Hầu hết giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh rất tự chủ, không dễ áp đặt chọn sách

24/06/2020 10:52
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 ở thành phố là công khai, minh bạch.

Ngày 24/6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp, công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020 – 2021 trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2020 – 2021 trên địa bàn thành phố đã được thực hiện công khai, minh bạch, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố.

Tại thành phố, bộ sách “Chân trời sáng tạo” được các trường lựa chọn, chiếm tỷ lệ khoảng 80% (không đều ở các môn, tiếng Anh hơn 60%), vì bộ sách này có sự tham gia của các tác giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, những thầy cô giáo có chuyên môn giỏi, đang trực tiếp đứng lớp, tham gia trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá, nên những chủ trương, biện pháp đổi mới cũng được thực hiện nhiều, sâu sát và phù hợp với giáo viên thành phố.

Bộ sách này cũng được các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam lựa chọn nhiều, trong đó có thể kể đến Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang…

Trong thời gian giãn cách xã hội, Sở đã phối hợp cùng với các nhà xuất bản tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo giới thiệu về các bộ sách giáo khoa để các giáo viên, Hiệu trưởng, lãnh đạo của các trường đưa ra sự lựa chọn chính xác.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Hiếu (ảnh: P.L)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Hiếu (ảnh: P.L)

Sở cũng có yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn phải công khai kết quả sự lựa chọn bộ sách giáo khoa cho trường mình, đăng trên cổng thông tin điện tử, bảng tin của trường để phụ huynh học sinh cũng giám sát.

Việc giá thành của bộ sách giáo khoa mới cao gấp 3 lần so với bộ sách cũ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện, ông Nguyễn Văn Hiếu giải thích: Do các bộ sách giáo khoa cũ là nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ chính trị, dùng chung cho cả nước, được Nhà nước hỗ trợ về giá.

Còn những bộ sách giáo khoa mới này là thực hiện xã hội hóa, chất lượng in ấn tốt hơn. Có tất cả 5 bộ sách giáo khoa được duyệt, giá thành do từng nhà xuất bản duyệt, giá khá cao.

Tuy nhiên, khi mua xong thì nó là tài sản của từng học sinh. Thành phố vẫn có kinh phí từ ngân sách cho các trường học mua sách giáo khoa dùng chung, đặt tại thư viện của từng trường. Học sinh khó khăn có thể mượn từng cuốn, hay mượn cả bộ.

Về cơ sở vật chất, phòng học để thực hiện chương trình, bộ sách giáo khoa mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thành phố rất mong muốn, đưa ra chỉ tiêu phấn đấu về một lớp học ở bậc tiểu học tính ra chỉ khoảng hơn 30 học sinh/lớp, nhưng có một thực tế, tại một số quận huyện, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi vẫn còn thấp.

Trong khi đó, bộ sách giáo khoa mới lại được thiết kế dùng để học 2 buổi/ngày, nên phải có giải pháp để thực hiện.

Hiện Sở Giáo dục đã chỉ đạo các quận huyện rà soát lại việc này, ưu tiên tối đa học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, còn trường nào không thể học như vậy thì có thể tận dụng ngày thứ 7.

Trao đổi với các phóng viên về việc lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền thù lao hàng tháng của Nhà Xuất Bản Giáo dục Việt Nam trong khi tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa này, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Hầu như các trường, giáo viên đều rất tự chủ, không dễ bị chi phối, áp đặt trong việc lựa chọn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nói tiếp: Danh dự của các trường rất cao, nếu giáo viên và Hiệu trưởng chọn khác nhau, thì cứ dựa vào quy chế, nguyên tắc của sự lựa chọn sách giáo khoa phải là quá bán trong hội đồng lựa chọn của trường, tổ trưởng chuyên môn sẽ đại diện cho ý kiến của giáo viên trong tổ.

Nếu bỏ phiếu không quá bán thì phải tổ chức bỏ phiếu lại, nếu tới lần thứ 3 bỏ phiếu mà không có bộ sách nào quá bán, thì bộ sách giáo khoa nào có số phiếu cao hơn sẽ được lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: Hoàn toàn không có sự tác động, áp đặt nào từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố xuống các trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên cũng muốn có bộ sách này, sách khác để lựa chọn, đánh giá.

Hiện các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới dành cho học sinh lớp 1 vẫn chưa bán trên thị trường, do cần chờ xong việc tập huấn cho giáo viên.

Phụ huynh hay học sinh có thể đăng ký mua tại trường, nhà xuất bản sẽ cung cấp tận trường. Dù vậy, phụ huynh cũng có thể mua bên ngoài các kênh phân phối, nhưng đăng ký mua tại trường thì chắc chắn do nhà xuất bản phát hành hơn.

Việt Dũng