Hi vọng UBKTTƯ làm rõ vấn đề liên quan đến công tác biên soạn và lựa chọn SGK

04/01/2022 06:46
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) kỳ vọng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ làm sáng tỏ những “góc khuất” trong công tác biên soạn sách giáo khoa.

Từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ mười. Xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên, bên cạnh những ưu điểm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công,… Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng cần được tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Trước thông tin này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) kỳ vọng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ làm sáng tỏ những “góc khuất” trong công tác biên soạn sách giáo khoa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) (ảnh: quochoi.vn)

Kể từ năm học 2020-2021 đến nay, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào triển khai (lớp 1, lớp 2, lớp 6) và tới đây là sách lớp 3, lớp 7, lớp 10. Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đã có nhiều câu hỏi chất vấn tại nghị trường cũng như phiếu chất vấn bằng văn bản gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy: “Ngay từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tôi đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc 4 bộ sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với khuyết điểm nặng nhất là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Vậy Bộ có ra văn bản yêu cầu rà soát điều chỉnh nội dung chưa phù hợp của 4 bộ sách này không?”.

Đến tháng 12/2020, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy có nhận được câu trả lời của Bộ trưởng nhưng chưa hài lòng với câu trả lời nên Đại biểu tiếp tục gửi chất vấn trong đó nhấn mạnh nội dung “Việc sách giáo khoa không ghi tên tác giả nhiều sáng tác văn học có đúng quy định về quyền nhân thân của các tác giả không? Sách giáo khoa có sửa chữa điều này? Bộ chỉ đạo sửa chữa những chỗ sai như thế nào? Nhà xuất bản có biên soạn tài liệu đính chính không? Có công khai lấy ý kiến nhân dân không?...”.

Nhận được câu hỏi, ngày 19/3/2021, Bộ trưởng có câu trả lời, khẳng định: “Thực hiện Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định có liên quan, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ khi biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, khi sử dụng các sáng tác văn học để làm văn bản tác phẩm trong việc biên soạn sách giáo khoa đều phải ghi đầy đủ thông tin về tác giả, đảm bảo quyền nhân thân của tác giả theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo các nhà xuất bản rà soát, nếu có trường hợp sách giáo khoa không ghi tên tác giả ở các sáng tác văn học theo đúng quy định về quyền nhân thân của tác giả, thì thực hiện sửa chữa, bổ sung theo đúng quy định”.

Cuối tháng 10/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nội dung liên quan đến vấn đề biên soạn, xuất bản và lựa chọn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đến tháng 11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời phần nội dung mà Đại biểu chất vấn. Đọc, nghiên cứu các phần trả lời chất vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều nội dung Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chưa đồng tình.

Bà Thúy cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định các lỗi trong sách giáo khoa đã cơ bản được khắc phục, nhưng tôi khẳng định, sách thì học sinh đã mua và không hề có đính chính. Cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tác giả sách đều không hề trả lời công luận nên mãi tới khi nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng, tôi mới biết Nhà xuất bản chỉ sửa lỗi trên sách giáo khoa điện tử nhưng cũng không rõ là sửa những gì và sửa từ bao giờ. Đó không phải là thái độ đúng trong tiếp thu phê bình.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng “không có tác giả nào của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “viết 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học” thì thông tin tôi có được cho thấy trong 2 năm 2020 – 2021, ông Bùi Mạnh Hùng là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Chân trời sáng tạo), Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 2, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Cả 4 bộ sách này đã xuất bản.

Cũng trong thời gian trên, ông Hùng còn làm Tổng Chủ biên các sách giáo khoa Tiếng Việt 3, Ngữ văn 7, Ngữ văn 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các bản mẫu sách giáo khoa này đã hoàn thành, được in và đã trình Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, ông Hùng còn viết hàng chục đầu sách tham khảo của hai bộ sách trên. Báo chí đã thống kê gần 50 đầu sách ông Hùng viết trong 2 năm. Để làm bằng chứng, một nhà báo đã gửi tôi ảnh chụp các bìa sách giáo khoa, sách tham khảo Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục. Riêng ở bộ sách Tiếng Việt 1 Kết nối tri thức với cuộc sống, ông Hùng đã đứng tên trên 13 quyển sách.

Về Thông tư 25 (quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông), tôi được biết văn bản này có nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho nhiều nơi phớt lờ ý kiến của cơ sở giáo dục, lựa chọn sách theo ý kiến riêng của mình, không loại trừ có sự đan cài lợi ích nhóm. Tôi hoan nghênh Bộ đang chuẩn bị rà soát, sửa đổi và chuẩn bị kiểm tra, thanh tra việc lựa chọn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chưa cho biết kế hoạch (ít nhất là thời gian) thực hiện các công việc ấy như thế nào. Tôi đề nghị Bộ trưởng thông tin cho Đại biểu Quốc hội có chất vấn và công luận biết nội dung thông tư sửa đổi và kết quả kiểm tra, thanh tra của Bộ”.

Là đại biểu bám sát về vấn đề sách giáo khoa, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy hi vọng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ làm rõ, công bố những những vấn đề liên quan đến công tác biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa để công khai, minh bạch, có như vậy mới thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Thanh Sơn