Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa mà kinh phí hạn hẹp, phải làm sao?

04/12/2021 06:36
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiệu trưởng phải dám làm, phải chủ động, chứ nghĩ không có kinh phí, sợ thì sẽ không bao giờ làm được, và như vậy thì đương nhiên học sinh là người bị thiệt thòi.

“Việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường rất quan trọng, nó là định hướng xuyên suốt các hoạt động trong và ngoài nhà trường, bởi trong một cơ sở giáo dục không chỉ có mỗi hoạt động chuyên môn, mà còn có các hoạt động ngoại khóa trong đó. Nó là một kế hoạch tổng thể.

Hoạt động này sẽ hỗ trợ hoạt động khác, giờ ngoại khóa sẽ hỗ trợ rất tốt cho giờ chính khóa. Để có kết quả tốt ở tất cả các bộ môn thì các hoạt động ngoại khóa rất quan trọng, nó cũng tôn thương hiệu của các nhà trường bên cạnh chất lượng giảng dạy”, Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nêu quan điểm khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Phương Anh chia sẻ: “Trường Trung học cơ sở Lương Yên của chúng tôi cũng có nhiều khó khăn riêng, thứ nhất về mặt địa bàn khá phức tạp, ngay trong cùng quận thì khu vực phường Bạch Đằng có địa bàn trải dài, dân cư sinh sống ở cả bên ngoài đê và bên trong đê là vùng nội đô nên việc quản lí học sinh khá vất vả.

Điều thứ hai là trình độ dân trí ở khu vực này không được đồng đều, số lượng học sinh tạm trú khá đông bởi các em theo cha mẹ từ rất nhiều tỉnh về đây ở trọ để tìm việc lao động tự do. Chính vì vậy điều kiện về mặt kinh tế của các con không đồng đều và chưa được tốt, sự quan tâm của cha mẹ học sinh hầu như chưa có.

Về đội ngũ giáo viên của nhà trường, mấy năm nay một số bộ môn cũng thiếu cục bộ giáo viên như bộ môn Nghệ thuật, môn Giáo dục công dân, và đặc biệt là môn Địa lý rất khó tuyển giáo viên, không có người đăng kí dự thi viên chức, theo tôi tìm hiểu thì đầu vào đại học sư phạm cũng rất ít sinh viên theo học môn này. Việc thiếu giáo viên như vậy tôi đưa ra hướng mời giáo viên thỉnh giảng theo từng tiết học ở một số trường bạn”.

Cô Phương Anh cho biết: “Việc xây dựng kế hoạch nhà trường đương nhiên phải căn cứ vào đội ngũ, cũng như điều kiện nội lực của từng nhà trường. Người hiệu trưởng phải đặt mọi thứ lên “bàn cân” để thấy được mình có những gì để xây dựng kế hoạch cho phù hợp.

Ở Trường Trung học cơ sở Lương Yên có những khó khăn như vậy, nhưng bản thân tôi thấy mình không thể không làm, không đổi mới. Càng khó khăn mình càng phải quyết tâm bứt phá, lãnh đạo khuyến khích đội ngũ cùng thay đổi.

Nhiều năm trước, trường chúng tôi rất khó để tổ chức các hoạt động ngoại khóa bởi liên quan đến nguồn kinh phí, hơn nữa phụ huynh học sinh không mấy quan tâm đến những hoạt động như vậy, và đội ngũ giáo viên trong nhà trường chưa thực sự vào cuộc để thực hiện những việc đổi mới.

Nhưng hiện nay, mọi việc đã thay đổi rất nhiều, các thầy cô trong nhà trường đã rất nhiệt tình, mong muốn đổi mới trong các hoạt động, mong muốn mình phải khác, thu hút được phụ huynh học sinh cùng vào cuộc để họ cũng thấy nhà trường đổi mới là vì con em, cho con em họ.

Cũng rất mừng là những năm vừa qua, nhà trường chúng tôi tổ chức được rất nhiều các hoạt động ngoại khóa cho học sinh nhưng hầu như không tốn một đồng kinh phí nào, và để làm được điều đó ban giám hiệu nhà trường đã rất cố gắng”.

Các em học sinh và giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh và giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Những tiết học ngoại khóa không tốn kinh phí

Cô Phương Anh nói: “Bản thân tôi từ khi còn là giáo viên đã tham gia hoạt động ở rất nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội, và hiện nay cũng là ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, làm Hội thẩm nhân dân quận,…nên cũng được các cô các bác trên đó rất quan tâm, vậy nên những đề xuất mong muốn của tôi về quyền trẻ em đã được các chuyên gia hết sức giúp đỡ, thực hiện các dự án mà nhà trường không phải mất kinh phí.

