải dệt có giá trị cùng nhiều giải thưởng của Nhà nước.

Chia tay làng dệt, chúng tôi cùng nhau bắt tay vào chuẩn bị chương trình thiện nguyện của mình tại mái ấm Thánh Tâm.

Các bạn lớp tôi đang chuẩn bị bóng bay. Ảnh: Triệu Thị Oanh
Các bạn lớp tôi đang chuẩn bị bóng bay. Ảnh: Triệu Thị Oanh

Chúng tôi muốn trao những món quà cho các em nhỏ ở mái ấm, chia sẻ với các em phần nào hoàn cảnh khó khăn mà các em gặp phải. Đó là suy nghĩ ban đầu của tôi để tôi cùng các bạn làm sự kiện này.

Nhưng khi bước chân vào mái ấm ấy, chính tôi cũng không hiểu mình đang nghĩ gì và có tâm trạng gì.

Một chút bối rối, một chút nghẹn ngào, thương cảm. Tôi cùng các bạn thổi bóng bay, xếp ghế nhưng mắt vẫn nhìn về phía các em nhỏ ở mái ấm, những mảnh đời có phần kém may mắn hơn chúng tôi.

Học đại học có như bạn vẫn nghĩ? ảnh 4Vốn ít, không học đại học, chúng em có thể khởi nghiệp thành công?

Đây không phải lần đầu tôi nhìn thấy người khuyết tật, cũng không phải lần đầu tôi làm thiện nguyện nhưng là lần đầu tôi gặp những con người kém may mắn ấy ngay trong lúc tôi đang xa bố mẹ và trong lúc tôi thấy cuộc sống đang thực sự là quá khó khăn với tôi.

Tôi nhìn các bạn ấy rồi tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi, những người sinh ra và nuôi dưỡng tôi; nghĩ đến sự ích kỉ của bản thân khi có suy nghĩ hèn nhát, sợ khó, sợ khổ, gặp chút khó khăn là sẵn sàng đầu hàng; nghĩ đến sự hi sinh của các Sơ - những con người quá cao cả, tình yêu của Sơ hơn cả sự bao dung của một người mẹ đơn thuần.

Tôi nghĩ đến mình thực sự may mắn khi có mẹ cha ở bên cạnh. Tôi nghĩ đến tình yêu thương thật khó hiểu - Tình yêu thương liệu có không khi những người cha mẹ đẻ vứt bỏ đi giọt máu của mình, có không khi vẫn còn những thái độ thờ ơ, vô cảm trước cuộc sống?

Để rồi tự giải thích ắt hẳn là có khi các em đã được Sơ đùm bọc, nuôi dạy trong tình yêu vô bờ.

Chúng tôi cùng các em hát ca khúc "Nối vòng tay lớn". Ảnh: Triệu Thị Oanh
Chúng tôi cùng các em hát ca khúc "Nối vòng tay lớn". Ảnh: Triệu Thị Oanh

Sau khi trao quà cho các em, tôi nghiệm ra rằng đó không phải là chúng tôi cho đi mà chính là chúng tôi đang nhận lại, đúng với cái tên chương trình mà chúng tôi tổ chức là “Lan tỏa yêu thương”.

Chúng tôi nhận lại được nhiều hơn những giá trị vật chất mà chúng tôi vừa trao đi mà hơn hết là chúng tôi nhận ra được giá trị của tình yêu thương.

Giọt nước mắt mà chúng tôi rơi ngày hôm đó không chỉ là những giọt nước mắt cảm thông mà là giọt nước mắt biết ơn, biết ơn nhưng con người ấy đã dạy cho chúng tôi biết thế nào là cho đi và thế nào là nhận lại, biết ơn các Sơ đã làm đẹp cho cuộc đời đầy bon chen ngoài kia, biết ơn cô giáo chủ nhiệm, Khoa và Nhà trường đã là sợi dây kết nối, là những người mang những mảnh đời còn khuyết được lại gần bên nhau hơn, chắp vá cho nhau những mảnh khuyết còn chưa tròn.

Quả thực đúng là câu nói ý nghĩa mà đến giờ tôi mới hiểu được phần nào ý nghĩa “ Hãy trao đi yêu thương để rồi nhận lại thương yêu và lan tỏa yêu thương đến mọi người”.

  Giây phút xúc động ấy dần được bình tĩnh lại khi chúng tôi chứng kiến các em vui đùa, các em múa những điệu múa của riêng mình nhưng đầy sự tự tin, nghe những câu hát như hát lên chính cuộc đời của các em. Thương các em nhiều nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn vì các em đang sống trong tình yêu thương của các Sơ, của những người Mẹ vĩ đại.

Các em ở mái ấm Thánh Tâm hát và múa. Ảnh: Nguyễn Minh Ngọc
Các em ở mái ấm Thánh Tâm hát và múa. Ảnh: Nguyễn Minh Ngọc

Theo đúng lịch trình, sáng hôm sau chúng tôi lên chùa Hương. Chúng tôi đi chùa không chỉ để thấy tâm thanh tịnh, tìm hiểu văn hóa đi chùa của người Việt mình mà còn với nhiệm vụ là tìm hiểu về thực trạng đốt vàng mã và ô nhiễm môi trường tại chùa.

Nhưng hoàn toàn toàn không có những hình ảnh tiêu cực, môi trường sạch sẽ và không khí tươi đẹp đã chào đón chúng tôi.

Cảnh vật sông nước khiến chúng tôi phát mê, đi đến đâu cũng muốn chụp ảnh làm kỉ niệm.

Cuối cùng khép lại chuyến đi là một bài tổng kết của cô giáo tôi với cả kiến thức bài học chuyên môn và chia sẻ kiến thức thực tiễn cuộc sống.

Thời gian đúng là chẳng biết chiều lòng người, lúc vui là trôi đi thật nhanh. Hai ngày của chúng tôi kết thúc với đầy bài học bổ ích như thế! Chúng tôi lại lên xe về Hà Nội như mang được thêm bao nhiêu mạch máu nóng cho trái tim mình!

Tôi nghĩ rằng, đây không chỉ đơn thuần là buổi học thực tế mà đó là cả một buổi học dạy về cách sống, về đạo lý làm người, sự sẻ chia, yêu thương giữa người với người và tinh thần sống có trách nhiệm, bài học về trách nhiệm với bản thân và toàn xã hội.

Thực sự tôi muốn nói:“Cảm ơn, cảm ơn vì tất cả đã cho tôi được học buổi học thực tế đó!”

Học đại học với chuyến đi thực tế đã làm cho tôi có cái nhìn mới mẻ hơn về việc học, đó vừa là cách để chúng tôi đưa lý thuyết từ bộ môn mà chúng tôi được học vào thực tiễn, vừa là cách tạo hứng thú hơn với chúng tôi trong việc học. Học đại học không hề khô khan, nhàm chán, vô ích như các bạn vẫn nghĩ đâu nhé!

Nguyễn Linh (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)