Hãy tôn trọng quyền “được lưu ban” của học trò

25/08/2017 07:28
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
(GDVN) - Ban giám hiệu ở nhiều trường không đồng ý cho học sinh lưu ban dù lực học của học trò này quá kém vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường.

LTS: Học kém vẫn phải lên lớp, không được phép lưu ban vì ảnh hưởng thành tích của trường đã trở thành nghịch lý tồn tại nhiều năm trong giáo dục. 

Hôm nay trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội kể lại một số tình huống mà chính cô được nghe, được chứng kiến.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết. 


Chị Trần Thị Mai (Hà Nội) cho biết, con trai chị học lớp 4 ở một trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô.
 
Con chị vốn là một đứa trẻ thiếu tập trung nên khi học tập rất khó khăn vất vả. Những bài học lớp 1, 2 đã khiến cháu mệt mỏi.

Lên đến lớp 3, cháu đuối hẳn, không thể theo kịp các bạn khi không thuộc nổi bảng cửu chương cũng như viết chậm và sai lỗi chính tả rất nhiều.
 
Thấy con học tập quá khó khăn, hàng ngày cô giáo và cha mẹ mệt mỏi chạy theo để giúp đỡ mà tình hình vẫn không cải thiện là bao, gia sư cũng ngày đêm giảng bài cho con mà con vẫn không theo kịp các bạn nên chị Mai quyết định lên gặp ban giám hiệu Nhà trường để xin cho con được lưu ban, học thêm một năm cho nắm chắc kiến thức. 

Nhiều Ban giám hiệu Nhà trường không đồng ý cho học trò lưu ban vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)
Nhiều Ban giám hiệu Nhà trường không đồng ý cho học trò lưu ban vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Tuy nhiên, ban giám hiệu không đồng ý và nói: nếu chị muốn cho con lưu ban thì phải chuyển trường cho cháu.

Trường không đồng ý cho con chị Mai lưu ban vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

Điều đó có nghĩa là, cháu năm nay vẫn được lên lớp 4, vậy là lực học đã kém nay lại kém hơn nữa khi nhiều bài học lớp 3 còn chưa thành thục.
 
Cùng cảnh ngộ với con trai chị Mai là trường hợp cháu H.N, học sinh lớp 2.

Cô giáo chủ nhiệm của cháu thấy sức học con kém, theo các bạn rất vất vả mặc dù các cô rất quan tâm, tập trung giúp con học tập.
 
Vì thế, cô đã nói chuyện cùng gia đình và thống nhất đề nghị ban giám hiệu cho H.N được lưu ban 1 năm.

Hãy tôn trọng quyền “được lưu ban” của học trò ảnh 2

Em không được học cũng lại vì chỉ tiêu

Nhưng ban giám hiệu đã từ chối và nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm về thành tích học tập của lớp và của trường.

Nhà trường yêu cầu các cô tập hợp các con học lực kém trong dịp hè để bổ túc vội vàng kiến thức cho học trò.
 
Tuy nhiên, thời gian hè không đủ để cháu H.N tích lũy đủ kiến thức cần thiết. Vì vậy, cháu vào lớp 3 với thái độ chán học, thiếu tự tin.
 
Rồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng trẻ em ngồi nhầm lớp, lớp 7 nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo xảy ra lác đác trên khắp các địa phương trên cả nước.  
 
Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này chính là việc hạn chế học sinh lưu ban.
 
Mà nguyên nhân của hiện tượng này chính là vì ngành giáo dục đã lấy thành tích của học sinh để bình xét thành tích của giáo viên và nhà trường từ đó bình xét đến các danh hiệu thi đua.

Do mải chạy theo các thành tích, một số nhà trường chỉ tập trung làm đẹp học bạ để đẩy nhiều học trò lên lớp trên cho dù các cháu có đủ sức học tập hay không.
 
Chính vì vậy, việc ép tất cả học sinh lên lớp chứng tỏ sự thiếu nghiêm túc trong quá trình đánh giá học sinh và là sự dối trá mà trẻ em không khó khăn gì có thể nhận ra được.

Thiết nghĩ, đổi mới giáo dục không chỉ là việc xây dựng và áp dụng mô hình giáo dục mới, chương trình phổ thông mới mà còn là thực hiện nghiêm túc tất cả những quy định để học sinh có được đầy đủ các quyền lợi mà trong đó có một quyền rất quan trọng cũng cần được coi trọng: Quyền được lưu ban của học sinh.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, ý kiến riêng của tác giả. 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương