Google “dịch” và những điều hài hước trong thế giới hiện đại

19/04/2020 06:14
Nguyễn Thị Lan Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ngôn ngữ là linh hồn, tinh túy của mỗi dân tộc trong mỗi từ, mỗi cách sử dụng, mà để hiểu được con người và văn hóa, các loại “máy dịch” chỉ là công cụ ban đầu

(Nhân kỷ niệm 1 năm ở Boston với chương trình Boston – Age Friendly Programs*)

Tập truyện hài hước "Con cái chúng ta giỏi thật"
Tập truyện hài hước "Con cái chúng ta giỏi thật"

“Dịch thuật” là một ngành nghề khó “nhằn”, mà theo quan điểm cá nhân tôi, có lẽ khó nhất trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục, bởi khi giao tiếp bằng tất cả mọi phương tiện giữa con người với con người, cùng dân tộc, cùng ngôn ngữ mà vẫn gây ra vô số hiểu nhầm hoặc thậm chí, còn nhiều tranh cãi, thì hiểu và dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác quả là thách thức lớn vô cùng.  

Điều thách thức lớn không chỉ ở hiểu ngôn ngữ, hiểu ý nghĩa, mà còn hiểu được tâm hồn và văn hóa của dân tộc khác, của những người khác mình.

Chính vì vậy, ngày nay, ở Việt Nam, theo tôi quan sát, nhiều tác phẩm văn học và khoa học nổi tiếng thế giới hàng thế kỷ cũng vẫn sử dụng bản dịch của những nhà dịch giả thời cũ, và có lẽ, hầu như không thấy mấy bản dịch tiểu thuyết hay thơ văn hay như những nhà dịch thuật thời kỳ trước, những năm 1960 - 2000. 

Nhân chủ đề về Giáo dục và Công nghệ thế kỷ 21, chúng ta dần quen với dùng từ điển và “dịch” cả văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đại diện điển hình là chương trình dịch thuật của Google trên phần mềm.  

Thế là, cũng tương tự như mọi vấn đề của dịch thuật, mà lại dịch qua chương trình phần mềm, vô số điều hài hước được nảy sinh, mà đâu đó, nhìn quanh lại thấy chúng cũng khá thú vị để minh chứng rõ một điều: 

“Con người mới là chủ nhân của mọi quan hệ, mọi giao dịch và mọi vấn đề của ngôn ngữ, điều đại diện cơ bản cho xã hội con người, chứ không phải công nghệ”.

Để tránh mọi hiểu nhầm, xin trích dẫn vài ví dụ từ trải nghiệm cá nhân và hoàn toàn không có bất kỳ ý “chê” Google “Dịch”, bởi tôi luôn kính trọng Gates và những gì mà các hãng công nghệ đóng góp cho tiến bộ công nghệ và cho nhân loại.

Có nên dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt?
Có nên dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt?

Tôi có một vài bạn làm kinh doanh “máy dịch” từ điển nhằm giúp học sinh sinh viên Việt Nam học tiếng Anh tốt hơn.  

Về kinh doanh thì không dám nói, nhưng do máy tính, internet và điện thoại giờ phổ biến đủ loại trên online, thế là các bạn ấy khó khăn vô cùng.  

Nhưng điều đáng nói là những bạn kinh doanh từ điển lại không biết tiếng Anh đủ để nói chuyện với con cái học trường quốc tế và chúng dường như chỉ thích nói tiếng Anh, dù ở ngay Sài Gòn!  

Thế là chuyện “hài hước” tôi được chứng kiến, những người Việt trẻ học chương trình quốc tế nói tiếng Anh ở gia đình; rồi cha mẹ không biết tiếng Anh, nghe và “dịch” con nói, con viết, từ tiếng Anh sang tiếng Việt qua “máy dịch” từng từ hoặc từng câu! 

Điều này đúng là “Con cái chúng ta giỏi thật” [2] phiên bản Việt ở ngay thế kỷ 21, mà đáng quan ngại nhất là nếu điều này xảy ra phổ biến ở Việt Nam, những nỗ lực về ngôn ngữ dân tộc và tiếng Việt sẽ đi về đâu?  

