Hạ chuẩn đầu ra tiến sĩ sẽ đẩy giáo dục đại học đi xuống

15/07/2021 13:54
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Ngô Việt Trung nhận định, một khi hạ chuẩn đầu ra thì chắc chắn chất lượng đào tạo tiến sĩ sẽ đi xuống, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Một trong những điểm mới của Thông tư này gây nên nhiều tranh luận trái chiều là ở khoản c, điều 14 với nội dung: Việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng yêu cầu “Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Trong khi đó, ở Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT trước đây, yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác).

Giáo sư Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết:

"Chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh khi thực hiện đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT là quá thấp vì chỉ cần có 3 công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình. Ngay cả người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, thậm chí chỉ cần có 2 công bố trong nước loại trung bình, thấp hơn cả chuẩn đầu ra của tiến sĩ là 3 công bố.

Các tạp chí khoa học trong nước được các Hội đồng chức danh ngành chia làm 3 loại tốt, trung bình và kém, được tính tối đa lần lượt 1 điểm, 0,75 điểm, 0,5 điểm cho mỗi công bố. Phần lớn các tạp chí loại 0,75 điểm được xuất bản bởi các trường đại học với quy trình duyệt bài lỏng lẻo, nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn rất dễ dàng tác động để được đăng bài.

Tôi đã từng làm phản biện cho tạp chí của một trường đại học tầm quốc gia. Tôi bác bài báo nhưng cuối cùng bài vẫn được đăng. Hỏi ra thì do thư ký tòa soạn quyết định. Nếu chỉ yêu cầu luận án có công bố trong những tạp chí như thế này, thì chắc chắn chất lượng tiến sĩ sẽ đi xuống".

Cũng theo Giáo sư Ngô Việt Trung, Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT trước đây yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác).

WoS hay Scopus là hai danh mục tạp chí được lựa chọn theo chất lượng các công bố trong tạp chí. Công bố trong các tạp chí này có thể coi là có một sự đảm bảo về chất lượng. Vì vậy các nước đang phát triển như Việt Nam hay dùng làm chuẩn đầu ra cho đào tạo tiến sĩ. So với các nước Đông Nam Á thì quy định nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus vẫn còn là thấp.

Khi hạ chuẩn đầu ra đối với đào tạo tiến sĩ thì tất nhiên chất lượng đào tạo sẽ đi xuống.

“Chúng ta vẫn thường lo lắng xảy ra gian dối, tiêu cực trong nghiên cứu khoa học nhưng lại bỏ đi yêu cầu công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế, trong khi đây là một tiêu chí khách quan nhất để có ‘tiến sĩ thật’. Không thể kêu gọi tinh thần liêm chính hay tự chịu trách nhiệm để đảm bảo chất lượng được với một chuẩn đầu ra thấp như quy chế mới ban hành.

Nguy hiểm hơn là những tiến sĩ này lại có thể làm thầy hướng dẫn ngay. Sau vài thế hệ thì chất lượng giáo dục đại học sẽ đi đến đâu?”, Giáo sư Ngô Việt Trung đặt vấn đề

Cũng theo Giáo sư Ngô Việt Trung, ngay cả khi giữ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế đối với đào tạo tiến sĩ thì vẫn phải siết chặt quy định để không xảy ra tình trạng “mua bài”, ngăn chặn vấn đề gian dối trong nghiên cứu khoa học.

Để ngăn chặn tình trạng mua bài trên các tạp chí quốc tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quy định loại bỏ hẳn các nhà xuất bản không đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, yêu cầu các Hội đồng chức danh ngành lên danh sách loại bỏ các tạp chí kém chất lượng phải bỏ tiền để đăng bài, loại bỏ cả những tạp chí còn nghi ngờ về chất lượng nếu đã có tạp chí tốt trong cùng chuyên ngành hẹp.

Bên cạnh đó, Giáo sư Ngô Việt Trung còn nêu kiến nghị có thể đưa ra những tiêu chuẩn, quy định riêng về đào tạo tiến sĩ cho từng ngành, từng lĩnh vực theo một lộ trình tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, đối với các ngành chưa có thói quen công bố quốc tế thì có thể nới lỏng yêu cầu công bố quốc tế như có ít nhất 1 công bố Scopus (dễ đăng hơn bài báo thuộc hệ thống Wos). Đối với những ngành đặc thù liên quan đến an ninh quốc phòng thì có thể chấp nhận công bố hoàn toàn trong nước, nhưng phải là trong các tạp chí nghiêm chỉnh, những tạp chí được đánh giá cao nhất 1 điểm. Việc này nên để Hội đồng giáo sư nhà nước quyết định trên cơ sở đồng thuận, không nên để các ngành tự quyết.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần đặt ra chuẩn đầu ra cao thì tự khắc nghiên cứu sinh và người hướng dẫn sẽ phải có trình độ, từ đó nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ. Nếu Bộ muốn tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì Bộ hãy để các cơ sở đào tạo tự quy định đầu vào, nhưng giữ chặt tiêu chuẩn đầu ra theo các chuẩn mực quốc tế.

Kinh nghiệm những năm vừa qua cho thấy chỉ cần có yêu cầu công bố quốc tế thì các tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ biến mất.

Nói cho cùng thì các tiến sĩ sẽ quyết định chất lượng giáo dục đại học. Nếu chất lượng giáo dục đại học thua các nước Đông Nam Á, thì tôi khẳng định kinh tế Việt Nam cũng sẽ không thể theo kịp các nước vì trình độ nhân công lao động đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế", Giáo sư Ngô Việt Trung khẳng định.

Linh Trang