GS Huỳnh Văn Sơn phân tích cách đánh giá theo Thông tư 22, áp lực thi cử sẽ giảm

05/09/2021 07:00
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: “Khi điểm số không phải là yếu tố duy nhất như thước đo, chúng ta sẽ giảm đi gánh nặng về điểm số, áp lực kết quả thi cử”.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ bắt đầu có hiệu với học sinh lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021 - 2022. Một trong những điểm mới của thông tư này là định hướng cho sự thay đổi đánh giá học sinh trong các trường trung học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Xoay quanh vấn đề đổi mới đánh học sinh theo Thông tư 22, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

PV: Thưa Giáo sư, theo Thông tư 22, sẽ có hai hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, vậy ý nghĩa của hai hình thức đánh giá này trong quá trình học tập của học sinh được thể hiện như thế nào, đặc biệt khi chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục.

Hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục. Đây là hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, có ý nghĩa phân biệt với những hoạt động kiểm, tra đánh giá trước khi bắt đầu quá trình dạy học một môn học nào đó (đánh giá đầu năm/đánh giá xếp lớp) hoặc sau khi kết thúc một giai đoạn, một quá trình dạy học môn học này (đánh giá định kỳ/đánh giá tổng kết).

Bản chất của dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhất thiết phải chuyển hoá các chỉ số hành vi của năng lực thành các yêu cầu cần đạt theo từng mạch nội dung, từng chủ đề và đây là đặc trưng rất quan trọng nên kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học phải bám sát yêu cầu cần đạt của chủ đề để đánh giá. Do đó, nếu yêu cầu cần đạt thể hiện rõ cả 3 yếu tố: nội dung cốt lõi cần đạt, hành vi cần thực hiện và mức độ chất lượng cần có của hành vi đó, thì việc đánh giá cũng sẽ phải thể hiện được cả 3 yếu tố này.

Cụ thể, nếu hoạt động thu thập thông tin và so sánh mức độ đạt được của học sinh so với yêu cầu cần đạt của môn học nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự tiến bộ của học sinh, mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình để trên cơ sở đó điều chỉnh hoạt động dạy học và cách tổ chức quản lý nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Như vậy, có thể nhận thấy ý nghĩa quan trọng và gần như đảm bảo phản ánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập và xác lập các cơ sở để điều chỉnh hoạt động của bản thân trong học tập.

Liên quan đến đánh giá thường xuyên thì sẽ có nhiều hình thức đánh giá khác nhau. Nêu ví dụ đối với môn Giáo dục công dân, cần phân tích sự phản hồi, động viên trong dạy học, giáo viên đưa ra những khuyến nghị để học sinh có thể làm tốt hơn những gì mình chưa làm được, từ đó nâng cao kết quả học tập, rèn luyện; trong thời điểm tiếp theo thì cần phải tiến hành thu thập các minh chứng liên quan đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học, đồng thời phải tập trung vào việc phát hiện, tìm ra những thiếu sót, những nhân tố ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, rèn luyện của học sinh để có giải pháp hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời.

Những minh chứng cần thu thập bao gồm các minh chứng định tính (kết quả quan sát, ghi chép việc học sinh thực hiện các nhiệm vụ/dự án học tập; bản tự đánh giá, bản khảo sát; bản nhận xét của các bạn/nhóm bạn; ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh, của cộng đồng…) và cả những minh chứng được lượng hóa (số lần tham gia hoạt động nhóm, số lượng và chất lựợng sản phẩm học tập…).

Những minh chứng này gắn với quá trình đánh giá sự tích cực, chủ động, đánh giá sự hứng thú, tự tin và cam kết trách nhiệm của học sinh khi thực hiện các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, do đó giáo viên không chỉ giao nhiệm vụ, xem xét học sinh có hoàn thành nhiệm vụ hay không, mà phải xem xét từng học sinh hoàn thành nhiệm vụ đó thế nào (có chủ động, tích cực không? có khó khăn gì...? có hiểu rõ mục tiêu học tập và sẵn sàng thực hiện hay không,...?).

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật thực hiện đa dạng và linh hoạt, điều này thể hiện ở sự đa dạng của hình thức, phương pháp đánh giá (thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập) và công cụ đánh giá (bảng kiểm, thang đo, phiếu quan sát, phiếu hỏi, phiếu đánh giá theo tiêu chí, …); Không bị giới hạn bởi số lần đánh giá; Do nhiều đối tượng tham gia đánh giá (giáo viên đánh giá, học sinh tự đánh giá, học sinh đánh giá đồng đẳng, phụ huynh đánh giá và đoàn thể, cộng đồng đánh giá)...

PV: Về những đổi mới đánh giá học sinh đã nêu trên, vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng như lãnh đạo quản lý trong cơ sở giáo dục được thể hiện như thế nào thưa Giáo sư?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn bởi những yêu cầu đặc trưng.

Thực tế cho thấy nhiều khi chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới biết phụ huynh và phụ huynh cũng biết kết quả học tập của con mình qua giáo viên chủ nhiệm là chủ yếu (trừ một số trường hợp khác).

Thế nhưng, việc theo dõi năng lực học tập hay biểu hiện phẩm chất của tất cả học sinh là chức năng, nhiệm vụ và là đòi hỏi quan trọng trong nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Học sinh và cả phụ huynh có nhu cầu và có quyền hiểu biết năng lực học tập của mình/con em mình một cách trực tiếp, xác thực.

