Hiệu trưởng làm được, tôi xin bỏ nghề

14/05/2019 06:46
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Lời phát biểu của Tr. cứ nhói vào lòng mỗi người sau buổi họp “Hiệu trưởng làm được, tôi xin bỏ nghề”.

LTS: Căn bệnh thành tích, những chỉ tiêu trong giáo dục đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những tâm sự, nỗi lòng của giáo viên khi phải nỗ lực tìm mọi cách hoàn thành chỉ tiêu, mang lại thành tích cho trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuộc họp cuối năm đang xuôi chèo, mát mái; chủ tọa chuyển sang mục xét về duy trì sĩ số của lớp chủ nhiệm có nhiều tiếng “thở dài”.

Tỷ lệ duy trì sĩ số chỉ đạt 98%, như vậy việc duy trì chuẩn quốc gia của trường đang bên bờ vực “phá sản”.

Hiệu trưởng đọc rõ ràng số học sinh của từng lớp bỏ học, tỷ lệ là bao nhiêu; lớp nào không có học sinh bỏ học, giáo viên chủ nhiệm thở phào nhẹ nhõm; lớp nào có học sinh bỏ học trên 1%, giáo viên chủ nhiệm phải giải trình nguyên nhân, biện pháp đã giải quyết, … minh chứng biện pháp đã thực hiện để hội đồng “xem xét”.

Lớp 8 của thầy Tr. chủ nhiệm năm nay nghỉ 3 em trên sĩ số đầu năm là 33, trong đó có một em lưu ban bỏ học.

Thầy Tr. đã trình bày nguyên nhân, biện pháp đã thực hiện, chỉ thiếu duy nhất … minh chứng việc đã làm! Vì vậy, Tr. bị cắt thi đua “lao động tiên tiến cuối năm”!

Lời phát biểu của Tr. cứ nhói vào lòng mỗi người sau buổi họp “Hiệu trưởng làm được, tôi xin bỏ nghề”.

Trách nhiệm duy trì sĩ số có phải chỉ là của giáo viên chủ nhiệm?

Giáo viên phải nỗ lực để đảm bảo chỉ tiêu duy trì sĩ số. Ảnh minh họa/VTV
Giáo viên phải nỗ lực để đảm bảo chỉ tiêu duy trì sĩ số. Ảnh minh họa/VTV

Thật ra chưa có một văn bản nào “quy kết” trách nhiệm duy trì sĩ số là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, vì vậy “kỷ luật” giáo viên chủ nhiệm có nhiều học sinh bỏ học là vô lý, vi phạm “kỉ luật”.

Giáo viên “sợ làm công tác chủ nhiệm” cũng có lý do “bất khả kháng” này.

Học sinh bỏ học với muôn ngàn lý do: Chán học, phải theo cha mẹ; kinh tế khó khăn, phải ở nhà phụ giúp gia đình; lưu ban hai ba lần trong một cấp học, xấu hổ với bạn bè v.v...

Cứng nhắc chỉ tiêu, đẻ ra gian dối!

Phần lớn giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo sĩ số hàng tháng, có trường là hàng tuần trên bảng tin. Ban giám hiệu tổng hợp, giám sát, nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp, giáo viên tìm đủ mọi cách vẫn không đưa học sinh đến lớp; giáo viên chủ nhiệm chỉ còn cách chở phụ huynh đến trường, làm đơn, rút học bạ chuyển đi nơi khác; trong khi đó, học trò vẫn “vũ như cẩn” không đi đâu cả.

Cứng nhắc chỉ tiêu, đẻ tiêu cực!

Hiệu trưởng làm được, tôi xin bỏ nghề ảnh 2Vì sao các thầy cô biết học sinh yếu vẫn phải "đôn" các em lên lớp?

Do “sợ học sinh bỏ học” nên giáo viên chủ nhiệm đành “thỏa hiệp”; học sinh đi học, đi kiểm tra, chuyện lên lớp “để thầy lo”; tất nhiên những học sinh này “mỗi ngày đến trường là một ngày … chơi”.

Vì chỉ tiêu bộ môn, chỉ tiêu lên lớp phải đạt 98% mới đạt chuẩn quốc gia, chuẩn phổ cập, những học sinh này vẫn lên lớp.

Ngồi nhầm chỗ; sáng học cấp hai, chiều học cấp một không còn là chuyện hiếm ở các địa phương; một trong các nguyên nhân cũng là vì “thành tích” duy trì sĩ số!

Biện pháp nào để duy trì sĩ số?

Bỏ tỷ lệ duy trì sĩ số phải đạt được cuối năm của mỗi trường là biện pháp đơn giản nhất. Chỉ khi không có chỉ tiêu, mới có dạy thật, tổng kết thật, học sinh không bị “đôn lên”, mất kiến thức, chán học, bỏ học.

Giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng, đều có trách nhiệm duy trì sĩ số. Đổi mới phương pháp, giúp học sinh hứng thú học tập; đánh giá học sinh chỉ so sánh sự tiến bộ của học sinh hôm qua và hôm nay; nhận xét đánh giá một cách tích cực, tránh dạng nhận xét gây ức chế cho người học, chán học, bỏ học.

Với các học sinh khó khăn, cần vận động nguồn lực giúp các em về sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đi lại v.v...

Mỗi học sinh đến lớp, xã hội bớt đi một phạm nhân. Vì vậy, những giáo viên chân chính luôn mang “nợ” với học trò; khi học trò phạm lỗi, họ cảm thấy có trách nhiệm mình trong đó; khi nghe tin học trò thành công, họ vui một; nghe tin học trò thất bại họ buồn gấp ngàn lần.

Có những trường giáo viên góp gạo nấu cơm trưa; bữa cơm có thịt… đó là những sẻ chia của thầy cô để nâng bước em tới trường, tới tương lai hạnh phúc hơn.

Yêu thương, sẻ chia, vì học sinh thân yêu là cách tốt nhất để đưa học trò đến lớp.

Sơn Quang Huyến