Hiệu trưởng cấp 3 giới thiệu học sinh tới các trường đại học là cách làm hay

11/12/2021 06:40
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc giáo viên trung học phổ thông giới thiệu học sinh của mình đến trường đại học ở Việt Nam vẫn còn mới và việc này nên được khuyến khích.

Ngày 1/12, thầy giáo Nguyễn Thành Công – trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm đã chia sẻ hình ảnh thư cảm ơn của Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đến cá nhân thầy.

Theo đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã vui mừng báo tin tới thầy Nguyễn Thành Công về các em học sinh lớp 12, những thí sinh được thầy Công viết thư giới thiệu đã trúng tuyển vào các ngành học uy tín của Trường Đại học Bách Khoa theo phương thức xét tuyển tài năng bằng hồ sơ năng lực kết hợp với phỏng vấn.

Thư cảm ơn được thầy Nguyễn Thành Công chia sẻ trên trang cá nhân. Ảnh của thầy Nguyễn Thành Công

Thư cảm ơn được thầy Nguyễn Thành Công chia sẻ trên trang cá nhân. Ảnh của thầy Nguyễn Thành Công

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2020, Trường đã tuyển hơn 500 thí sinh theo phương thức này.

Các bạn sinh viên đã phát huy rất tốt về tố chất năng lực trong học tập, rèn luyện cũng như phát triển bản thân. Trong năm 2021, cũng đã có gần 800 thí sinh thành công với hồ sơ năng lực của mình và Trường Đại học Bách Khoa cũng cho rằng con số sẽ không ngừng tăng lên trong những năm tiếp theo. Trong thư, thầy Huỳnh Quyết Thắng cũng đã cảm ơn và gửi lời chúc đến thầy giáo Nguyễn Thành Công.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Thành Công đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của học sinh cũng như phụ huynh, bởi ở Việt Nam, việc giáo viên trung học phổ thông gửi thư giới thiệu học sinh đến các trường đại học chưa phổ biến.

Tuy nhiên với các nước phát triển việc giáo viên viết thư giới thiệu học sinh, sinh viên của mình không phải là chuyện hiếm. Nhiều hồ sơ ứng tuyển trường đai học ở nước ngoài, ngoài bảng điểm/học bạ, bài tiểu luận (Study Plan, Autobiography), chứng chỉ ngoại ngữ…, các trường đại học thường sẽ yêu cầu thư giới thiệu như một phần trong đơn đăng ký của sinh viên đến trường.

Chia sẻ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện giáo viên viết thư giới thiệu học sinh của mình đến với trường đại học, thầy giáo Lê Chí Thông – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đakrông (Quảng Trị) tỏ ra rất đồng tình và cho rằng nên khuyến khích hình thức này.

Bởi theo thầy Thông, giáo viên trung học phổ thông trong 3 năm giảng dạy học sinh của mình, nếu là thầy giáo có tâm huyết sẽ hiểu được năng lực của học sinh.

Người thầy sẽ hiểu được khả năng của học sinh mình đến đâu và sẽ có định hướng phù hợp với học sinh. Thầy giáo cấp trung học phổ thông nên có những nhận xét về học sinh của mình để trường đại học tham khảo.

Tất nhiên, việc này phải đòi hỏi người thầy có tâm huyết và giới thiệu những cá nhân nổi trội và giới thiệu bằng uy tín của cá nhân.

Việc giới thiệu này cũng sẽ kéo sự gần gũi giữa thầy và trò và giáo viên trung học phổ thông với giáo dục đại học, cao đẳng lại gần nhau hơn.

Không chỉ giới thiệu tới trường đại học, giáo viên cũng có thể giới thiệu các em tới các trường cao đẳng, trường nghề khác nhau… những trường phù hợp với năng lực của học sinh.

Khi được hỏi về việc giới thiệu học sinh ở trường Đakrông, thầy Thông cho biết, trường Đakrông chưa giới thiệu học sinh đến trường đại học nhưng đã giới thiệu học sinh của trường đến với trường Chuyên của tỉnh Quảng Trị.

Giáo viên trung học phổ thông có thể dễ dàng hiểu năng lực của học sinh để giới thiệu, định hướng nghề nghiệp của các em tốt hơn. Ảnh hoạt động ngoại khóa ở trường Trung học phổ thông Đakrông. Ảnh: LC

Giáo viên trung học phổ thông có thể dễ dàng hiểu năng lực của học sinh để giới thiệu, định hướng nghề nghiệp của các em tốt hơn. Ảnh hoạt động ngoại khóa ở trường Trung học phổ thông Đakrông. Ảnh: LC

“Nhà trường sẵn sàng giới thiệu các em đến với môi trường tốt hơn để các em phát huy năng lực bản thân để các em có điều kiện phấn đấu. Em học sinh trường giới thiệu lên trường chuyên của tỉnh cũng đã phát huy năng lực rất tốt. Thời gian tới, nếu có điều kiện, trường cũng sẵn sàng có thư giới thiệu các em có năng lực tốt của trường giới thiệu đến những cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng có uy tín đề phù hợp với năng lực và sở trường của các em”, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đakrông cho biết.

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã đánh giá cao việc giới thiệu học sinh của các giáo viên trung học phổ thông.

Thầy Hiệp cho rằng, đây là việc rất cần thiết và cũng là điều kiện kết nối giữa trường đại học với trường trung học phổ thông.

“Các thầy cô giáo trung học phổ thông sẽ là người hiểu rõ nhất năng lực học sinh của mình, do vậy qua thư giới thiệu của các thầy sẽ là căn cứ quan trọng để trường đại học hiểu năng lực của sinh viên. Đây cũng là nhiệm vụ của cả trường đại học và trường trung học phổ thông trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Đây là việc làm rất đáng khuyến khích”, thầy Hiệp cho biết.

Cũng theo thầy Hiệp, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội sẵn sàng liên kết với trường trung học phổ thông có giới thiệu học sinh có đủ năng lực, phẩm chất đến với nhà trường.

Lại Cường