"Hên xui" chuyện xếp lương nhà giáo theo các thông tư mới

14/08/2021 08:44
HOÀI THANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giáo viên hệ số lương từ 3,0; 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển sang 4,0 là vô lý quá lớn, bất công và không có cơ sở khoa học nào.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên có hiệu lực từ 20/3/2021.

Thông tư mới có rất nhiều bất cập, bất hợp lý gây khó cho các cơ sở giáo dục hay các địa phương trong quá trình thực hiện bổ nhiệm và xếp lương theo thông tư mới.

Đến nay đã có rất nhiều bài viết phản ánh về bất cập của việc chuyển xếp lương, chuyển xếp hạng, chuyển hệ số lương,… trong các bài viết đăng tải trên các cơ quan báo chí cả nước.

Có thể điểm lại một số bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như:

Nhiều thầy cô hạng II phải xuống hạng III trong ấm ức vì thiếu "nhiệm vụ", “Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, giáo viên khổ sở tìm minh chứng "hạng II", “Bùng nhùng chia hạng, xếp lương giáo viên mong Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo”, “Mong Bộ trưởng chỉ đạo sớm sửa chùm thông tư xếp hạng giáo viên mới”, “Điểm mờ của Thông tư 03: giáo viên hạng 2 cũ nơi sang ngang, nơi xuống hạng 3”, “Tôi thấy xếp hạng giáo viên dựa vào hồ sơ, chẳng căn cứ vào năng lực hiệu quả”,…

Đa số đều phải ánh rất nhiều bất cập, rắc rối, bất hợp lý, bất công,… của các thông tư xếp hạng trên và cách hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cụ thể để các địa phương xếp hạng, xếp lương mỗi nơi mỗi kiểu, không thống nhất.

Đến hôm nay là gần 5 tháng kể từ ngày các thông tư trên có hiệu lực, việc chuyển xếp lương thực hiện vẫn không thống nhất, có địa phương rục rịch chuyển xếp lương, có địa phương vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Bài viết hôm nay xin tiếp tục phản ánh bất cập lớn mà nhiều giáo viên gặp phải khi chuyển xếp hệ số lương từ hạng II cũ sang hạng II mới ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Quy định việc chuyển xếp lương từ hạng II cũ sang hạng II mới ở bậc tiểu học, trung học cơ sở

Do theo quy định tại các thông tư mới là việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật…

Tại quy định của khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV quy định:

“1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức :

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.[…].”

Từ quy định trên việc chuyển xếp từ hạng II cũ sang hạng II mới theo Thông tư 02/2007/TT-BNV-BGDĐT được thực hiện ở bảng sau:

Hạng II cũ

Hạng II mới

Nâng lương lần sau

2,34 – 1

Không có vì từ 2015 đến nay, giáo viên Tiểu học, trung học cơ sở chỉ xếp lương cao đẳng, trung cấp

2,67 – 2

4,00 - 1

Từ ngày có quyết định xếp lương mới

3,00 – 3

4,00 - 1

Từ ngày có quyết định xếp lương mới

3,33 – 4

4,00 - 1

Từ ngày có quyết định xếp lương mới

3,66 – 5

4,00 - 1

Từ ngày có quyết định xếp lương mới

3,99 – 6

4,00 - 1

Theo quyết định cũ

4,32 – 7

4,34 - 2

Theo quyết định cũ

4,65 – 8

4,68 – 3

Theo quyết định cũ

4,98 – 9

5,02 – 4

Theo quyết định cũ


5,36 – 5



5,70 – 6



6,04 – 7



6,38 – 8


Khi việc chuyển xếp lương hạng II cũ sang hạng II mới theo kiểu “hên, xui”, “may, rủi”

Trong bài viết tôi chỉ xin phân tích bất cập khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới của giáo viên bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở.

Chính việc vận dụng theo quy định về chuyển xếp lương khi thăng hạng, do chênh lệch giữa hệ số lương giữa hạng II cũ (từ 2,34 đến 4,98) và hạng II mới (từ 4,0 đến 6,38) chênh lệch quá cao, trong khi công việc, nhiệm vụ na ná nhau nên chính từ đó việc chuyển xếp lương phát sinh nhiều bất cập, bất công.

Cụ thể một số trường hợp sau đây:

Ví dụ một giáo viên A có một số thành tích có chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi,… nói chung là đạt tiêu chuẩn của giáo viên hạng II mới đang có hệ số lương 3,0 (hạng II cũ) thì sẽ được chuyển sang lương hạng II mới có hệ số lương 4,0 (xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới)

Bên cạnh đó một giáo viên B khác hạng II cũ có hệ số lương 3,99 có chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh (cao hơn tiêu chuẩn hạng II mới) thì cũng chỉ chuyển sang hạng II mới cơ hệ số lương 4,0.

Như vậy, giáo viên B giỏi hơn giáo viên A, công tác hơn giáo viên A gần 10 năm nhưng khi chuyển xếp lương thì 2 người lại xếp bằng nhau.

Rõ ràng, việc chuyển này là quá vô lý, mâu thuẫn và chuyển theo kiểu “hên, xui”, có người từ 3,0; 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển sang 4,0 là vô lý quá lớn, bất công và không có cơ sở khoa học nào.

