Hạnh phúc nảy mầm ở “trường thầy Cương” trên đất Nà Ngao

15/02/2021 06:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trẻ con ở Nà Ngao thay vì phải tự tìm những trò chơi với hoa dại, đất đá ven suối, giờ các con được học hát, học múa, được ăn cơm trưa với những bữa cơm bán trú.

Những năm trước, trẻ con điểm trường Nà Ngao, thôn Châng chỉ biết chơi với đất, đá, hoa dại ven đường. Được đến lớp được múa hát, được chơi đồ chơi là điều có lẽ chúng chỉ được nghe các anh chị lớn kể lại, thế nhưng giờ mọi thứ đã đổi thay…

Bánh chưng yêu thương

Xuân về, trên sườn đồi, những nhánh đào bắt đầu tô sắc thắm cho vùng cao bớt vẻ hoang hoải, núi đồi đã rũ bỏ màu ảm đạm xám xịt của mùa Đông, bản làng như được khoác lên trên mình một màu áo mới.

Đường vào Nà Ngao vẫn quanh co khúc khuỷu, băng qua những cánh đồng đã quá vụ. Nương lúa vàng của ngày mùa đã thay vào những cánh đồng ngô xanh mượt, trên cung đường ấy, Nà Ngao lại bắt đầu bước vào một mùa Xuân mới, một năm với đầy hy vọng mới.

Nhiều năm nay, bà con thôn Châng (xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đã có những cái Tết thật trọn vẹn, trẻ con đã biết Tết Thiếu nhi, biết đến Tết Trung thu và càng ấm áp hơn khi Tết Nguyên đán về.

Bởi những dịp tết ấy, bà con người dân tộc ở thôn Châng, ở điểm trường Nà Ngao lại được đón những tấm lòng nồng ấm của những người bạn đặc biệt từ Thủ đô đến, những người bạn đến từ Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thầy cô cùng học sinh trường Lương Thế Vinh lại tổ chức gói bánh chưng chia sẻ yêu thương với học sinh vùng cao khó khăn.

Đây cũng là hoạt động thường niên của trường Lương Thế Vinh nhằm giáo dục học sinh về phong tục cổ truyền của người Việt Nam.

Không khí lễ hội trong ngày gói bánh chưng ở trường Lương Thế Vinh.

Không khí lễ hội trong ngày gói bánh chưng ở trường Lương Thế Vinh.

Mỗi học sinh sẽ được bố mẹ và các thầy cô giáo hướng dẫn cho cách để làm ra một chiếc bánh chưng từ khâu rửa lá, chuẩn bị gạo, gói bánh cho đến khi trông luộc bánh bên những bếp củi hồng đỏ lửa.

Sự sẻ chia, đùm bọc qua hành động từ thiện là hoạt động thường niên có ý nghĩa quan trọng của trường Lương Thế Vinh. Thông qua những hoạt động này, các em học sinh của trường sẽ biết sống nhân ái hơn.

Nhiều năm nay, cứ vào dịp cận kề Tết Nguyên đán, nhà trường lại mang theo hàng trăm chiếc bánh chưng cùng với bánh kẹo lên tặng trẻ em tại điểm trường Nà Ngao, thuộc Trường Mầm non Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

Đây là điểm trường được xây dựng theo tâm nguyện cuối đời của cố Nhà giáo Văn Như Cương.

Các em học sinh tự tay chuẩn bị cho mình chiếc bánh chưng mang ý nghĩa chia sẻ yêu thương

Các em học sinh tự tay chuẩn bị cho mình chiếc bánh chưng mang ý nghĩa chia sẻ yêu thương

Hạnh phúc mới ở Nà Ngao

Hồ hởi kể chuyện với tôi, anh Nông Văn Phấn - Trưởng thôn Châng cho biết, từ ngày điểm trường của thầy Văn Như Cương được xây dựng (năm 2018) trẻ em trong thôn Châng đã có nhiều đổi thay.

Từ ngày đó, trẻ con ở Nà Ngao thay vì phải tự tìm những trò chơi với hoa dại, đất đá ven bờ suối, giờ các con được học hát, học múa, được ăn cơm trưa với những bữa cơm bán trú dân nuôi...

Trên mỏm đồi khi xưa là sắn, là đất đá thì nay đã vang lên những tiếng hát, tiếng cười của trẻ thơ, những lớp người mới đang được chăm sóc, giáo dục đầy đủ ở thôn Châng.

Chỉ mới đôi năm trước đây thôi, trẻ con thôn Châng khi chưa đến 5 tuổi chẳng dám mơ được đến trường mầm non.

Bởi trường ở quá xa, những con đường ngoằn ngoèo qua suối, đi qua những cánh đồng lúa, vòng qua hàng cọ, đẹp thì có đẹp đấy, nhưng với sức trẻ con để vượt qua được quãng đường đó là cả hành trình dài vất vả.

Hạnh phúc mới ở Nà Ngao

Hạnh phúc mới ở Nà Ngao

Từ thôn Châng vào đến trường chính mất 5 km đường đồi, bố mẹ bận đi làm nương, trẻ con phải tự chơi, tự mình tìm hạnh phúc và vần vũ với tuổi thơ trên những nương đá khô khốc...

