Hiệu trưởng mà không giỏi chuyên môn thì quản lý cái gì?

19/06/2019 06:36
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kinh Đô, Hà Nội cho rằng: “Đề xuất Hiệu trưởng không cần giỏi chuyên môn là chuyện tào lao”.

Hiện đang có ý kiến tranh luận xung quanh việc hiệu trưởng không cần là người giỏi chuyên môn.

Các ý kiến bảo vệ quan điểm này cho rằng, một hiệu trưởng vừa dạy giỏi vừa quản lý giỏi là rất hiếm. Tư duy một người lãnh đạo hoàn hảo là tư duy lạc hậu và không thực tế.

Hiệu trưởng là người làm công tác quản lý nên cần giỏi về quản lý (nắm vững pháp luật về giáo dục, quản lý con người, quản lý cơ sở vật chất, có phẩm chất đạo đức...).

Còn về chuyên môn thì "thuê" giáo viên giỏi để dạy từng môn (các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn toàn thuê chuyên gia giỏi từng lĩnh vực làm việc cho mình).

Vì vậy, yêu cầu hiệu trưởng giỏi chuyên môn mới quản lý nhà trường được là góc nhìn hạn hẹp.

Trong khi những ý kiến phản đối lại cho rằng, hiệu trưởng quản lý chuyên môn không giỏi thì ngay từ đầu đã không có được sự tôn trọng, đánh giá cao từ đồng nghiệp.

Việc giỏi chuyên môn cho thấy một người luôn có tinh thần học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức thường xuyên.

Làm nghề nào cũng phải tinh thông chuyên môn mới hy vọng khá nghề được.

Với hiệu trưởng, nếu yếu kém chuyên môn thì thảm họa gây nên không chỉ cho chính vị hiệu trưởng đó mà còn tác hại cho cả trường, ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục.

Thầy Hoàng Hữu Niềm cho rằng, nói hiệu trưởng không cần phải chuyên môn giỏi là tào lao (ảnh: Trinh Phúc).
Thầy Hoàng Hữu  Niềm cho rằng, nói hiệu trưởng không cần phải chuyên môn giỏi là tào lao (ảnh: Trinh Phúc).

Trước những tranh luận trên, để có cái nhìn sâu hơn về vị trí, vai trò của hiệu trưởng phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi với những thầy cô đã làm vị trí lãnh đạo nhà trường trong nhiều năm.

Theo thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kinh Đô, Hà Nội, nếu hiệu trưởng không cần giỏi chuyên môn thì đó là chuyện tào lao.

Bởi theo thầy Niềm, hiệu trưởng chức năng quan trọng nhất là quản lý về mặt chuyên môn. Vậy không giỏi chuyên môn thì quản lý cái gì?

Do đó, hiệu trưởng phải giỏi chuyên môn để quản lý nhà trường. Cái đó trong điều lệ nhà trường đã ghi rõ.

Nếu hiệu trưởng không đạt chuẩn về chuyên môn thì rất là khó hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo nhà trường tốt, không nhất thiết phải là giáo viên giỏi
Lãnh đạo nhà trường tốt, không nhất thiết phải là giáo viên giỏi

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Minh, Hà Nội cho rằng, hiệu trưởng không giỏi chuyên môn là không được.

Hiệu trưởng giỏi chuyên môn là yêu cầu đầu tiên phải có.

Không những vậy, hiệu trưởng còn là nhà quản lý nữa.

Hiệu trưởng có giỏi về chuyên môn thì mới quản lý được nhà trường.

Cô Thành cho rằng, hiệu trưởng không có chuyên môn thì làm sao dự giờ, đánh giá công tác dạy học.

Nếu không giỏi chuyên môn thì không thể làm khoa học, giáo dục trong nhà trường. Do đó, hiệu trưởng là phải giỏi.

Theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT thì Hiệu trưởng phải có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân, theo đó:

“Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân; cập nhật kịp thời các yêu cầu đổi mới của ngành về chuyên môn, nghiệp vụ;

Mức khá: đổi mới, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bản thân;

Mức tốt: hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Không giỏi chuyên môn, làm hiệu trưởng, hiệu phó thì...thảm lắm!
Không giỏi chuyên môn, làm hiệu trưởng, hiệu phó thì...thảm lắm!

Ngoài ra, Hiệu trưởng cần phải quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh. Theo quy định:

“Mức đạt: chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường, tổ chức thực hiện dạy học và giáo dục học sinh;

Đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của chương trình giáo dục phổ thông;

Mức khá: đổi mới quản trị hoạt động dạy học và giáo dục học sinh hiệu quả; đảm bảo giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh được nâng cao;

Mức tốt: hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về quản trị hoạt động dạy học và giáo dục học sinh”.

Trinh Phúc