Hoa hậu Lisa Vân Anh sẵn sàng làm cô giáo vùng cao 2 tháng

19/10/2011 14:32
Văn Trinh
(GDVN) - Lisa Vân Anh khẳng định, chị sẵn sàng trở thành một “cô giáo vùng cao” trong vòng 2 tháng để dạy chữ và chia sẻ cuộc sống với các em học sinh nghèo.
“6h sáng, tôi sẽ dậy sớm hướng dẫn các em học sinh tập thể dục, sau đó, lên lớp giảng bài và đi hái rau rừng, nhặt củi với các em. Tôi chắc chắn rằng, thầy cô, học sinh vùng cao sinh hoạt thế nào, tôi tự nguyện sinh hoạt như vậy”, Hoa hậu thân thiện tại Mỹ Lisa Vân Anh chia sẻ với Giáo dục VN khi nói đến mong muốn làm từ thiện của mình.

Ám ảnh bữa cơm chỉ màu trắng và xanh

- Cách đây ít lâu, chị cùng đoàn công tác của Báo Giáo dục Việt Nam vượt đường xa xôi mang “bữa cơm có thịt” giúp đỡ học sinh vùng cao Suối Giàng, Yên Bái. Trở về sau chuyến đi đó, chị thấy trăn trở điều gì?


Mỗi chuyến đi từ thiện đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc khác nhau, từ đó khiến bản thân tôi có thêm nhiều rung động, suy nghĩ và tâm tư hơn. Năm ngoái, tôi có tham gia từ thiện ở miền Trung, nhìn các em gặp cảnh bão lũ sách vở bị cuốn trôi hết, tôi đã không cầm được lòng trước cuộc sống quá khổ cực của các em.
Lisa Vân Anh sẵn sàng ở lại 2 tháng dạy học ở vùng cao. Ảnh: Văn Trinh
Lisa Vân Anh sẵn sàng ở lại 2 tháng dạy học ở vùng cao. Ảnh: Văn Trinh
Nhưng, sự thiệt thòi các em học sinh vùng cao đâu có kém. Ở đó, có thể không bị nước mưa ngập đường đến trường, không bị cuốn trôi sách vở, nhưng để đi học được là cả một vấn đề lớn. Các em phải đi bộ rất xa, tới hàng chục cây số. Rồi thì bữa cơm đạm bạc chỉ có cơm trắng và rau rừng.

Thật lòng mà nói, đọc những thông tin trên báo chí về bữa cơm 2000đ của các em vùng Cao suối Giàng, tôi chưa thể cảm nhận hết mà chỉ tưởng tượng rằng: Ừ, thì các em có gạo mang đến trường, tự hái rau rừng, tự kiếm củi nấu ăn… Tuy nhiên, đến tận Suối Giàng mới cảm nhận được sự thiếu thốn của các em. Các em ăn cơm dưới nền nhà ẩm ướt, lớp học sập xệ, tối tăm… như thế, sao mà không trăn trở, suy nghĩ được chứ!

- Chị nghĩ sao về bữa ăn chỉ có 2 nghìn đồng của các em?


Đó là một sự thiệt thòi - tôi không biết phải dùng từ gì để nói cho thật chính xác hơn nữa! Ở dưới xuôi, có khi ngồi trà đá vỉa hè đã hết hơn số tiền 2000đ đấy! Trẻ em vùng vao hay dưới xuôi thì nơi nào cũng cần đầy đủ dinh dưỡng để phát triển. Vậy mà sự đói khổ lại đè nặng lên đôi vai các em nhỏ, thương xót lắm!

- Một bữa cơm trung bình của chị ăn hết bao nhiêu tiền?

Tôi ăn chay. Nhưng bình thường, khi tiếp khách tôi vẫn dùng những thức ăn khác. Tôi không thể tính trung bình một bữa ăn của mình là bao nhiêu tiền, có bữa vài trăm, vài triệu. Có điều, tôi chắc chắn mỗi bữa ăn sẽ trên 20 nghìn đồng, có nghĩa gấp 10 lần bữa cơm của các em.

- Nếu có cơ hội quay lại Suối Giàng, Yên Bái hay một chuyến từ thiện vùng cao nào khác 1 lần nữa, chị sẽ nhiệt tình tham gia?

Không có lý do gì để phải từ chối cả.

- Ngoài công việc chính ở Bộ Ngoại giao, chị còn là 1 giáo viên đứng lớp vào các ngày cuối tuần. Chẳng hạn, khi đi từ thiện ở 1 trường vùng cao nào đó, Ban giám hiệu nhà trường có ý mời chị ở lại dạy học, chia sẻ cuộc sống cho các em khoảng 1-2 tuần, chị đồng ý không?


Tôi không cần suy nghĩ và sẽ trả lời luôn rằng: Tôi sẵn sàng lên đó, dù đang là 1 công chức nhà nước. Bởi vì, rõ ràng, trong chuyến đi cùng Báo Giáo dục VN lên Suối Giàng, tôi cảm nhận rất rõ cuộc sống các em như thế nào. Tôi sẵn sàng ở đó 2 tuần, 1 tháng, thậm chí 2 tháng.
Một em nhỏ Suối Giàng giành tình cảm cho Lisa Vân Anh trong chuyến hành trình mang bữa cơm có thịt lên Suối Giàng, Yên Bái. Ảnh: Văn Trinh
Một em nhỏ Suối Giàng giành tình cảm cho Lisa Vân Anh trong chuyến hành trình mang bữa cơm có thịt lên Suối Giàng, Yên Bái. Ảnh: Văn Trinh
- Thử nghĩ xem, chị sẽ làm gì khi trở thành cô giáo vùng cao?