Nhà trường cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ đội ngũ phòng Truyền thống của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, thực hiện các dự án giáo dục di sản với học sinh, đưa học sinh đến học ngoại khóa tại bảo tàng, những giờ giảng, giờ học chuyên môn. Ngoài ra còn nhiều giờ học ngoại khóa nữa chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ Đoàn Luật sư Hà Nội, rất nhiều Luật sư về quyền trẻ em, giờ học tuyên truyền tư vấn về pháp luật cũng đều được tổ chức miễn phí, chính vì thế học sinh được hoạt động rất nhiều.

Trong mọi việc làm cùng các tổ chức xã hội, tôi đều làm với mục đích từ thiện, chính vì thế nhà trường được giúp lại cũng trên tinh thần đó, và học sinh là người được hưởng từ những hoạt động ngoại khóa. Ví dụ: Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, thì từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ từ Trung tâm Pháp lý Hà Nội, hay như Đoàn Luật sư Hà Nội, cùng một số công ty Luật và nhiều luật sư cùng tham gia đưa những dự án giáo dục pháp luật đến với nhà trường.

Năm nay dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến nhưng nhờ có sự giúp đỡ nên chúng tôi đã có những giờ học về Luật An ninh mạng và kĩ năng sử dụng mạng an toàn cho học sinh. Gần 20 luật sư đã hỗ trợ trực tiếp với nhà trường tổ chức 20 tiết học trực tuyến giáo dục về pháp luật, mỗi lớp được một luật sư giảng dạy trực tiếp, phụ huynh các em cùng tham dự. Với những năm trước không có dịch bệnh thì những tiết học này được diễn ra trực tiếp trên lớp.

Qua những tiết học như vậy, các con được giao lưu, hỏi trực tiếp các luật sư những vấn đề các con quan tâm, phụ huynh cũng có thể trao đổi những vấn đề mình đang còn băn khoăn chưa rõ. Theo tôi đây là những tiết học ngoại khóa rất hiệu quả và cũng đã thật sự mời được phụ huynh học sinh cùng vào cuộc với nhà trường”.

Theo cô Phương Anh, hiện nay, mọi việc đã thay đổi rất nhiều, các thầy cô trong nhà trường đã rất nhiệt tình, mong muốn đổi mới trong các hoạt động, mong muốn mình phải khác". Ảnh: NVCC.
Theo cô Phương Anh, hiện nay, mọi việc đã thay đổi rất nhiều, các thầy cô trong nhà trường đã rất nhiệt tình, mong muốn đổi mới trong các hoạt động, mong muốn mình phải khác". Ảnh: NVCC.

Theo cô Phương Anh: “Đó là cách mình tổ chức giáo dục, vận dụng các mối quan hệ để tiết giảm chi phí cho nhà trường và học sinh, còn thường xuyên và lâu dài, chúng tôi mời phụ huynh tham gia cùng các con vào các hoạt động tại nhà trường, tại sân trường, tại từng lớp học với nhiều chủ đề trong một năm học như Trung thu, Tết Nguyên đán,…

Trước kia, nếu tổ chức hoạt động Trung thu sẽ có một lễ lớn tại sân trường, tuy hoành tráng nhưng thực sự không có chiều sâu bằng việc tổ chức tại các lớp và có sự tham gia của phụ huynh, không phải tổ chức riêng các lớp để các con chỉ ăn, mà phải có những hoạt động tìm hiểu theo chủ đề, sinh hoạt văn nghệ.

Với ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi không thuê các đơn vị tổ chức sự kiện bởi kinh phí có hạn, mà nhà trường làm theo hướng đi vào thực chất, cũng là cuộc thi gói bánh chưng nhưng có cả phụ huynh tham gia giúp đỡ hướng dẫn các con từ vo gạo, rửa lá, gói luộc bánh,…tất cả cùng được hoạt động và sản phẩm được chấm điểm trao giải ngay khi kết thúc, ai cũng vui vì được tham gia, mà qua đó các con lại có thêm kĩ năng vì tự tay mình thực hiện các công đoạn.

Thi cắm hoa hay vẽ tranh cũng vậy, giáo viên đưa ra chủ đề và các con thực hiện ngay tại sân trường, bố mẹ đứng xung quanh để theo dõi, đồng thời lồng ghép các giáo viên bộ môn cùng vào cuộc, ví dụ: Thi gói bánh chưng thì áp dụng môn công nghệ, môn nào vào môn đó, cô chủ nhiệm tự huấn luyện lớp của mình.

