Hà Nội: các trường mắc kẹt, án binh chờ hướng dẫn kiểm tra học kỳ với lớp 1, 2

17/12/2021 06:35
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường tiểu học tại Hà Nội cho biết đang “mắc kẹt” giữa phương án kiểm tra của Bộ Giáo dục, họ cũng đang chờ hướng dẫn của Sở, và sự đồng thuận của phụ huynh.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm tra trực tiếp lớp 1, lớp 2 cuối kỳ, trường hợp bất khả kháng mới kiểm tra trực tuyến khiến nhiều phụ huynh, nhà trường lo lắng. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ khẳng định, bài kiểm tra nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.

Công văn số 5766/BGDĐT-GDTT cũng đã thu hút được sự quan tâm của xã hội và cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến từ các bậc phụ huynh có con đang học lớp 1-2, và một số thầy cô giáo cấp tiểu học:

Chị Lê Ngọc Trâm, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Hà Nội), nói rằng: “Tôi ủng hộ phương án kiểm tra cuối kỳ trực tuyến. Nếu phải kiểm tra trực tiếp, tôi muốn các con phải đến trường ôn tập một thời gian sau đó mới kiểm tra, nhưng trong tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp như hiện nay khiến gia đình không yên tâm. Từ đầu năm học đến nay, học sinh học trực tuyến, vì vậy cũng nên kiểm tra trực tuyến và đánh giá nhẹ nhàng, không nên gây áp lực cho con”.

Nhiều ý kiến phụ huynh không yên tâm với phương án đưa học sinh lớp 1-2 đến trường thực hiện làm bài kiểm tra trực tiếp. Ảnh minh họa: N.P.

Nhiều ý kiến phụ huynh không yên tâm với phương án đưa học sinh lớp 1-2 đến trường thực hiện làm bài kiểm tra trực tiếp. Ảnh minh họa: N.P.

Anh Nguyễn Hoàng Hà, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Mỹ Đình, (Hà Nội), cũng chia sẻ và băn khoăn: “Từ đầu năm học đến nay các con toàn học trực tuyến. Hàng ngày con nhà tôi và các bạn vẫn vào lớp online, được giáo viên truyền dạy kiến thức, hướng dẫn làm bài tập và chụp ảnh gửi bài lại cho giáo viên qua các phần mềm. Vậy theo tôi kiếm tra cuối kì theo hình thức này cũng có ảnh hưởng gì đến việc đánh giá chất lượng đâu, đang dịch bệnh mà lại bắt học sinh phải đến trường thì thật sự gia đình tôi cũng không yên tâm chút nào”.

Phụ huynh Hồ Như Ý (Hà Nội) cũng quan điểm: “Tôi cũng không quá lo lắng về mức độ an toàn khi cho trẻ tới trường thi trực tiếp, bởi chắc chắn nhà trường sẽ lên kế hoạch và thực hiện các quy tắc phòng chống dịch. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của tôi lại là khả năng thích ứng của con khi tới trường bởi thực tế, từ đầu năm học, các con đã phải ở nhà học trực tuyến, suốt một thời gian dài như vậy các con chưa có dịp làm quen và bắt nhịp với không khí, nề nếp học tập ở lớp 1, chính vì vậy hi vọng trước kì thi, các con sẽ được đến trường một vài buổi để các thầy cô hướng dẫn, cũng như bổ sung thêm kĩ năng, kiến thức”.

Cũng về vấn đề này, chị Ngô Thu Giang (quận Đống Đa), có con học lớp 1, thắc mắc tại sao các con học trực tuyến từ đầu năm, đến cuối kỳ lại đến phải trường để ôn tập và kiểm tra. Chị Giang cho rằng nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nghĩa là cho trẻ đến trường ôn tập vài buổi rồi mới kiểm tra trực tiếp, theo tôi là không cần thiết bởi từ đầu năm các con vẫn học từng đó kiến thức chứ đâu có dừng việc học?

Đó là chưa nói đến tình hình dịch bệnh đang có diễn biến rất phức tạp. Các con ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, hiện nay học sinh lớp 12 quận Đống Đa cũng đã phải dừng tới trường, vậy làm sao có thể đưa các con lớp 1 - 2 đến trường để kiểm tra trực tiếp được? Vậy nên tôi hoàn toàn không yên tâm và không đồng ý với phương án cho trẻ đến trường ôn tập và thi học kỳ trực tiếp”.

Tất cả “các cấp” cùng đang chờ chỉ đạo?

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết trong thời điểm này, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, họ đang “mắc kẹt” giữa phương án kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cũng đang chờ thêm hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nhiều trường dự định trong ít ngày tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về phương án kiểm tra.

Cô Ngô Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) cho biết: “Nhà trường chúng tôi đã họp ban giám hiệu và cũng có đưa ra mấy phương án, thứ nhất là kiểm tra trực tiếp theo chỉ đạo của Bộ. Thứ hai, nếu trong tình hình học sinh không thể đi học trở lại được vì dịch bệnh, chúng tôi sẽ xây dựng phương án kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Nhưng, theo Công văn 3328 trước đây đã có quy định rất rõ rằng là đối với lớp 3-4-5, các nhà trường được phép linh hoạt sử dụng hình thức kiểm tra trực tuyến, hoặc trực tiếp. Cũng theo Công văn 3328, riêng lớp 1-2 lại yêu cầu chỉ có kiểm tra trực tiếp, chứ không kiểm tra trực tuyến.