Đây là một bất cập rất lớn, chuyển xếp lương cho dù kiểu nào cũng không thể có việc chuyển theo kiểu hên, xui, may, rủi người nào hên thì công tác ít năm hệ số lương thấp sẽ được chuyển sang hệ số lương 4,0; những giáo viên công tác lâu năm thì xem như xui vì chỉ từ 3,99 sang 4,0 mà còn các trường hợp công tác lâu năm khác có hệ số trên 4,0 chuyển sang hệ số lương mới cũng không chênh lệch là bao nhiêu.

Nhiều người nói giáo viên trẻ thì hên nên được chuyển lên khá cao, còn giáo viên công tác càng lâu, dù có thành tích gì việc chuyển xếp không có chênh lệch bao nhiêu, hầu như không có ý nghĩa gì.

Còn các giáo viên có bằng đại học từ 2012, hiện nay chưa được thăng hạng sẽ tiếp tục xếp ở hạng III mới. Ví dụ giáo viên trên có hệ số lương 3,96 (hạng III cũ) chuyển sang hạng III mới có hệ số lương 3,99 thua một giáo viên ở hạng II cũ có hệ số lương 3,0 chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 là điều rất bất cập, khi các tiêu chuẩn, thành tích, cống hiến đều bị bỏ qua.

Những người có bằng đại học từ 2012 đến nay không được thăng hạng, giờ chỉ chuyển sang hạng III mới là quá “xui”.

Thêm một số trường hợp bất cập khác như sau:

Một giáo viên C đang ở hạng II cũ có hệ số lương 3,66 ở một địa phương khác khi chuyển xếp lương lại yêu cầu đầy đủ các tiêu chuẩn, chỉ cần thiếu 1, 2 tiêu chuẩn trong bất kỳ phần nào thì lại không được chuyển sang hạng II mới mà phải chuyển xếp hạng III mới có hệ số lương tương đương (do áp dụng công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn chuyển xếp lương, quy định:

“2. Một số lưu ý cụ thể

a) Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng…”

Một giáo viên D ở một địa phương khác đang ở hạng II cũ có hệ số lương 3,33 thì lại được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 (do quy định chuyển hạng tại các Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT quy định:

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38). Nên căn cứ vào hạng II cũ để chuyển sang hạng II mới cũng đúng.

Một giáo viên E ở hạng II cũ có hệ số lương 3,0 ở một địa phương vẫn được chuyển sang hạng II mới cơ hệ số lương 4,0 trong khi địa phương khác lại quy định phải công tác đủ 9 năm và đạt tiêu chuẩn mới được nên cũng chỉ chuyển xếp lương mới có hệ số là 3,0 như trên.

Do đó, nói có trường hợp 2 giáo viên xem như giống nhau nếu hên là công tác tại địa phương cho chuyển lên hạng II mới, nếu xui công tác tại địa phương chỉ chuyển lương hạng III mới là 3,0.

Một quyết định được giáo viên chia sẻ trên cộng đồng mạng.

Một quyết định được giáo viên chia sẻ trên cộng đồng mạng.

Nên quy định cụ thể việc chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới

Khi ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp được ban hành thì có nghĩa là giáo viên sẽ được chuyển xếp lương từ các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT sang xếp lương theo Thông tư mới.

Tuy nhiên, đợt chuyển xếp lương này lại không mang ý nghĩa gì khi việc thực hiện lương mới theo vị trí việc làm sẽ được thực hiện từ 01/7/2022, khi đó sẽ bỏ việc xếp hạng, bỏ hệ số lương, bỏ một số phụ cấp,…nên trong giai đoạn này việc chuyển xếp lương thêm phức tạp, rắc rối, thêm bất công là điều không nên.

Bất cập lớn nhất cần giải quyết hiện nay là hàng ngàn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Do đó, người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu vẫn chuyển xếp lương thì phải quy định cụ thể không nên để việc giáo viên từ 2,67,….3,99 cùng chuyển sang 4,0 điều này rất vô lý, phản khoa học, gây bất công, bức xúc không đáng có.

Thiết nghĩ, hiện nay việc ban hành các thông tư mới chưa thật sự cần thiết, trong giai đoạn này Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên cho giáo viên các cấp học, bậc học được chuyển thăng hạng theo các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT là hợp lý nhất, việc thực hiện lương mới nên để đến giai đoạn 01/7/2022.

Bên cạnh đó, việc xếp lương giáo viên trung học phổ thông, giáo viên hầu như chỉ chuyển ngang lương mà không có được tăng hệ số lương, chỉ có thể có giảm hạng do chưa đạt các tiêu chuẩn, chưa đạt trình độ thạc sĩ,…cũng nên được xem xét.

Khi thực hiện chính sách liên quan đến cả triệu giáo viên thì nó phải đảm bảo công bằng, hợp lý, khoa học,… nếu chính sách mới mà gây bất công, nhiều bất hợp lý thì nên được dừng lại để nghiên cứu và giải quyết triệt để làm sao để giáo viên đảm bảo công bằng, yên tâm công tác, cống hiến.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HOÀI THANH