Hàng loạt đề thi Ngữ văn ra trùng đề khiến giáo viên ngao ngán

15/12/2019 06:29
Bài và ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Nhiều đề thi học sinh giỏi Ngữ văn được lấy sẵn từ sách tham khảo hoặc sao chép trên mạng khiến giáo viên rất buồn lòng.

Vừa qua, một Phòng giáo dục và Đào tạo (xin không nêu tên) tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn.

Đáng chú ý, Câu 2 (12 điểm) của đề thi cho một nhận định văn học của nhà văn Lưu Quang Vũ và yêu cầu học sinh bàn luận.

“Bàn về thơ, Lưu Quang Vũ từng viết:

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu.”

(Liên tưởng tháng hai)

Anh/chị hiểu thế nào về ý thơ trên và làm sáng tỏ qua một bài thơ trong chương trình đã học.”

Nhìn nội dung đề thi, giáo viên không khó để nhận ra rằng, đề này rất quen thuộc vì đã từng xuất hiện trong một số kì thi học sinh giỏi môn Ngữ văn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Cô N.T.T., giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở tỉnh Thanh Hóa cho biết, đề thi Ngữ văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo này không xa lạ với giáo viên luyện thi học sinh giỏi.

Để minh chứng, cô giáo cung cấp cho chúng tôi đề văn được cô sưu tầm có phần ngữ liệu giống với đề thi học sinh giỏi của Phòng này (kèm ảnh minh chứng)

“Lưu Quang Vũ viết:

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu.

(Liên tưởng tháng hai, Lưu Quang Vũ)

Bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, hãy viết về một bài thơ “Mỗi bài thơ của chúng ta/Phải như một ô cửa/Mở tới tình yêu.”

Hai đề thi Ngữ văn có phần nội dung giống nhau.
Hai đề thi Ngữ văn có phần nội dung giống nhau.

Rõ ràng, hai đề đã dẫn tuy có câu lệnh khác nhau một chút nhưng về bản chất thì nội dung như nhau.

Chúng tôi kiểm tra đề thi này trên Google thì cho ra 9.080.000 kết quả chỉ trong 0,61 giây với 7 đường link hiển thị nội dung ở trang 1.

Tiếp đến là đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn (Câu 2) cấp huyện (xin không nêu tên) ra đề như sau:

“Bàn về những vấn đề liên quan đến văn học, Mác-xen Prust cho rằng:

‘Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới’.

Qua một vài tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 9, Tập 1, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.”

Cũng theo cô N.T.T., đề thi này có phần ngữ liệu giống với một đề thi học sinh giỏi được cô sưu tầm trước đó (kèm ảnh minh chứng).

Cụ thể:

“Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.

Bằng hiểu biết về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (Ngữ văn 9, tập 1) liên hệ với truyện ngắn “Lão Hạc” (Ngữ văn 8, tập 1) của Nam Cao em hãy làm rõ quan điểm về sáng tạo nghệ thuật của Mác-xen Pruxt.

Chúng tôi kiểm tra đề thi này trên Google thì cho ra (khoảng) 7 kết quả trong vòng 0,44 giây với 5 đường link hiển thị nội dung ở trang 1.

Ngoài ra, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 (Câu 1) của một Sở Giáo dục và Đào tạo (xin không nêu tên) cũng có nội dung rất cũ:

“HỎI

Tôi hỏi đất:

- Đất sống với đất như thế nào?

- Chúng tôi tôn cao nhau                    

Tôi hỏi nước:

- Nước sống với nước như thế nào?

- Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: 

- Cỏ sống với cỏ như thế nào?

- Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

(Hữu Thỉnh)

Anh/chị hãy giúp nhà thơ trả lời câu hỏi trên bằng một bài văn nghị luận.”

Giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông hoàn toàn không xa lạ với phần ngữ liệu (bài thơ) của đề thi này.
Giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông hoàn toàn không xa lạ với phần ngữ liệu (bài thơ) của đề thi này.

Giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông hoàn toàn không xa lạ với phần ngữ liệu (bài thơ) của đề thi này.

Bởi, đây là ngữ liệu được Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên giảng dạy Ngữ văn ở Trường trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội đưa ra cho học sinh luyện tập (đọc hiểu) trước kì thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2013.

Sau đó, ngữ liệu này được rất nhiều giáo viên sử dụng đề ra đề kiểm tra, đề thi học sinh giỏi.

Được biết, bất cứ Phòng hay Sở Giáo dục nào cũng đều có ngân hàng đề thi học sinh giỏi.

Đề thi được những giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên mạng lưới biên soạn rồi gửi vào ngân hàng này. Sau đó, chuyên viên Phòng, Sở sẽ lựa chọn những đề tốt nhất dùng cho kì thi học sinh giỏi.

Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?
Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?

Ở đây có hai điều đáng bàn về những đề thi học sinh giỏi như thế này.

Thứ nhất, giáo viên ra đề thiếu đầu tư nên thường copy đề thi học sinh giỏi trên mạng cho nhanh, sau đó chỉnh sửa lại chút ít. Cũng có thầy cô không cần chỉnh sửa gì cả, cứ thế nộp cho Phòng, Sở nên mới xảy ra chuyện trùng đề như đã phân tích.

Thứ hai, chuyên viên Phòng, Sở làm việc tắc trách khi thẩm định đề quá sơ sài, thiếu kiểm chứng. Cũng có thể những chuyên viên này chưa vững chuyên môn nên không nhận diện được những đề trùng nhau, giống nhau một phần hoặc cách ra đề quá cũ.

Điều này dẫn đến sẽ có nhiều thí sinh “trúng tủ” vì đã được tiếp cận với đề trước đó, khiến kì thi thiếu công bằng khách quan.

Hơn nữa, giám khảo gặp những đề thi này thường rất ngao ngán vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó nội dung, không có gì mới.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn những người có trách nhiệm và liên quan hãy nghiêm túc rà soát lại nội dung đề thi của các kì thi học sinh giỏi để rút kinh nghiệm.

Nói thật, gặp những đề thi thế này, giáo viên chúng tôi ngao ngán lắm thay…

Bài và ảnh: Cao Nguyên