Chúng tôi cũng đã báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu trong trường hợp bất khả kháng tại thời điểm kiểm tra, các con không thể đến trường, thì ban giám hiệu sẽ lập kế hoạch cụ thể, chi tiết các phương án báo cáo với Phòng, cũng như các điều kiện để tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến, sẽ xin ý kiến phê duyệt và chỉ đạo trực tiếp từ Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở Phòng cũng đồng ý với phương án với nhà trường đưa ra, nhưng hiện nay cũng đang chờ thêm hướng dẫn từ cấp trên để thực hiện. Theo phân phối chương trình của nhà trường chúng tôi thì sẽ bắt đầu kiểm tra hết học kì I vào tuần 17 – 18, tức là vào khoảng 27/12/ 2021 đến ngày 7/1/2022, và hiện nay chúng tôi đang rất băn khoăn đối với khối 1, còn khối 2 cũng đã thực hiện kiểm tra một đợt cuối năm trước nên cũng không thấy có bất ngờ gì.

Với phụ huynh trường Tiểu học Dịch Vọng A, chúng tôi cũng đã chia sẻ cách đánh giá với lớp 1 ngay từ đầu năm học, cách đánh giá mới theo Thông tư 27, cũng đã hướng dẫn phụ huynh phối hợp với giáo viên về việc đánh giá thường xuyên và đây là việc quan trọng, còn việc kiểm tra định kì chỉ có 2 bài kiểm tra cuối kì và cuối năm”.

Phụ huynh Giang cho rằng: "Các con ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, vậy nên tôi hoàn toàn không yên tâm và không đồng ý với phương án cho trẻ đến trường ôn tập và thi học kỳ trực tiếp”. Ảnh minh họa: T.D.

Phụ huynh Giang cho rằng: "Các con ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, vậy nên tôi hoàn toàn không yên tâm và không đồng ý với phương án cho trẻ đến trường ôn tập và thi học kỳ trực tiếp”. Ảnh minh họa: T.D.

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung tự (quận Đống Đa). Cô Khanh cho biết:

"Nhà trường đang chờ hướng dẫn cụ thể của các cấp quản lý về việc kiểm tra định kì. Tuy nhiên, để chủ động, trường đã chuẩn bị các phương án kiểm tra trực tuyến, trong đó đề kiểm tra được xây dựng để làm sao cho thuận tiện, phù hợp giúp học sinh dễ dàng thực hiện.

Thời điểm này, chúng tôi đã chủ động lên phương án kiểm tra online qua phần mềm công nghệ thông tin, cũng chia phòng, chia ca, có ban giám hiệu và các thầy cô giám sát theo từng phòng. Do đã làm quen với cách thức kiểm tra trực tuyến và học sinh đã có một thời gian học online từ đầu năm nên không có khó khăn gì”.

Theo cô Khanh: “Dù học trực tuyến nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện đảm bảo chất lượng cho học sinh lớp 1. Sau khi các con đi học trở lại, chúng tôi sẽ bố trí thời gian học trực tiếp để học sinh thiếu, hổng kiến thức ở đâu thì bổ sung ở đó, trước khi lên lớp 2, các em phải được kiểm tra lại kiến thức, kỹ năng, đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình.

Với sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh, tinh thần tự giác của học sinh, cùng với sự tận tình nhiệt huyết trong giảng dạy của các giáo viên, chúng tôi tin việc kiểm tra định kỳ sẽ diễn ra thuận lợi, đảm bảo khách quan, trung thực. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào học sinh và phụ huynh…”.

Có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến

Cũng về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ:

“Trong công văn hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh ứng phó dịch Covid-19, vẫn còn "trường hợp bất khả kháng". Theo đó, trong trường hợp này, nhà trường vẫn phải kiểm tra trực tuyến. Điều này làm gia tăng áp lực cho các nhà trường, thầy cô và học sinh, vì cùng lúc phải chuẩn bị cho 2 phương án kiểm tra định kỳ.

Ngoài ra, ở độ tuổi lớp 1, 2, việc đánh giá của các con cũng hầu hết liên quan đến "đọc thông, viết thạo", do đó, thay vì yêu cầu trẻ tới trường làm bài kiểm tra trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Chương trình giáo dục mới coi việc đánh giá giống như công cụ để dạy học, chứ không phải kiểu kiểm tra, thanh tra để bắt lỗi. Và đối với chương trình tiểu học mới, hình thức đánh giá cũng vô cùng đa dạng. Bên cạnh đánh giá định lượng thì còn có đánh giá định tính, thông qua sự quan sát của cha mẹ, thầy cô… nên hình thức kiểm tra hoàn toàn có thể linh hoạt.

Còn nếu chúng ta đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo, rằng có bao nhiêu trẻ đọc thông, viết thạo, thì đánh giá này không có sự tập trung vào người học, không vì sự phát triển của trẻ con. Chưa hết, xét về khía cạnh tâm lý, cả một năm nay, do dịch bệnh, trẻ phải ở nhà học trực tuyến, nhưng khi cho trẻ quay trở lại trường, việc đầu tiên không phải là vui chơi, mang sự kết nối vui vẻ, mà lại liên quan đến học, ôn thi, rồi thi cử căng thẳng… Điều này vô hình trung gieo cho trẻ nỗi sợ học, sợ đến trường”.

Tùng Dương