Hoan nghênh đề xuất mới của Tổng Liên đoàn Lao động về tuổi hưu

11/10/2019 06:04
BÙI NAM
(GDVN) - Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58, giảm giờ làm trong tuần, thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm, bảo vệ lao động nữ mang thai…

Trước thềm Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố hàng loạt đề xuất mới liên quan tới nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 được người lao động trong cả nước quan tâm như: Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58, giảm giờ làm trong tuần, thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm, bảo vệ lao động nữ mang thai…

Đề xuất tuổi hưu của nữ là 58

Trong các phương án trình Quốc hội về tăng tuổi hưu của nam đến 62, nữ đến 60 nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động trong cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những ngành thuộc danh mục nghề độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc được nghỉ hưu sớm thì các ngành đặc thù như giáo viên, công nhân, điều dưỡng, hộ lý…là những ngành nên được nghỉ hưu như hiện nay là nữ 55, nam 60.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động trong cả nước (Ảnh minh họa: TTXVN).
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động trong cả nước (Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần điều chỉnh tăng từ năm 2021.

Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Do đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: Công chức (tăng tất cả), Viên chức (tăng một bộ phận lớn), Công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).

Trong tình hình hiện nay, theo tôi đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đúng đắn, những lực lượng công nhân, giáo viên, điều dưỡng, hộ lý,…nếu tăng tuổi nghỉ hưu của nữ đến 60 thì sẽ là một bất hợp lý rất lớn.

Rất mong Chính phủ cho ý kiến và các đại biểu Quốc hội quan tâm xem xét trong kỳ họp sắp tới.

Đề xuất người lao động được nghỉ chiều thứ 7

Liên quan tới nội dung giờ làm việc trong dự thảo Luật Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.

Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu
Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu

Nếu được thông qua đề xuất giảm 4 giờ làm việc trong tuần, người lao động sẽ được nghỉ vào chiều thứ 7 hàng tuần.

Về ngày nghỉ lễ, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần tăng thêm số ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Lý giải thêm về điều này, đề xuất cho rằng, với số ngày nghỉ lễ, tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết.

Đây là đề xuất hợp lý, việc ngày nghỉ tổng cộng của người lao động trong nước ít hơn nhiều nước trên thế giới, việc làm quá thời gian sẽ khiến người lao động mệt mỏi, khó tái tạo sức lao động khó nâng cao năng suất và chất lượng nhất là trong lĩnh vực sử dụng “chất xám” như giáo viên nên được ngày thứ 7 là một hợp lý.

Đề xuất 2 phương án nghỉ 3 ngày trong năm

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra 2 phương án cho đề xuất nghỉ thêm 3 ngày trong năm:

Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5/9 hàng năm (tăng thêm 03 ngày so với quy định hiện hành).

Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.

Phương án trên đảm bảo học sinh đi học đúng ngay ngày khai giảng, đảm bảo việc trả lại ý nghĩa ngày khai giảng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã “hứa” khi phát biểu với thầy trò vùng lũ huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh học trước rồi mới tổ chức khai giảng như hiện nay.

Phương án 2: Nghỉ 01 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

Đây là những đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được mọi người dân và người lao động mong mỏi, hy vọng nó sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới.

BÙI NAM