Đấy là để thông cảm cho những lo lắng của cha mẹ Việt ở nước ngoài, đặc biệt là cho những thế hệ thứ 2 hay 3, người Việt, đang sống và học tập ở nước ngoài [3].

Hình ảnh những người Việt cầm “máy dịch” để hiểu tiếng Việt thì đúng là không còn gì để nói!

Giờ thì xin được nói về từ điển trên mạng (online).  

Thôi thì đủ loại, đủ ngôn ngữ, đủ vùng miền, mà chưa rõ, ví dụ như từ điển Anh – Việt chuẩn cho tất cả mọi người dùng thì nguồn ở đâu là đáng tin cậy.  

Từ những từ điển online không rõ nguồn và từ ngữ Việt không rõ có chuẩn xác hay không và chạy trên chương trình dịch phần mềm của Google, cũng có vô số chuyện cười ra nước mắt [4].

Lấy ví dụ, khi chúng ta tra từ điển “nước Mỹ”, thì theo bạn, chúng ta sẽ nhận được từ từ điển online là “United States of America” hay là “America” hay US [4]?  

Tôi có một bạn Mỹ thân tình chia sẻ thế này. Đúng luật thì phải dùng chữ “United States”, để tránh nhầm lẫn United States of America là North America; hay là South America mà được hiểu là Canada hoặc châu Mỹ La tinh, mà khi chỉ dùng chữ “America” thì dễ bị “hiểu sai” thực lòng của nước Mỹ là nước thích đi gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác qua ngôn ngữ.  

Bộ Giáo dục phát động phong trào học ngoại ngữ trong trường học
Bộ Giáo dục phát động phong trào học ngoại ngữ trong trường học

Nhưng khi đi vào thực tế sử dụng tại Việt Nam, chữ “United States of America” được dịch trang trọng là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì quá dài; dân chúng toàn gọi là “Mỹ”.  

Thế mới khó cho việc nói/viết “văn hoa” là “văn hóa Hoa Kỳ” thì bố “Việt Nam” nào chịu hiểu; mà nếu nói giá trị Mỹ, văn hóa Mỹ, nhân dân Mỹ thì lại rất “ok” (Xin xem trích dẫn từ tên cuốn “Hồi Ký Hillary Clinton và Chính Trường Nước Mỹ” được dịch từ bản gốc tiếng Anh với tựa “Living History by Hillary Rodham Clinton” để tham khảo) [5]!  

Vì sự tréo ngoe này trong ngôn ngữ dịch thuật dẫn đến nhiều chuyện hài ghê lắm, mà tôi thì e là đến bác Hillary Clinton cũng “thấm nhuần” máy dịch tai hại thế nào theo những gì bác viết trong Hồi Ký (2006) [5].  

May mắn thay cho nhân dân Mỹ và Việt Nam, đến thời Obama qua thăm Việt Nam (2016) thì hiểu biết về ngôn ngữ được nâng tầm cao hẳn, bởi bác Obama còn lẩy được Kiều bằng tiếng Anh:

“Please take from me this token of trust, so we can embark upon our 100-year journey together.” [6]

Với thơ gốc trong truyện Kiều, Nguyễn Du, là thế này:

“Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”

Nếu dân tình nào làm nhiều trong công nghệ banking thì chữ “token of trust” thật thú vị làm sao, bởi token chính là công cụ để đảm bảo an toàn, an ninh tài khoản mạng khi giao dịch online, mà hài hước là mấy bác Mỹ đang đau đầu về vụ an ninh dữ liệu, an ninh mạng và hacking dữ liệu! [7] 

Điều đúng, theo quan điểm cá nhân tôi, “token” thường được sử dụng như những multi-layers (những đảm bảo an ninh nhiều lớp) để bảo vệ được những giá trị gốc về ngôn ngữ tiếng Việt của tôi và con mình, trong thời đại đa ngôn ngữ và thường được sử dụng theo kiểu con nói tiếng Anh, bố mẹ ngồi chờ “dịch” theo Google!  