Qua những giờ ngoại khóa như vậy, các con phải được trải nghiệm thực sự, chứ không phải làm ở nhà hoặc thuê làm rồi mang đến trường. Học sinh phải được học các kĩ năng thực chất, em nào cũng phải tham gia trải nghiệm theo thế mạnh của bản thân, có thể là thi vẽ tranh, thi văn nghệ,…mỗi lớp tự chuẩn bị trang phục, nguyên liệu, tự thực hành các khâu, rồi tự liên hoan.

Làm như vậy chúng tôi huy động được tổng thể các thầy cô, phụ huynh, các nguồn lực, rất sôi nổi ai cũng vui, và nhà trường có thể nói chỉ “tốn” mỗi tiền thưởng cho các con mà thôi. Phụ huynh sẽ tự vào cuộc, tự đóng góp mua nguyên liệu ủng hộ các con, chứ nhà trường không vận động thu tiền để tổ chức ngoại khóa”.

Để thực hiện tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, cô Phương Anh nói: “Tôi đã mạnh dạn bởi đó là những hoạt động không phải cấp trên cầm tay chỉ việc". Ảnh: NVCC.
Để thực hiện tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, cô Phương Anh nói: “Tôi đã mạnh dạn bởi đó là những hoạt động không phải cấp trên cầm tay chỉ việc". Ảnh: NVCC.

Những tiết học ngoài nhà trường

Cô Phương Anh cho biết: “Hoạt động trong nhà trường thì khá đơn giản, nhưng khâu tổ chức đưa các con ra hoạt động bên ngoài là việc rất khó bởi kinh phí sẽ rất lớn, nhưng tốn ở mức độ nào cho phù hợp với điều kiện và mức sống của học sinh là điều mà ban giám hiệu nhà trường phải tính toán cân đối cẩn thận.

Cũng là đi Bảo tàng nhưng phải chọn địa chỉ phù hợp, vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa kết hợp được với các bộ môn bởi đây là đi học chứ không phải các em chỉ đến chơi. Chính vì vậy ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã thông báo hoạt động này với cha mẹ học sinh, cùng với các hoạt động của nhà trường.

Mọi người đều nắm được mỗi lớp sẽ tổ chức đi học ở bên ngoài từ 1 đến 2 buổi trong 1 học kì, tất cả dự kiến kinh phí đó sẽ nằm trong quỹ cha mẹ học sinh của lớp, chứ không phải đi cuộc nào thu tiền cuộc đó. Chúng tôi đã làm việc trước với bảo tàng, họ có một kíp lo chi phí cho đạo cụ, học liệu cho một buổi học ngoại khóa, số tiền chi phí không lớn nhưng đã là học liệu thì mình phải chi trả, còn lại mọi thứ miễn phí và các con đều tham gia 100%.

Nhưng khi học ngoại khóa, các con không chỉ đến bảo tàng chơi rồi về, vì là đi học nên các thầy cô có chuẩn bị một số câu hỏi phù hợp với tiết học, khi về các con phải viết thu hoạch, trả lời những câu hỏi đó và đó cũng là những kiến thức bổ trợ cho những tiết học chính khóa”.

Không đợi cầm tay chỉ việc

Để thực hiện tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, cô Phương Anh nói: “Tôi đã mạnh dạn bởi đó là những hoạt động không phải cấp trên cầm tay chỉ việc. Trong văn bản chỉ nói tổ chức các hoạt động giáo dục, giờ học ngoại khóa, kết hợp xã hội hóa,…tất cả đều chung chung, nhưng nếu người hiệu trưởng có ý chờ cầm tay chỉ việc thì mới làm, như vậy sẽ không bao giờ làm được.

Hiệu trưởng phải dám làm, chủ động làm, chứ cứ nghĩ không có kinh phí, sợ thì sẽ không bao giờ làm được, và không làm được thì đương nhiên học sinh là người bị thiệt thòi. Mình làm bằng cái tâm của mình và “liệu cơm gắp mắm” trong khả năng cho phép, lựa chọn những hình thức hoạt động ngoại khóa phù hợp với khả năng của học sinh và nhà trường, nhiều hoạt động miễn phí nhưng phải chuẩn, đã được xã hội thẩm định thì mới làm, chứ không phải làm cho có, không hiệu quả mà vẫn mời vào để giáo dục học sinh”.

Tùng Dương