Tất cả đã đổi thay khi ngôi trường trên đất Nà Ngao được xây dựng.

Đây chính là di nguyện của Nhà giáo Văn Như Cương, người thầy đáng kính của thầy và trò trường Lương Thế Vinh.

Để mang hạnh phúc, nụ cười đến với người dân Nà Ngao, việc xây trường được tiến hành rất khẩn trương và cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.

Theo sát việc xây dựng “trường thầy Cương” trên đất Nà Ngao từ những ngày đầu tiên, Trưởng thôn Nông Văn Phấn kể lại hành trình dài để có được điểm trường khang trang.

Theo đó, điểm trường cũ trước kia bị dột nát không thể sửa chữa lại bị đất đá vùi lấp nên việc tìm kiếm địa điểm mới gặp rất nhiều khó khăn.

Rất may, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương, nhà hảo tâm, gia đình thầy Văn Như Cương và đặc biệt là tấm lòng của gia đình bà Lều Thị Pằng đã hiến 500 mét vuông đất, để có được điểm trường như hôm nay.

“Trường thầy Cương” ở Nà Ngao ngày nay đã được quy hoạch lại gọn gàng sạch đẹp hơn, xứng đáng với tấm lòng của cố Nhà giáo Văn Như Cương dành cho thế hệ mầm non ở miền sơn cước này.

Gia đình thầy Văn Như Cương trước điểm trường Nà Ngao.

Gia đình thầy Văn Như Cương trước điểm trường Nà Ngao.

Không chỉ có trường mới, cơ sở vật chất của trường cũng đã được đầu tư mua sắm đầy đủ, khang trang với đồ dùng học tập mới, chăn ấm, đệm êm cho các em, cùng nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trong lớp, ngoài trời... đảm bảo công tác dạy và học cho các em nhỏ.

Ngày khánh thành trường, cô Văn Liên Na - con gái cố Nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ, lúc cuối đời, tâm nguyện lớn nhất của thầy Văn Như Cương là không tổ chức tang lễ lãng phí, đồng thời dùng số tiền phúng viếng để xây dựng điểm trường Mầm non Nà Ngao.

Phần còn lại sẽ được đưa vào quỹ tình thương của trường Lương Thế Vinh để tiếp tục hỗ trợ các mảnh đời kém may mắn.

Ngày khánh thành đã trở thành ngày hạnh phúc ở Nà Ngao. Hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt của bà Lều Thị Pằng, người hiến đất, bà hạnh phúc vì trên diện tích trồng ngô, trồng sắn trước kia, nay đã trở thành nơi trồng người.

Nói về lý do hiến đất, bà Lều Thị Pằng, người đàn bà có tấm lòng nhân hậu ấy chỉ chia sẻ rất đơn giản: “Cũng chẳng có lý do gì đâu, mình cũng muốn con cháu mình được học ở một ngôi trường tốt hơn. Có trường lớp đẹp, các cháu sẽ không còn lười đi học và có thể được chăm sóc tốt hơn”.

Lý do đơn giản ấy đã đem lại hạnh phúc cho không chỉ cho những đứa trẻ đang theo học trên điểm trường mới mà còn nhiều thế hệ con cháu của thôn Châng được giáo dục, được hạnh phúc từ lòng tốt giản dị ấy.

Từ dạo ấy, Xuân nào gia đình bà Pằng cũng cảm thấy vui tươi, ấm áp hơn.

Trước kia, điểm trường Nà Ngao vốn chỉ là những lớp học đi mượn xập xệ, mỗi khi mưa gió, các cô chỉ nơm nớp lo sợ sẽ bị sập mái... ảnh hưởng tới các con.

Trời lạnh, nhìn cô trò co ro trong giá rét ai nhìn cũng thương cảm. Cũng chính vì lớp học quá khó khăn nên nhiều vị phụ huynh không muốn cho con tới lớp. Cô và trò ở Nà Ngao đã không ít lần hi vọng nhưng rồi lại hụt hẫng khi những tấm lòng cứ đến rồi đi vì xây trường ở Nà Ngao khó quá.

Bao nhiêu khó khăn ngặt nghèo đến mức những hy vọng có lúc lóe lên rồi lại chìm vào tuyệt vọng.

Và rồi “ông Tiên có mái tóc bạc như cước” Văn Như Cương đã đến, hạnh phúc đã rạng ngời ở Nà Ngao.

Lại một mùa Xuân mới về trên đất Nà Ngao, những tấm lòng sẻ chia từ những chiếc bánh chưng mang thông điệp yêu thương của các em học sinh trường Lương Thế Vinh sẽ lại đến với các em.

Những sẻ chia đó đang góp phần gieo mầm hạnh phúc cho những thế hệ tương lai.

Viên đá đặt tại khuôn viên điểm trường có ghi triết lý giáo dục của cố Nhà giáo Văn Như Cương: "Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, nhà lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác… nhưng trước hết phải là người tử tế.".

Trần Phương