Hiệu trưởng ĐH FPT: 'Trường công mọc như... siêu nấm'

05/04/2013 15:29
Xuân Trung
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, ngôi trường ngoài công lập đang có sức hút rất lớn nhờ phong cách đào tạo hiện đại tiệm cận các mô hình tiên tiến của thế giới, khẳng định như vậy.
Tuyển sinh năm 2013 có thể bị đát hơn

TS Lê Trường Tùng lấy số liệu cụ thể trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013" do Bộ GD&ĐT ấn hành, cho thấy: Tổng chỉ tiêu đăng ký năm 2013 là 642.657, trong đó chỉ tiêu các trường công lập là 512.502, như vậy chỉ tiêu cho các trường ngoài công lập còn 130.155.

Năm 2012 số lượng tuyển vào ĐH, CĐ của cả nước đạt khoảng 465.000, vậy thì năm 2013 chỉ riêng các trường công lập muốn tuyển đủ chỉ tiêu cũng không thể thực hiện nổi, chứ chưa nói đến trường ngoài công lập.

Vì vậy, theo TS Lê Trường Tùng, không chỉ năm 2012 mà năm 2013 bức tranh tuyển sinh có thể còn bi đát hơn, khó khăn gấp bội vì rất khó có nguồn tuyển.

TS Lê Trường Tùng đưa ra những số liệu "biết nói" về bức tranh giáo dục đại học hiện nay. Ảnh: Xuân Trung.
TS Lê Trường Tùng đưa ra những số liệu "biết nói" về bức tranh giáo dục đại học hiện nay. Ảnh: Xuân Trung.

Nhân tố nào gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển?

Lâu nay, báo chí nhắc nhiều đến tình trạng các trường đại học được mở ra ồ ạt "như nấm mọc sau mưa", kéo theo chất lượng đào tạo đại học giảm sút thê thảm do chất lượng không chạy kịp với số lượng. Một số ý kiến cho rằng đó là do các trường tư (ngoài công lập) mở ra quá nhiều.

Thế nhưng, những số liệu được TS Lê Trường Tùng nêu ra đã chứng minh điều ngược lại: "Mọc" nhiều hơn "nấm", có thể ví mọc như "siêu nấm", chính là các trường ĐH, CĐ công lập, trong đó rất nhiều trường "đôn" từ cao đẳng, trung cấp lên.

Từ đó, dẫn đến thực tế nhiều năm qua rằng, chỉ riêng chỉ tiêu đăng ký của các trường công lập đã vượt quá tổng chỉ tiêu tuyển thực của tất cả các trường sau mỗi mùa tuyển sinh. Sự cạn kiệt nguồn tuyển bắt nguồn từ đây. Nhiều trường (cả công lập và ngoài công lập) khó khăn trong khâu tuyển sinh xuất phát từ thực tế này.

TS Lê Trường Tùng lấy số liệu thống kê chính thức trên Website của Bộ GD&ĐT trong 10 năm (2001-2011) cho thấy:

- Trong 10 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng thêm 59 trường, vẫn trong ngần ấy thời gian số lượng các trường ĐH, CĐ công lập đã là 158 trường. Như vậy mỗi 1 trường ngoài công lập được mở ra thì có khoảng 2,68 trường công lập ra đời. Từ đó TS Tùng ví von các trường ĐH, CĐ công mọc như "siêu nấm".
 
- Trong 10 năm này, số lượng học sinh phổ thông chỉ tăng 12%, trong khi các trường ĐH, CĐ tăng gấp đôi về mặt số lượng (hiện tại tổng cộng cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ).

"Thực tế, hệ thống trường công lập tăng gấp gần 3 lần so với các trường ngoài công lập mà không ai đề cập tới. Trong khi mỗi một trường công lập ra đời phải có tiền từ ngân sách vào, các trường ngoài công lập không những không được hưởng ngân sách nhà nước mà còn phải đóng thuế, thuế đó góp vào ngân sách nhà nước và rót ngược lại cho các trường công lập. Điều đó cho thấy bức tranh hiện nay các trường công lập tồn tại được là trong đó có một phần tiền thuế từ các trường ngoài công lập”, TS Lê Trường Tùng nhận định.

Từ năm 2012, theo Luật Giáo dục Đại học thì các trường được tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh (các trường chỉ việc đăng ký với Bộ). "Với quy định này các trường công lập áp dụng triệt để quyền tự chủ để tăng thêm nguồn thu, thực tế cho thấy chỉ tiêu các trường công đã bằng 115% tổng chỉ tiêu của cả nước năm 2012, như vậy thì lấy đâu ra nguồn tuyển?”, TS Tùng bức xúc hỏi.

Đề nghị Bộ kiểm soát, cắt giảm chỉ tiêu của các trường công lập


Từ đó, TS Lê Trường Tùng đề nghị Bộ GD&ĐT cần kiểm soát chỉ tiêu của các trường công lập (vẫn cho đăng ký chỉ tiêu để đảm bảo quyền tự chủ, nhưng phải kiểm soát chỉ tiêu đó có đảm bảo trung thực với năng lực đào tạo hay không - pv), để tăng chất lượng đào tạo, tăng tiều đầu tư cho mỗi sinh viên.

Như vậy, theo lộ trình mà TS Tùng đề nghị, mỗi năm cắt giảm 7% chỉ tiêu các trường công, thực hiện trong khoảng 5 năm thì tổng chỉ tiêu chì còn khoảng 65%, như vậy sẽ tạo điều kiện cho trường tư tồn tại. 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục đại học, quy hoạch lại các trường công, tạo điều kiện cho trường tư phát triển trong một sân chơi bình đẳng, công bằng, và đó cũng chính là sự công bằng giữa mọi sinh viên bất kể trường công hay trường tư.
Xuân Trung