Một sự thật không thể phủ nhận, đó là khi dùng ngôn ngữ thời “quốc tế hóa”; “toàn cầu hóa” này, ngôn ngữ được pha trộn theo tiếng Anh “Ô-kê-la”; hoặc “Mom yêu con” dường như cũng thành bình thường; trong khi ngôn ngữ và hoàn cảnh, mối quan hệ giữa từng cá nhân với từng hoàn cảnh cũng vô vàn khác nhau, thì thử hỏi Google “dịch thuật” trở thành “Gờ Gà” (Có gì không biết thì tra Gờ Gà!) ở Việt Nam cũng không khó hiểu.

Ví dụ điển hình sau đây xin mua vui cho mọi người:

Khi tôi dùng chữ “tởn” trong trao đổi thư từ với bạn bè thân, với ý nghĩa là “hài hước lắm”, nhưng khi dùng Google Translation (Dịch) thì họ cho tôi từ “Disgush” nghĩa là “ghê tởm, kinh tởm”, hoàn toàn khác hẳn về ý nghĩa và ngôn từ và bối cảnh. 

Thế nên, hơn 4 tháng ở Boston làm tình nguyện cho cộng đồng dân cư ở đó (*), tôi biết ơn những trải nghiệm với thành phố và người dân Boston (Bostonian), đặc biệt là những nỗ lực của thành phố khi tổ chức và kêu gọi tình nguyện viên hướng dẫn dạy và sử dụng ngôn ngữ các dân tộc châu Á bởi những người thành thạo cho dân thiểu số hoặc thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ giữa các nhóm cộng đồng dân châu Á khác nhau sống tại Boston.  

Ngôn ngữ là linh hồn, tinh túy của mỗi dân tộc trong mỗi từ, mỗi cách sử dụng, mà để hiểu được con người và văn hóa, các loại “máy dịch” chỉ là công cụ ban đầu, nếu không nói chúng chỉ giúp được con người hiểu nhau khi chúng ta có những con người thực sự yêu thương nhau, thực sự muốn chia sẻ hiểu biết và tri thức cùng nhau.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://www.boston.gov/departments/age-strong-commission/age-friendly-boston

[1] https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2016/05/24/remarks-president-obama-address-people-vietnam; https://vn.usembassy.gov/vi/obama-ncc240516/

[2] VNExpress, Axit Nêxin, Con cái chúng ta giỏi thật!; https://vnexpress.net/con-cai-chung-ta-gioi-that-phan-i-2753615.html

[3] “John đi tìm Hùng”, https://baomoi.com/giao-luu-voi-chang-trai-my-goc-viet-tran-hung-john/c/13496179.epi; VNNs, Overseas Vietnamese struggle with language, https://vietnamnews.vn/society/184892/overseas-vietnamese-struggle-with-language.html;  Vietnamese – Americans, https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_Americans;  Anh Tran, Vietnamese Language Education in the United States, https://doi.org/10.1080/07908310802385923

[4] Tra cứu từ điển online, Nước Mỹ - US or America?

About 184,000,000 results (0.41 seconds) 

Search Results

Translation result

Vietnamese – detected

English

U.S

Community verified

Translations of nước Mỹ

adjective

American

nước Mỹ, hoa kỳ

[5] Hillary Clinton, Hồi Ký Hillary Clinton và Chính Trường nước Mỹ (Living History), 2006, NXB Văn Hóa Sài gòn

[6] Nhà Trắng (White House), Bài phát biểu của Tổng thống Obama trước người dân Việt Nam, https://vn.usembassy.gov/vi/obama-ncc240516/; https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2016/05/24/remarks-president-obama-address-people-vietnam;

[7] OPM Data Breach, https://en.wikipedia.org/wiki/Office_of_Personnel_Management_data_breach;  Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Letter to FBI and US Congress, http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/fbi-education-technologies-data-collection-and-unsecured-systems-could-pose-risks-to-students.html;

Nguyễn Thị Lan Hương