6h sáng tôi sẽ dậy tập thể dục với các em, rồi lên lớp giảng dạy, đi hái rau, nhặt củi với các em. Tôi xin chắc chắn một điều, các em học sinh, giáo viên vùng cao sinh hoạt như thế nào, tôi tình nguyện sinh hoạt đúng như thế.

Tôi không cần showbiz mà vẫn làm từ thiện tốt

- Không ít người đẹp trong giới nghệ thuật bị nghi ngờ làm từ thiện chỉ là cách đánh bóng tên tuổi, làm đẹp hình ảnh, chứ không xuất phát từ cái tâm thực sự?


Nếu ai đó có nói tôi đang PR, chẳng sao cả, vì tôi hiểu tôi như thế nào! Tôi đang làm tất cả về các em, việc tôi làm có hiệu quả thực sự và tốt cho các em thì tại sao tôi phải bận tâm tới những ý kiến trái chiều.

Tôi không thể thay đổi suy nghĩ của người khác, tôi chỉ cố gắng tìm cách để không phải bận tâm tới nó. Khi tôi gặp một chuyện thị phi nào đó, tôi ngồi thiền. Trong kinh phật có dạy, việc người ta nghĩ tốt cho mình, chính là người ta được phước, nghĩ xấu cho mình thì người ta mang tội. Tôi chỉ muốn mượn lời kinh phật để nói lên quan điểm của mình như thế!

- Chị đã bao giờ nghĩ xấu cho ai chưa?


Nếu tôi nói chưa, rõ ràng đó là lời lẽ sáo rỗng, thiếu trung thực. Tôi đã từng nghĩ xấu cho người khác, nhưng lúc này, tôi đang cố gắng hạn chế điều đó ở mức tối thiểu. Tôi vẫn có một câu cửa miệng khá buồn cười là: “Sống đơn giản cho đời thanh thản”.

- Tại sao chị chọn “cửa miệng” đó làm định hướng trong cuộc sống?

Lúc mới về Việt Nam, tôi từng bị cuốn theo giới showbiz - dù là người rất biết kiềm chế bản thân. Tuy nhiên, “cuốn theo” ở đây không phải tôi đua đòi chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm vốn tồn tại sẵn trong giới mà tôi hay bị buồn, bị tủi thân và đôi khi cảm thấy chạnh lòng.

Tôi từng làm rất nhiều việc tốt, nhưng lại bị nhìn nhận một cách sai trái. Lúc đó, tôi để cảm xúc của bản thân trôi theo lời nói, suy nghĩ của người khác. Và, vì thế tôi chẳng làm được gì nên hồn cả. Tôi đánh mất mình, đánh mất tư duy nên từng phải nằm viện vì căng thẳng quá. 2 năm trở lại đây, tôi không tham gia nhiều vào giới showbiz nữa. Chỉ tham gia những chương trình bản thân thấy thực sự hợp thôi! Nhờ đó, tôi thấy rõ ràng mình có thể kiềm chế bản thân trước những thứ phù phiếm, hào nhoáng.
"Giá trị của tôi là kiến thức, cái tâm và tinh thần sẵn sàng đồng hành trong công việc làm từ thiện". Ảnh: Văn Trinh
"Giá trị của tôi là kiến thức, cái tâm và tinh thần sẵn sàng đồng hành trong công việc làm từ thiện". Ảnh: Văn Trinh
- Chị có dám khẳng định bản thân sẽ không tham gia vào lĩnh vực giải trí - lĩnh vực mà nhiều người đẹp có danh hiệu khác đang cố chen chân vào?


Nói thẳng là: Không! Sau bộ phim Biệt động Sài Gòn, tôi không muốn bước chân vào giới nữa - một khi tôi đã mất niềm tin vào điều gì đó. Công việc hiện tại của tôi cũng đủ nhiều để phải cố gắng hết sức rồi.

- Chị nói thích làm từ thiện, luôn coi công việc đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là: Nếu chị là 1 người nổi tiếng trong giới showbiz thì việc làm từ thiện sẽ dễ dàng lay động nhiều cá nhân, tổ chức hơn khi là 1 người bình thường. Quan điểm của chị?  


Tất nhiên, một người hoạt động nghệ thuật nổi tiếng thì việc kêu gọi ủng hộ từ thiện sẽ tốt hơn. Chân tôi không đủ dài để làm người mẫu, mặt tôi không quá xinh đẹp để có những hợp đồng quảng cáo lớn, nhưng tôi có những giá trị nhất định. Khi các cơ quan, đoàn thể mời tôi đồng hành cùng chương trình từ thiện của họ, chắc chắn, họ đã nhận thấy giá trị của tôi.

- Giá trị bản thân mà chị nhắc tới là gì?

Chúng ta có thể phân tích từ giá trị theo rất nhiều nghĩa. Chẳng hạn, bạn nói có 1 chiếc máy canon trị giá 5000 USD, thì đó là giá trị của 1 phóng viên ảnh. Còn giá trị của tôi là kiến thức, cái tâm và tinh thần sẵn sàng đồng hành trong công việc làm từ thiện.
Văn Trinh