GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ nhiều “bí quyết” để trở thành nhà khoa học

17/12/2013 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Trong khuôn khổ buổi sinh hoạt lần thứ 5 của Câu lạc bộ khoa học trẻ có tên “Café số 5” với chủ đề: “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”, GS. Ngô Bảo Châu đã dành một buổi để giao lưu, trao đổi với nhiều nhà khoa học trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN.
Tại đây GS. Châu đã chia sẻ nhiều “bí quyết” để trở thành nhà khoa học, những kinh nghiệp bước đầu để có một lòng tâm huyết nghiên cứu khoa học lâu dài. Đặc biệt, GS có đề cập tới 10 bước quan trọng để có được một bài báo nghiên cứu khoa học chất lượng.

GS. Ngô Bảo Châu cho biết lần về nước này được khoảng 1 tuần, nhưng lịch công tác cũng đã kín. Dành ra một buổi hiếm hoi để trao đổi với các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN, GS. Châu say sưa kể về các kinh nghiệm làm khoa học của mình. Ở chủ đề “tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học” hay ở bất cứ hoạt động lao động nào theo GS. Châu đều có 2 điểm chính là quy trình và phẩm chất. 

Thành công xuất phát từ những câu hỏi

Cuộc đời làm khoa học của GS. Ngô Bảo Châu được may mắn có môi trường giáo dục tốt, có những người cha, người anh trong khoa học, người thầy dẫn dắt từng bước, làm sai được sửa nên quy trình đã thấm vào máu thịt. Với điều kiện của Việt Nam, GS cho rằng cần phải nói rõ quy trình làm khoa học như thế nào để cho các bạn trẻ mường tượng ra hướng nghiên cứu.

GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN chiều ngày 16/12. Ảnh Xuân Trung
GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN chiều ngày 16/12. Ảnh Xuân Trung


Hướng nghiên cứu khoa học này có thể khô khan nhưng không thể không làm và cơ bản là có 10 bước. 

Thứ nhất, phải xác định được lĩnh vực nghiên cứu, có thể phụ thuộc vào khả năng chuyên môn. GS Châu cho biết, một sinh viên hay người nghiên cứu mới vào nghề phải có người hướng dẫn. Cũng có trường hợp người đó có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực khác với lĩnh vực anh ta lựa chọn. Nhưng cả 2 trường hợp đều phải có hành trang: có người hướng dẫn, xác định được hành trang để tự tin chứ không phải đi tay không đến “xứ sở” mới.

“Điểm xuất phát của nghiên cứu bắt đầu bằng câu hỏi. Thành công của nghiên cứu liên quan nhiều đến câu hỏi ban đầu. Để tìm ra câu hỏi đúng thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu. Trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, sinh viên tự xác định được câu hỏi là việc khó vì chưa có kinh nghiệm thì khó xác định đó có phải vấn đề thời sự không, có trong khả năng giải quyết không. Vấn đề trong khả năng giải quyết thì không còn thời sự, vấn đề thời sự thì nằm ngoài khả năng” GS. Châu đưa ra  một nghịch lí các nhà khoa học trẻ hay mắc phải. 

GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học. Bản thân GS vẫn thường xuyên tham gia hội thảo, nghe báo cáo của các đồng nghiệp để nắm vững các vấn đề khoa học, xem khoa học đang đi về đâu, xu hướng, vấn đề gì mấp mé mà sinh viên có thể làm được. 

Thứ hai, sau phạm vi nghiên cứu, vấn đề, cơ hội, xác định câu hỏi thì những người làm nghiên cứu phải tập hợp tất cả những bài báo, công trình nghiên cứu khoa học để biết chính xác câu hỏi đã được giải quyết đến đâu. Không nên chọn những vấn đề quá khổ, quá khó hoặc không ai quan tâm nữa. 

Thứ ba, phải đọc và xác định đâu là bài báo kinh điển, biết được tư tưởng quan trọng nằm ở đó, ai đã từng làm, làm đến đâu, sử dụng kĩ thuật gì. GS. Châu nói, cách đây 20 năm là khó, nhưng với internet hiện nay việc tập hợp thông tin là rất dễ. Tuy nhiên, có 1 việc không thay đổi nhưng đọc được không đơn giản. Lúc này cần môi trường khoa học, bạn bè cùng khám phá đề tài khoa học. Họ phải tự nguyện, phi vụ lợi. Khi tôi muốn nghiên cứu sẽ nói chuyện với các bạn. Các bạn quan tâm thì lập nhóm cùng đọc sách và lập cimenar trình bày lại. Đó là môi trường khoa học gắn kết với nhau.

