Hãy xem mỗi sự cố ngoài ý muốn khi dạy trực tuyến là một bài học quý

26/10/2021 06:48
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số bất cập trong dạy học online đặt ra nỗi băn khoăn về giải pháp để đảm bảo chất lượng cũng như sự an toàn của hình thức học này giữa bối cảnh Covid-19.

Sự cố học online có thể là bài học

Thời gian qua, một số sự cố xảy ra trong lúc dạy học online đối với cả giảng viên, giáo viên, lẫn học sinh, sinh viên, cũng đang khiến dư luận rất băn khoăn về vấn đề này.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu quả dạy học online trong thời gian qua đang không đồng đều. (Ảnh: Ngân Chi).

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu quả dạy học online trong thời gian qua đang không đồng đều. (Ảnh: Ngân Chi).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho rằng, những sự cố trong lúc học online vẫn rải rác xảy ra ở đâu đó, trước hết là do vấn đề kỹ thuật.

“Chẳng hạn, có những sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của học sinh khi đang học online, có thể bắt đầu từ việc sử dụng điện thoại cũ quá, hoặc vừa sạc vừa dùng, gây nguy hiểm… Trước đó, chúng ta chưa lường trước được hết các nguy cơ, nên đến khi xảy ra sự cố, mới có biện pháp phong tỏa ngăn chặn. Từ đó, mới đặt ra bài học, cần tập huấn cho giáo viên.

Hoặc với những sự cố từ phía thầy cô, những cư xử không đúng mực trong giờ giảng, có thể nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân người thầy. Đối với người thầy, có thể trong lúc dạy trực tiếp trên lớp, cũng có lúc khó kiềm chế, dẫn đến những hành xử không đúng mực, sau đó, nếu phía nhà trường xử lý chưa thực sự “đến nơi đến chốn”, thì rất dễ có chuyện, lại đem đúng tinh thần ấy vào giờ dạy online.

Một lý do nữa, có thể là do cách thiết kế bài giảng, chất lượng bài soạn chưa tốt. Chỉ những người giảng viên, giáo viên nắm được “hồn cốt”, làm chủ hoạt động dạy học, đúng tinh thần người thầy giáo “biết 10 dạy 1”, thì mới làm chủ được mọi tình huống.

Bên cạnh những giáo viên có bài giảng linh hoạt, cũng có không ít thầy cô chỉ đơn thuần “cắt gọt” một chút xíu, còn lại gần như “ốp” y nguyên từ phương pháp giảng truyền thống sang trực tuyến.

Điều đó có thể khiến một phần lớn học sinh không hiểu bài, có em sẽ ngồi im không nói, nhưng cũng có em sẽ biểu hiện chểnh mảng, từ đó, dẫn đến thầy cô không làm chủ, tiết chế được cảm xúc”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương phân tích thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đồng tình với quan điểm đó, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ:

“Mặc dù những sự cố vừa qua có thể xảy ra trong các giờ học online, nhưng theo tôi, đó không chỉ là hạn chế, mà ngược lại, còn có thể là một ưu điểm. Tôi nói như vậy là vì sao? Bởi lẽ, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho học online. Những sự cố ấy vốn dĩ hoàn toàn vẫn có thể xảy ra nếu học sinh, sinh viên học trực tiếp trên lớp.

Chẳng hạn, khi thầy cô có cách hành xử không đúng trong lớp, là do bản thân thầy cô thiếu hụt về hiểu biết, phương pháp, kỹ năng kiềm chế cảm xúc.

Do vậy, cho dù có dạy học tại trường, thì tình huống tương tự vẫn có thể xảy ra, đó vấn đề là xuất phát từ nhân sinh quan của thầy cô.

Nếu thầy cô làm đúng thì dạy trực tiếp hay trực tuyến cũng không khác gì, đâu có phải “khoác lên bộ mặt khác”, trở thành con người khác chỉ vì dạy trực tuyến?

Vì vậy, những sự cố này nếu nhìn nhận một cách tích cực thì không chỉ là hạn chế, mà từ hạn chế lại bộc lộ ra ưu điểm, đây sẽ là dịp để “lộ ra” những thiếu sót, giống như một sự nhắc nhở đến thầy cô giáo, cần chuẩn mực hơn trong cách cư xử, nên chăng, cần có một bộ quy tắc ứng xử mới cho thầy cô khi dạy và học trực tuyến?”.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cũng cho hay, một số trường đã cẩn thận xây dựng nội quy dạy học online.

“Mặc dù không thể lường trước được toàn bộ các phát sinh, song, đó cũng được xem là một nền tảng để điều tiết mối quan hệ thầy trò trong dạy học online, hạn chế phần nào những sự cố”, thầy Chương cho biết.

Làm gì khi hiệu quả học online không đồng đều?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.

Theo đó, điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình của các đối tượng học sinh ở các vùng, miền, có sự khác nhau dẫn đến kết quả học tập của học sinh chưa được đồng đều; một bộ phận học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc phải chuyển nơi cư trú nên chưa đáp ứng được yêu cầu về kết quả học tập...

Trước vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Để giải quyết bất cập không đồng đều vùng, miền, trước hết phải đi phía từ gia đình, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các con. Với những học sinh khó khăn quá, có thể tham gia tạo nhóm học tập để chia sẻ với nhau, thậm chí, nhờ thầy cô trao đổi, gợi ý thêm ngoài giờ.

Hoặc xa hơn nữa, là từ trong một nhà trường, có thể chọn mỗi khối lớp (hoặc mỗi bộ môn) ra những giáo viên giỏi nhất, ưu tú nhất, có phương pháp giảng hay nhất để dạy chính, các thầy cô khác có thể trợ giảng. Như vậy, một cô có thể dạy cùng lúc 10 lớp, chất lượng giảng dạy đến học sinh cũng sẽ đồng đều hơn”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia giáo dục cũng đề cập đến hình thức thi cử trong giai đoạn này. Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, yêu cầu các cơ sở giáo dục sau khi đón học sinh quay trở lại trường, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, bảo đảm chất lượng và không thu thêm kinh phí.

Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia giáo dục này, nếu trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vẫn phải tổ chức các kỳ thi trực tuyến, thì đội ngũ giáo viên nên dành nhiều thời gian hơn để ôn tập cho học sinh.

“Không chỉ chọn lọc giáo viên tốt nhất để ôn thi cho học sinh, mà còn cần tăng thời lượng ôn tập. Nếu ôn trực tiếp chỉ cần một tiết, thì với ôn trực tuyến có thể đẩy lên 6-10 tiết… Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng nên dần gạt bỏ tư duy dạy kiến thức và kiểm tra kiến thức. Chúng ta có thể tăng cường sử dụng những đề kiểm tra “mở”, để học trò được kích thích tư duy, cũng là cách để hạn chế tiêu cực trong các bài thi online”, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên gợi ý.

Ngân Chi