Thông báo kết quả đánh giá với học sinh kèm theo minh chứng và những nhận xét tương ứng nếu giáo viên bộ môn không thực hiện thì khó ai có thể đáp ứng.

Giáo viên phải luôn khẳng định những phần kết quả tích cực học sinh đã hoàn thành hoặc hoàn thành tốt, quan trọng hơn, giáo viên cần đưa ra những lời góp ý, hướng dẫn để học sinh biết cách làm tốt hơn những điều học sinh chưa làm được.

Ngoài ra, kết quả đánh giá thường xuyên của mỗi học sinh nếu có biến động bất thường (tiến bộ nhanh, hoặc sụt giảm) nên được giáo viên thông báo với cha mẹ học sinh ngay sau buổi học hoặc tuần học, để cha mẹ kịp thời phối hợp với giáo viên động viên, khuyến khích con trong học tập hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ con nhiều hơn trong học tập.

Đối với cấp lãnh đạo, quản lý, trước hết, người quản lý cần xác lập quan điểm: Đánh giá chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp học tập để chuyển hóa nhận thức thành hành động đúng đắn, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức ở những bối cảnh, tình huống phức hợp để giải quyết các vấn đề, thực hành những kỹ năng này trong học tập và cuộc sống với sự đầu tư của giáo viên, và đây là công việc rất khó khăn.

Nhà quản lý cần thay đổi quan điểm: bám trục vào yêu cầu cần đạt và vững vàng cách tiếp cận này; làm chủ các hình thức đánh giá, có chú ý đến đặc trưng môn, hoạt động giáo dục để trao đổi và chia sẻ với giáo viên khi đánh giá học sinh.

Với tất cả những thói quen quản lý hay quán tính quản lý, cần điều chỉnh bản thân mình sao cho thích ứng với phương thức đánh giá mới này và tạo điều kiện để giáo viên đầu tư cho công tác đánh giá thông qua hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn…

PV: Nhiều ý kiến cho rằng đánh giá thường xuyên trước nay chưa phổ biến nên sẽ có thể có nhiều cách hiểu, cách triển khai chưa đồng bộ. Bên cạnh đó là những rào cản về năng lực của giáo viên, quy mô lớp học, điều kiện cơ sở vật chất, tâm lý của phụ huynh, học sinh,... sẽ gây ra những khó khăn trong quá trình đánh giá. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Nếu đã dạy học phát triển phẩm chất, năng lực mà vẫn đánh giá theo nội dung hay đánh giá theo hình thức cũ thì thật khó đảm bảo hiệu quả phát triển.

Khi điểm số không phải là yếu tố duy nhất như thước đo, chúng ta sẽ giảm đi gánh nặng về điểm số, áp lực kết quả thi cử và phần nào hướng đến thực học, thực hành; thực tài, thực lực. Điều quan trọng là nhìn ra sự thay đổi, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh, của con em chúng ta mỗi ngày, mỗi tuần đi học mà không phải là hướng đến thi cử…

Để vấn đề đánh giá theo thông tư 22 đi vào thực tiễn chắc chắn cần có thêm thời gian đồng hành và triển khai. Tuy nhiên có thể quan tâm vài điểm lưu ý:

Thứ nhất, yêu cầu cần đạt là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá, không yêu cầu quá sức để gây áp lực, tạo ra diễn tiến, hệ lụy của học thêm, dạy thêm,…

Thứ hai, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh là căn cứ quan trọng, vấn đề đạt nhiệm vụ là cơ sở quan trọng nhất mà gần như học sinh nào cũng đạt được.

Thứ ba, gia đình và cộng đồng có thể tham gia chủ yếu vào việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực của học sinh; cán bộ Đoàn, Đội có thể tham gia đánh giá tinh thần, thái độ, kết quả tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội … Kết hợp với gia đình và các tổ chức xã hội trong đánh giá kết quả giáo dục, đặc biệt là đánh giá thường xuyên (đánh giá quá trình) để bảo đảm đánh giá chính xác mức độ học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, và đánh giá chính xác sự tiến bộ của học sinh, thông qua đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh

Về những vấn đề rào cản như cơ sở vật chất, kỹ năng đánh giá của giáo viên, số lượng học sinh, lo lắng của phụ huynh…, chúng ta có quyền nghĩ đến nhưng chúng ta nên nhìn từ góc nhìn của lương tâm và trách nhiệm và nhất là hiểu biết nghề: làm giáo dục.

Vì thế, phải dần thay đổi, phải nghiêm túc với nghề, phải nghiên cứu kỹ thông tư và phải rèn luyện mình, đầu tư về thời gian, hiểu biết và những kỹ năng có liên quan về đánh giá để dành cho học sinh sự quan tâm, sự đánh giá công bằng, khách quan, nhân ái…

Tôi đánh giá thông tư 22 này chuẩn bị khá đầy đủ và thời điểm ban hành phù hợp với việc triển khai chương trình lớp 6 trong năm học, nhất là giáo viên cả nước đã và đang bồi dưỡng module về Kiểm tra đánh giá trong dạy học, giáo dục phát triển năng lực do ngành tổ chức từ năm 2020 đến năm 2021 nên tính thích ứng sẽ đảm bảo. Quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ, vận dụng hiệu quả…

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phạm Minh