Hiến kế cách trị căn bệnh "háo danh" về giáo sư, phó giáo sư

29/10/2020 05:56
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường đại học, viện nghiên cứu nào do đó đây là việc của cơ sở giáo dục. Đây là xu hướng chung của thế giới.

Thời gian qua, việc Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu đề nghị Hội đồng giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho rà soát, kiểm tra lại một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng giáo sư ngành thông qua đã gây xôn xao dư luận.

Một lần nữa, dư luận cho rằng, cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho hệ thống phong học hàm của quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ người ta cố “xoay” cho được cái hàm giáo sư, phó giáo sư là vì háo danh. Và cái danh ấy còn mang đến rất nhiều lợi lộc. Họ được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng, trường hợp đã hưởng lương ở ngạch giáo sư – giảng viên cao cấp thì được xếp lên một bậc lương liền kề.

Không chỉ có thế, danh vị giáo sư, phó giáo sư còn có quyền được tham gia, phê duyệt các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp quốc gia…Do đó, nếu cứ phong hàm “giáo sư, phó giáo sư” một cách dễ dãi thì sẽ tạo ra hậu họa vô cùng lớn. Nếu những vị giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn, không thực tài trà trộn vào hệ thống đào tạo, bình xét, chấm điểm, phản biện các dự án, công trình khoa học mang tầm cỡ ngành, quốc gia thì đất nước này sẽ ra sao?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục (đề nghị không nêu tên) cho rằng:

Trên thế giới, việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, làm khoa học chứ không dành cho những người làm công tác quản lý Nhà nước. Nước ta có nhiều tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư nhưng khá nhiều người không tham gia vào công tác đào tạo.

ảnh minh họa: VTV

ảnh minh họa: VTV

Theo vị này, theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như giáo sư, phó giáo sư là của Nhà nước, đều do Nhà nước phong, Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung.

Nhưng xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại giáo sư, phó giáo sư. Theo đó, giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường đại học, viện nghiên cứu nào do đó đây là việc của cơ sở giáo dục. Đây là xu hướng chung của thế giới.

“Nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì ắt hẳn sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường, đồng nghiệp mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình chứ cứ giáo sư, phó giáo sư gắn với nhà nước thì mới sinh ra “háo danh” để rồi khai gian dối”, vị này nhấn mạnh.

Với quan điểm của mình, vị này cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó.

“Tôi tin rằng sẽ không có vấn đề nở rộ giáo sư, phó giáo sư vì không trường nào dám phong ào ào để lấy cái danh cả bởi nếu làm lỏng lẻo thì tự khắc làm hạ thấp uy tín của nhà trường. Do vậy buộc các trường sẽ có quy định để bảo đảm chặt chẽ số người được phong giáo sư, phó giáo sư phù hợp với thực lực của họ”, chuyên gia phân tích.

Hơn nữa, giáo sư, phó giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời, một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là giáo sư, phó giáo sư nữa.

Những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ.

Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.

Do vậy, vị này đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì chỉ còn là “nguyên giáo sư trường A”, nguyên phó giáo sư trường B”.

Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.

Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện rất vô lý”.

Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn rằng, nếu người đó có công trình nghiên cứu vĩ đại mà được phong hàm thì cái danh đó phải theo họ cả đời mới đúng.

Nhưng theo chuyên gia này thì công trình đó được khen thưởng, tác giả đã nhận và đương nhiên giải thưởng gắn cả đời. Còn đã là giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với đóng góp cho nhà trường, cho khoa học. Không còn đóng góp nữa thì không còn là giáo sư, phó giáo sư nữa.

Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này. Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình. Chỉ cần chuẩn đó không thấp hơn chuẩn tối thiểu là được.

Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là giáo sư, phó giáo sư của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường.

Cũng theo vị này, những người làm quản lý Nhà nước thì không nên phong hàm các chức danh này, khi được mời đến cơ sở giáo dục giảng dạy nếu đạt tới tầm nào đó thì được công nhận “giáo sư thỉnh giảng”, còn nếu mang lại vinh dự cho trường đó thì người ta công nhận “giáo sư danh dự”.

Thùy Linh