Hiệu trưởng trường Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ về đời sống của sinh viên

23/08/2018 06:27
Tấn Tài
(GDVN) - Những thay đổi trong cuộc sống sinh hoạt, tư duy học tập, tài chính khi bước chân lên giảng đường đại học được thầy Hiệu trưởng chia sẻ với 300 tân sinh viên.

Ngày 22/8, Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có buổi trò chuyện với hơn 300 tân sinh viên khóa 2018 và các phụ huynh về chương trình học tập của trường cũng như những cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Giảng đường sẽ khác trường phổ thông rất nhiều

Mở đầu buổi trò chuyện, thầy Vinh cho rằng, phụ huynh là những “nhà đầu tư” khi cho con em vào học tập tại nhà trường nên họ có quyền được biết tất cả những gì họ đầu tư như:

Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trò chuyện với 300 tân sinh viên và phụ huynh. Ảnh: TT
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trò chuyện với 300 tân sinh viên và phụ huynh. Ảnh: TT

Thông tin về chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra, cơ hội việc làm… Do đó, nhà trường sẽ duy trì các buổi trò chuyện, đối thoại như vậy trong suốt thời gian các em học tại trường.

“Nhà trường sẽ luôn lắng nghe các ý kiến phản hồi của học sinh, phụ huynh để hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn”, thầy Vinh nói.

Chia sẻ với hơn 300 tân sinh viên, thầy Vinh nói, đời sống của sinh viên sẽ khác hẳn những năm tháng mà các em học ở bậc phổ thông.

Ngoài một số em ở Đà Nẵng sống cùng gia đình thì hầu hết đều phải tự lập, sống xa nhà. Các em phải tự chăm sóc cho bản thân, vừa đảm bảo sức khỏe vừa phải lo chuyện học hành.

Bốn chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt kiểm định AUN-QA

“Lên giảng đường sẽ không còn những bài kiểm tra một tiết như hồi phổ thông. Nhưng các em cũng sẽ được các thầy cô hướng dẫn làm các dự án, áp dụng các kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm…

Ở bậc đại học, chúng tôi khuyến khích các em dành thời gian ở trường nhiều hơn. Ngoài giờ học thì các em có thể lên thư viện để tự học hoặc tìm kiếm tài liệu, hay tham gia các câu lạc bộ trong trường. Do đó, các em phải xây dựng một thời gian biểu hợp lý”.

Chia sẻ về chương trình đào tạo của nhà trường, thầy Vinh đặt vấn đề: Xã hội cần cái gì? Đó là STEM (viết tắt của cụm từ: Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học).

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

“Nhà trường không chỉ trang bị cho các em kiến thức mà còn là những kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đó là những kỹ năng như: giải quyết vấn đề một cách tổng thể, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo…”, thầy Vinh cho hay.

Cơ hội việc làm cho sinh viên

Một vấn đề mà nhiều phụ huynh, sinh viên quan tâm là cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp và những ngành nghề nào đang được xem là “hót” đối với xã hội.

Thầy Vinh cho biết, mới đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu nhà trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin bởi nhu cầu của địa phương rất lớn.

Tân sinh viên nêu những thắc mắc, câu hỏi với Hiệu trưởng. Ảnh: TT
Tân sinh viên nêu những thắc mắc, câu hỏi với Hiệu trưởng. Ảnh: TT

Nhưng nhà trường không thể tăng quá nhiều vì như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng.

Cũng theo thầy Vinh, có những ngành nghề chỉ mới nghe tên gọi thì chẳng ai học vì nghĩ khó tìm đầu ra. Ví dụ như: Thủy lợi. Mới nghe thì nó thấy nhà quê quá vì nó gắn liền với kênh mương, đập hồ…

Nhưng giờ không phải như vậy mà nó bao gồm các ngành như: thoát nước, môi trường và được gọi chung cái tên là ngành kỹ thuật công trình thủy.

Những giờ học không giảng đường của sinh viên Đà Nẵng

“Vừa rồi có khóa ra trường với 30 em. Ngày nhận bằng, có hai doanh nghiệp đến đăng ký với nhà trường là cần tuyển 50 em về làm với mức lương khởi điểm từ 10-12 triệu đồng/tháng”. 

Cũng theo thầy Vinh, phụ huynh, sinh viên có thể theo dõi mục “tuyển dụng việc làm” trên website của trường tại địa chỉ http://www.dut.udn.vn/ để thấy được nhu cầu của xã hội về các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo.

Trên trang web này cập nhật nhu cầu tuyển dụng thường xuyên của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi của phụ huynh về chất lượng đào tạo của nhà trường thì thầy Vinh nói nhà trường sẽ thay đổi triệt để chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu xã hội.

Chương trình này được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến góp ý của các doanh nghiệp.

Trường sẽ rút từ 150 tín chỉ xuống còn 120 tín chỉ và thời gian đào tạo trước đây là 5 năm thì nay chỉ còn 4 năm.

Các em sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản, nền tảng sau đó phải tự hình thành nên các kỹ năng cần thiết.

1/3 thời gian học của các em là học theo dự án, tức là vận dụng kiến thức lý thuyết cơ bản để tạo ra từng sản phẩm cụ thể”, thầy Vinh giải thích.

Tấn Tài