Khi cập nhật thông tin rồi phải biết hướng giải quyết, thường nằm ngay trong bài báo gần nhất.

Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp đương đại nhất, đó là hướng hiện thực nhất, khả thi nhất.

Thứ tư, việc lập kế hoạch không đơn thuần là về chuyên môn, nó còn là về mặt tài chính, phải có đội ngũ làm việc. Bước này mọi chuyện phải minh bạch.

Thứ năm: Giải quyết. Làm khoa học là có rủi ro nhưng trong đầu người làm phải lường trước những khó khăn.

Thứ sáu: Gói lại công việc. Ít khi thực hiện được 100%, đến 1 mức nào đó cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Quan trọng trong đề tài là thực sự bàn về cái gì đó mới.

Bước này cũng phải chỉ ra những cái chưa làm được. Đó là tiền đề cho khoa học tiếp theo.

Thứ bảy: Viết bài báo khoa học. Kinh nghiệm của GS. Ngô Bảo Châu là chọn 2-3 bài báo cảm thấy chuẩn thì chép tay lại, sẽ hiểu phong cách trình bày bài báo như thế nào. 

Thứ tám: Viết xong có thể luân chuyển, gửi bạn bè, đồng nghiệp, xin ý kiến, trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi. Sau đó viết lại bài báo.

Thứ chín: Chỉnh sửa bài báo.

Thứ mười: Gửi đến 1 tạp chí. Cần phải chọn tạp chí.

GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, phẩm chất cho 1 công trình khoa học cần có là 3 phẩm chất theo thứ tự: Đúng và trung thực, mới và hay. Nhưng quan trọng nhất là đúng và trung thực. 

“Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tủ sách làm tiêu chuẩn giảng dạy cho người học. Có những cuốn sách kí tên 1 người nhưng hoàn toàn là dịch. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gian dối rất dễ dàng bị phát giác. Khi đó các bạn sẽ không còn uy tín trong khoa học nữa, phải mất 10-20 năm để xây dựng lại. Việc mất liêm chính như vậy hoàn toàn không xứng đáng” GS. Châu nhấn mạnh tính trung thực trong quá trình làm khoa học.
Nghiên cứu khoa học là phải mới

Chia sẻ với các nhà khoa học trẻ và nhiều sinh viên có mặt nghe giao lưu, GS. Ngô Bảo Châu nói rằng, làm khoa học và nghiên cứu khoa học phải xác định tìm cái gì mới, tìm hướng đi mới, không lặp lại. Ở nhiều lĩnh vực, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, kết  quả nghiên cứu phải mới.

Với kết quả nghiên cứu mới sẽ được coi trọng nhất, thậm chí nếu trong trường hợp kết quả cũ thì cũng phải xem lại có được phương pháp mới để thuyết phục phương pháp này tới nhiều người khi áp dụng. Để hi vọng với phương pháp mới đó tác giả hoặc người khác có thể làm ra kết quả mới, vì bản thân phương pháp mới không được đánh giá và không được để ý đến, trừ khi chỉ tìm ra được kết quả mới.

GS, Ngô Bảo Châu cũng cho biết, đến giờ khi có nhiều sinh viên vẫn nghĩ khó nhất là tìm đề tài cho mình. Càng khó hơn đối với nhà khoa học trẻ, vì bối cảnh khoa học hiện đại cạnh tranh rất quyết liệt. Bước khó khăn đối với nhà khoa học trẻ là có bước qua được khi làm khoa học tập sự độc lập hay không.

GS. Châu gợi ý: “Ở các Hội thảo, tiếp xúc cá nhân là cơ hội lớn nhất cho các bạn tìm đề tài khoa học thỏa mãn tính thời sự. Những bài diễn giảng, trao đổi bên lề họ sẽ cởi mở hơn nhiều, họ sẵn sàng chia sẻ họ đang làm và mắc những khúc mắc này, kia. Và đây là cơ hội để các bạn trẻ được tham gia vào những công trình lớn”.

Bàn về vấn đề này, GS. Nguyễn Hữu Đức – phó Giám đốc ĐHQGHN cho hay, nghiên cứu khoa học có một nghịch lí là kết quả có thể đúng và mới nhưng nội hàm chúng lại mâu thuẫn với nhau, khi đề tài mới thì chưa biết đúng hay sai. 
Còn nữa…
Xuân Trung