Hiệu trưởng, hiệu phó có bằng cử nhân quản lý giáo dục vẫn không đủ chuẩn, vô lý

28/10/2021 06:52
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thì bằng cử nhân Quản lý giáo dục đã đảm bảo tiêu chí “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vào ngày 02/2/2021 thì nó đã nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận trên các phương tiện đại chúng.

Mặc dù Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thêm một số văn bản hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các địa phương nhưng khi chiếu vào các tiêu chuẩn để xếp hạng cho giáo viên thì các trường, các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Đặc biệt, nhiều Hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm, có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không được quy đổi sang chuẩn trình độ theo hướng dẫn của Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT.

Trong khi, chức năng, nhiệm vụ chính của các nhà giáo này là quản lý nhà trường chứ không phải là dạy lớp.

kNhiều Hiệu trưởng có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không đủ chuẩn trình độ theo quy định (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều Hiệu trưởng có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn không đủ chuẩn trình độ

theo quy định (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục lẽ nào chưa phù hợp?

Ngày 26/10/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Bỗng dưng sắp tụt hạng vì Thông tư, hiệu trưởng khẩn thiết kêu cứu Bộ Giáo dục” của tác giả Lê Minh phản ánh về sự việc một Hiệu trưởng ở Hậu Giang “kêu cứu” đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo trên cả nước cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.

Trong lá đơn gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hiệu trưởng này cho biết rằng dù bản thân đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn bị xuống hạng III, thay vì đã được bổ nhiệm là giáo viên tiểu học hạng II từ nhiều năm qua.

Nhà giáo này kêu cứu là hoàn toàn có cơ sở bởi bản thân đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (vượt chuẩn trình độ so với trước đây), sau đó họ được địa phương lựa chọn cho đi học lớp Quản lý giáo dục (hệ vừa làm vừa học) để bổ nhiệm làm quản lý ở trường tiểu học.

Hàng chục năm trời, bản thân thầy Hiệu trưởng này và một số đồng nghiệp ở Hậu Giang vẫn đinh ninh là mình đã vượt chuẩn bởi từ năm 2011 thì nhà giáo này đã được chuyển xếp lương ngạch giáo viên tiểu học cao cấp loại A1 (mã số 15a.203) theo TT02/2007/TT-BNV.

Năm 2017, được chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V07.03.07) theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và được hưởng lương hạng II từ nhiều năm nay.

Khi trao đổi với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng này cho biết rằng nếu như biết trước ngành giáo dục không công nhận bằng cử nhân Quản lý giáo dục thì bản thân thầy và hàng trăm đồng nghiệp ở Hậu Giang (lúc đó địa phương này mở 2 lớp) không bao giờ học lớp Quản lý giáo dục làm gì.

Bởi, nếu biết trước thì thời gian tham gia học lớp cử nhân này, họ đã tham gia học lớp đào tạo giáo viên tiểu học từ xa (thời điểm đó Đại học Huế mở lớp ở gần nhà) sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều và đến giờ không rơi vào cảnh trớ trêu là phải xuống hạng III.

Lúc đó, họ chỉ nghĩ đơn thuần là mình đang là những giáo viên cốt cán, đang là Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường mà học lớp đại học Quản ký giáo dục là điều hoàn toàn phù hợp. Vì nhiệm vụ chính của Hiệu trưởng hay Phó Hiệu trưởng nhà trường là quản lý chứ không phải dạy học.

Vậy nhưng, tấm bằng cử nhân Quản lý giáo dục bỗng trở nên không có giá trị quy đổi khi áp dụng theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT mà Bộ ban hành ngày 02/2/2021- đây rõ ràng là một bất cập và cũng là thiệt thòi cho nhiều thầy cô làm công tác quản lý trường học, cũng như một số thầy cô dạy lớp tham gia học chuyên ngành Quản lý giáo dục.

