Góp ý sửa đổi chùm Thông tư, tôi đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

24/12/2021 06:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sẽ không còn những lời ca thán, những mối nghi ngờ Bộ Giáo dục không quan tâm đến đời sống giáo viên mà tạo cơ hội cho “nồi cơm” của các trường đại học, cao đẳng.

Nghị định 89/2021/NĐ-CP mới ban hành đã xóa bỏ nhiều loại chứng chỉ, theo đó mỗi bậc học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Thế nên, tới đây, Bộ Giáo dục sẽ sửa đổi một số quy định trong chùm các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, đặc biệt sẽ bỏ quy định mỗi hạng phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thay vào đó, chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ cho tất cả hạng chức danh nghề nghiệp.

Không có chứng chỉ sẽ không được tham dự kỳ thi thăng hạng (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn).

Không có chứng chỉ sẽ không được tham dự kỳ thi thăng hạng (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn).

Góp ý sửa đổi chùm Thông tư, tôi đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Trước khi Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản báo cáo Thủ tướng về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, bao gồm cả chương trình bồi dưỡng cho giáo viên.

Theo đó, có tới 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được đề xuất bỏ. Nhiều thầy cô giáo đã hy vọng, chờ đợi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng sẽ được xóa bỏ.

Tuy nhiên, chỉ là số lượng chứng chỉ giảm nhưng mỗi giáo viên vẫn phải có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới đủ điều kiện trụ hạng và thăng hạng.

Nghĩa là, dù không muốn thì các thầy cô giáo vẫn phải mất một khoản tiền đi học chứng chỉ để về kẹp hồ sơ cho đầy đủ.

Ở trong ngành có lẽ ai cũng biết, cũng hiểu việc học chứng chỉ chức danh không làm cho kiến thức của nhà giáo vững hơn, không làm cho kỹ năng đứng lớp tốt hơn.

Điều vô lý ở chỗ, có những giáo viên đã dạy gần 30 năm vẫn phải đi học vài ngày để lấy cái chứng chỉ mà chỉ có tác dụng kẹp vào hồ sơ.

Vì thế, bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mới là hợp lý.

Tuy nhiên, Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã ban hành đó mỗi bậc học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nên Bộ Giáo dục sửa đổi chùm các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cũng phải theo quy định ấy.

Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung quy định trên, bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo hoặc quy định bằng cấp chuyên môn sư phạm được quy đổi tương đương với yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo thì hay biết mấy.

Thực tế, việc bồi dưỡng thường xuyên đối với nhà giáo vẫn được duy trì hàng năm nên không thể nói là bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ảnh hưởng đến yêu cầu không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chừng nào còn giữ chứng chỉ này, chừng đó nhà giáo còn bị trói buộc bởi giấy phép con.

Một đề xuất khác, Bộ Giáo dục cần đưa chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vào các trường sư phạm

Trong trường hợp đề xuất với Bộ Nội vụ cùng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 89/2021/NĐ-CP như đã phân tích phía trên mà không khả thi, không thể xóa bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, Bộ Giáo dục cần đưa chương trình học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vào các trường sư phạm.

Nội dung kiến thức phải học sẽ được thiết kế theo học phần như một môn học bắt buộc.

Giáo sinh tích lũy đủ điểm số sẽ được cấp chứng chỉ, và như thế đã đủ yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau khi ra trường và có giá trị suốt đời.

Với cách làm này sẽ đem lại nhiều điều lợi. Cái lợi trước mắt, sinh viên sư phạm sẽ phải học nghiêm túc mới qua được môn học. Và như thế, tờ giấy chứng chỉ kia mới thật sự có ý nghĩa.

Tiếp đến là các nhà giáo sẽ không phải mất một khoản tiền gần cả tháng lương của giáo viên hợp đồng để đi học lấy chứng chỉ (mà thực chất gần như mua chứng chỉ) về làm đẹp hồ sơ.

Sẽ không còn những lời ca thán, những mối nghi ngờ rằng Bộ Giáo dục không quan tâm đến đời sống giáo viên mà tạo cơ hội cho “nồi cơm” của các trường đại học, cao đẳng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết