Hà Nội xin cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục các quận nội thành

28/08/2021 10:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 28/8, Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dự Hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương- Nguyễn Trọng Nghĩa; Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu. Ảnh: Thế Đại

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu. Ảnh: Thế Đại

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.

Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.

Bộ đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố; sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành năm học 2020-2021.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng mong muốn được nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận về những kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế, bất cập, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ của giáo dục đào tạo; ý kiến đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển giáo dục trong năm học tới…

Tại đầu cầu Hà Nội, bên cạnh những kết quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh nêu một số vướng mắc như quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69 nghìn học sinh nên biên chế giáo viên lớn, một số trường học quá tải.

Chưa kể, hiện nay Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 của Chính phủ đã hết hiệu lực, rất khó khăn cho các địa phương trong cơ sở pháp lý tiếp theo để trình Hội đồng nhân dân kế hoạch triển khai tiếp theo.

Do đó, Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ ngành sớm ban hành quy chế tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của các cấp quận, huyện, thị xã; Sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86.

Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ.

Đồng thời, Thành phố Hà Nội kiến nghị đối với Chính phủ, chấp thuận cho Thành phố thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các quận nội thành vì hiện nay nội thành không còn quỹ đất.

Thùy Linh