Hải Phòng sẽ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục

29/12/2021 18:06
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cần có mục tiêu trọng tâm, điểm nhấn và lộ trình thực hiện, tránh dàn trải.

Đó là đánh giá của ông Hoàng Minh Cường - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại cuộc làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để nghe báo cáo về việc triển khai Chuyển đổi số lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng dự có ông Nguyễn Sơn Hải- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, những năm qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tập trung vào 2 nội dung chủ đạo là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Với chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, ngành đã ứng dụng số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu,..).

Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường, giáo viên tích cực xây dựng học liệu dạy học trực tuyến, chú trọng xây dựng bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu 3D, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, sách điện tử tương tác, ... đóng góp vào kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa.

Từ năm 2012, Sở đã triển khai hệ thống Văn phòng điện tử S-office trong toàn ngành để gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng Internet tới 100% các đơn vị giáo dục.

Đến năm 2018, Sở phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, triển khai thành công hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cho toàn ngành giáo dục Hải Phòng.

Từ cơ sở dữ liệu ngành, Sở đã kết nối tổng thể các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với các cơ quan quản lý, số hóa trên 800 cơ sở giáo dục, 32.000 giáo viên, nhân viên, trên 500.000 học sinh đều có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập.

Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành, giúp các cấp quản lý ban hành chính sách quản lý có hiệu quả;

Đánh giá hiện trạng thừa thiếu giáo viên ở các nhà trường theo từng cấp học, địa phương, môn học, từ đó xây dựng lên bức tranh tổng thể toàn ngành giáo dục;

Trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành giúp thống kế các số liệu về cơ sở vật chất trường học, số trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường, số học sinh biết bơi, số học sinh có các bệnh về mắt, xương...

Năm 2019 đến nay, toàn ngành triển khai hệ thống HP-eoffice, 100% các đơn vị triển khai chữ ký số vào việc xác thực văn bản điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội, kê khai thuế.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã phối hợp với Microsoft Việt Nam cấp trên 400.000 tài khoản MS team cho giáo viên và học sinh, đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến ở tất cả các cấp học;

Trên 800 đơn vị giáo dục tổ chức các cuộc họp, hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dưới hình thức trực tuyến qua MS Team, Zoom, Vmeeting, K12 Online...

Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (Itrithuc) mời các chuyên gia hàng đầu về định hướng chuyển đổi số trong giáo dục cho giáo viên cốt cán toàn ngành; phối hợp cùng Microsoft tổ chức hội thảo về chuyển đổi số với sự tham gia của gần 300 cán bộ quản lý các trường phổ thông.

Trên cơ sở các cán bộ cốt cán được Cục Công nghệ thông tin đã tập huấn về soạn bài giảng điện tử, các đơn vị đã tự tổ chức tập huấn cho trên 2.000 cán bộ giáo viên tại các trường về sử dụng phần mềm Lecture Maker, iSpring Suite, Adobe Presenter… trong soạn giáo án điện tử.

Sở chỉ đạo các nhà trường, giáo viên tích cực xây dựng học liệu dạy học trực tuyến, chú trọng xây dựng bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu 3D, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, sách điện tử tương tác, ... đóng góp vào kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa.

Năm 2021, Sở phối hợp với VNPT Hải Phòng triển khai hệ thống hội nghị truyền hình Vmeeting riêng cho ngành phục vụ cho việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn trực tuyến với 200 tài khoản để triển khai họp trực tuyến giữa Sở Giáo dục với các đơn vị giáo dục và giữa các đơn vị giáo dục trên địa bàn quận, huyện.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành giáo dục thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế (Ảnh: Lã Tiến)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành giáo dục thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế (Ảnh: Lã Tiến)

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành giáo dục thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế;

Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thành phố; làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế số, tận dụng tốt thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đây là thách thức cũng là cơ hội để ngành thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành”.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chuyển đổi số trong ngành hiện nay thiếu tính liên thông, đồng bộ từ trên xuống dưới.

Việc dạy học trực tuyến thời gian qua vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến theo Thông tư 09/2021, việc dạy học trực tuyến mới chỉ dừng lại ở mức độ giáo viên và học sinh có thể giao tiếp với nhau qua mạng Internet.

“Có 3 yếu tố quyết định thành công trong việc chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, đó là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị; kinh phí thực hiện và con người.

Hiện nay, sở đang tiếp tục mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và từng bước hoàn thiện các bước theo lộ trình”, ông Bùi Văn Kiệm nói.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sơn Hải- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, Hải Phòng là địa phương có nền tảng vững chắc về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy và học.

Đó là điều kiện thuận lợi để toàn ngành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp để chuyển đổi số trong giáo dục tạo nên những đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Hoàng Minh Cường– Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cho rằng, qua nắm bắt thông tin thì toàn ngành Giáo dục đã có những thuận lợi cơ bản về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và dạy học trực tuyến, song vẫn có những khó khăn nhưng không phải là vấn đề lớn, vướng mắc lớn.

Thành phố sẽ cho rà soát lại thiết bị, hạ tầng viễn thông đảm bảo chuyển đổi số, hy vọng năm 2022 sẽ giải quyết cơ bản. Với đơn vị trường học nào còn khó khăn, ngành Giáo dục trực tiếp báo cáo thành phố.

Ngành Giáo dục cần đưa ra những mục tiêu trọng tâm, điểm nhấn và lộ trình thực hiện, tránh dàn trải trong thời gian dài.

Ông Cường cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, lựa chọn đưa vào ứng dụng những nền tảng công nghệ thông tin phù hợp, đáp ứng nhu cầu, hướng tới sự hài lòng của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

LÃ TIẾN