Đôi điều kiến nghị

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Bỗng dưng sắp tụt hạng vì Thông tư, hiệu trưởng khẩn thiết kêu cứu Bộ Giáo dục” thì nhiều độc giả trên cả nước đã có những phản hồi về sự việc này.

Qua những phản hồi của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy có nhiều nhà giáo ở các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như ở Hậu Giang.

Bạn đọc Đỗ Thị Hằng viết: “Chúng tôi cũng đang trong tình trạng giống như thầy Hiệu trưởng ở Hậu Giang. Rất mong tác giả gửi tới Bộ Giáo dục những vấn đề bất cập mà cán bộ quản lý ở các trường tiểu học, trung học cơ sở chúng tôi đang gặp phải”.

Bạn đọc Trần Thị Bình thì viết: “Chúng ta mong đợi, cuối cùng thì cũng đã có thầy Hiệu trưởng ở Hậu Giang chính thức lên tiếng trước công luận và được tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ủng hộ, lên tiếng về những bất công với những người đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục.

Kính mong các thầy cô giáo đọc, tham gia bình luận và chia sẻ để lãnh đạo Bộ Giáo dục và các cơ quan chức năng thấu hiểu. Từ đó, có những điều chỉnh cho hợp lí”.

Bạn đọc Thanh Mai cho biết: “Hà Nam cũng có rất nhiều Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng đang ở tình trạng như thầy Hiệu trưởng ở Hậu Giang”.

Bạn đọc Đỗ Hoàng Long phản ánh: “Tôi cũng thế, khi đó mình có bằng cao đẳng sư phạm là đạt chuẩn giáo viên trung học cơ sở rồi, tôi làm quản lý nhà trường nên 2009 học cử nhân Quản lý giáo dục để làm tốt hơn công tác quản lý. Không ngờ lại không đạt chuẩn khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, mặc dù năm nay tôi đã 50 tuổi rồi”…

Từ những phản ánh của thầy Hiệu trưởng ở Hậu Giang và những phản hồi của bạn đọc sau bài viết: “Bỗng dưng sắp tụt hạng vì Thông tư, hiệu trưởng khẩn thiết kêu cứu Bộ Giáo dục” cho thấy cả nước hiện nay có nhiều cán bộ quản lý nhà trường đang là giáo viên hạng II từ nhiều năm nay thì giờ đây phải xuống hạng III.

Chúng tôi cho rằng việc Bộ có chủ trương không quy đổi bằng cử nhân Quản lý giáo dục cho các nhà giáo đang là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ở nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở là một thiệt thòi cho các thầy cô này.

Bởi lẽ, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 hướng dẫn: Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Tại các Thông tư Thông tư 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT khi hướng dẫn các hạng giáo viên đều dẫn lại câu: “Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi, nếu là giáo viên đứng lớp thì bằng cử nhân Quản lý giáo dục không được quy đổi sang chuẩn trình độ cũng là hợp lý vì nhiệm vụ chính của họ là giảng dạy.

Tuy nhiên, đối với những thầy cô giáo đang làm công tác quản lý ở các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở, họ đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thì bằng cử nhân Quản lý giáo dục đã đảm bảo tiêu chí “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”. Vì nhiệm vụ chính của họ là quản lý nhà trường- điều này cũng được thể hiện rất rõ trong Điều lệ trường học.

Qua sự việc này, rất mong cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nên có những hướng dẫn linh hoạt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc nhằm giúp cho những thầy cô giáo ở nhiều địa phương đang đảm nhận vai trò quản lý giáo dục tại các nhà trường được quy đổi sang chuẩn trình độ để họ yên tâm công tác.

Suy cho cùng, họ là những nhà quản lý giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở thì việc ngoài bằng cao đẳng sư phạm và có bằng cử nhân Quản lý giáo dục là phù hợp, đúng với vai trò, trách nhiệm, công việc họ đang đảm nhận hàng ngày mà không được quy đổi thì bằng nào mới có thể “phù hợp” hơn?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH