Góc nhìn từ các chuyên gia về thực trạng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm

06/06/2019 06:30
Nam Phong
(GDVN) - Bài viết phân tích ý kiến của các chuyên gia là lãnh đạo của một số trường sư phạm về những bất cập trong quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay.

LTS: Tổng hợp, phân tích ý kiến của một số lãnh đạo trường sư phạm trên cả nước, tác giả Nam Phong chỉ ra những bất cập trong vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả kỳ 1 trong loạt bài viết về chủ đề này.

Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra yêu cầu cấp thiết phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo giáo viên, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định cần phải sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập.

Bài viết này phân tích ý kiến của các chuyên gia là lãnh đạo của một số trường sư phạm trong cả nước. Kết quả phân tích dựa trên phiếu hỏi và phỏng vấn sâu các chuyên gia cho thấy:

Còn sự chồng chéo về chức năng, phân tán, nhỏ lẻ, đào tạo kém chất lượng, lãng phí của mạng lưới các trường sư phạm

Cả nước hiện nay có tổng số 113 trường sư phạm bao gồm các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên [1] được phân bổ ở khắp các vùng, miền, địa phương với số lượng lớn các trường đại học sư phạm tập trung ở các thành phố lớn.

Ở cấp hệ thống, sự kết nối giữa các trường sư phạm chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được sự thống nhất trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo. Việc mở ngành đào tạo giữa các trường còn trùng lặp, chồng chéo.

Hoạt động đào tạo vẫn chạy theo số lượng và năng lực sẵn có của trường, chưa bám sát yêu cầu thực tế của đội ngũ và công tác quy hoạch đội ngũ của ngành, của địa phương dẫn đến cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, gây ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các cấp học và giữa các địa phương, vùng, miền.

Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai (Ảnh: Tienphong.vn)
Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai (Ảnh: Tienphong.vn)

Về cơ bản, các trường sư phạm hoạt động độc lập, mỗi trường vẫn chỉ là những thành phần được sắp xếp cạnh nhau trong hoạt động đào tạo giáo viên.

Ở cấp trường, nhiều trường sư phạm phát triển trong tình trạng thiếu ổn định và đã chuyển sang đào tạo đa ngành (không chuyên đào tạo sư phạm), nhiều trường cao đẳng sư phạm nâng cấp lên trường đại học hoặc chuyển sang trường đa ngành trong điều kiện chưa đảm bảo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình... và nhất là bộ máy quản lý học thuật và hành chính.

Mối liên hệ giữa các trường sư phạm với các cơ quan quản lí giáo dục các cấp, các trường phổ thông trong thời gian gần đây mặc dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ và bền vững trong các hoạt động đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng với nhu cầu và quy hoạch nguồn nhân lực ngành giáo dục ở từng địa phương.

Các trường sư phạm ở Việt Nam chủ yếu là công lập. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế - xã hội và ngay cả những nước phát triển cũng khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống như vậy.

Do đó, việc đầu tư dàn trải trong những năm vừa qua đã không tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hệ thống.

Về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hưng, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết:

Quy hoạch cần chú ý đến đặc điểm vùng miền. Đặc điểm của khu vực Tây Nguyên là đào tạo giáo viên giảng dạy cho con em đồng bào các dân tộc Ê-đê, Gia-rai, M’Nông,… và đào tạo giáo viên giảng dạy bằng tiếng dân tộc.

Đào tạo giáo viên nó liên quan đến vấn đề ngôn ngữ (giọng nói địa phương), điều kiện sống và công tác (đi làm), phong tục tập quán, văn hóa,… 

Do đó, cần gắn chặt quá trình đào tạo sư phạm với yêu cầu sử dụng lực lượng giáo viên của xã hội, chú ý yếu tố “vùng thị trường”, sức hút, độ lan tỏa của trường sư phạm lớn”.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng cho rằng “Việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm sẽ dẫn đến xác định lại vị trí, vai trò và chức năng nhiệm vụ của một số cơ sở đào tạo giáo viên, điều này tác động đến việc sắp xếp và sử dụng nguồn nhân lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Do đó, cần tiếp cận quy hoạch theo chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, vẫn phải quan tâm đến quy hoạch dựa trên 7 vùng kinh tế của đất nước, quan tâm đến yếu tố vùng miền để quy hoạch vì có liên quan đến yếu tố đa văn hóa của vùng miền”.

Điều kiện đảm bảo chất lượng, năng lực đào tạo, nghiên cứu của các trường sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới

Cơ sở vật chất của các trường sư phạm hầu như được đầu tư xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỉ XX và được nâng cấp từng phần trong nhiều năm qua.

Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành
Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, do trang thiết bị cho các phòng học không đồng bộ, thậm chí lạc hậu, một số đã được sửa chữa và khai thác tối đa trong một thời gian khá dài nên thiết kế phần lớn không đáp ứng được yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại vào thực tiễn dạy học.

Mặc dù các trường sư phạm đã ngày càng chú trọng tới chất lượng đào tạo nhưng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chưa theo hướng phát triển phẩm chất năng lực “thực học, thực nghiệp”, chưa gắn kết với yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, tính liên thông chưa cao.

Bên cạnh đó, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập của sinh viên vẫn chậm đổi mới, chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa giúp sinh viên vận dụng tri thức vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn giáo dục, đặc biệt là thực tiễn giáo dục địa phương. 

Mặc dù cả nước đã có hơn 130 cơ sở cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam và có 116 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhưng phần lớn các trường sư phạm chưa được kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là các trường cao đẳng sư phạm.

Một số trường đại học sư phạm đã thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, nhưng việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo viên chưa được chú trọng. Vì thế, chưa có cơ sở để phân loại các trường sư phạm trong cả nước.

Đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm chưa được quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực và chưa hình thành được lực lượng nghiên cứu sâu về khoa học giáo dục nên chưa thực sự đi đầu trong việc đổi mới giáo dục, thiếu gắn kết với thực tiễn giáo dục phổ thông.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên giữa các ngành đào tạo và giữa các trường theo vùng, miền không đồng đều; năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy của đa số giảng viên còn hạn chế, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành, những giảng viên cốt cán có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.

Hầu hết giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đều tập trung tại các trường sư phạm ở các thành phố lớn, đặc biệt tại Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Các trường sư phạm địa phương (bao gồm cả các trường cao đẳng sư phạm) thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm chiếm từ 2% đến 5%, trường có tỷ lệ cao là Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đạt 14,6%.

Quy mô tuyển sinh của các trường cao đẳng sư phạm giảm nhanh, trong đó có những trường số sinh viên chỉ tương đương một trường phổ thông trên địa bàn, ví dụ năm học 2017 – 2018, Trường cao đẳng sư phạm Đắk Lắk chỉ tuyển sinh được 150 sinh viên,

Trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị tuyển 387 sinh viên, Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang chỉ tuyển 573 sinh viên.

Ngoài ra, giảng viên của các trường cao đẳng sư phạm gặp nhiều khó khăn do quy mô đào tạo giảm, giảng viên thiếu giờ dạy, việc liên kết đào tạo (đại học hệ vừa làm vừa học) với các trường đại học cũng giảm, nhiều giảng viên được điều chuyển xuống các trường phổ thông giảng dạy.

Một số trường cao đẳng sư phạm mở thêm các trường phổ thông, trường mầm non thực hành, trung tâm trải nghiệm giáo dục cho học sinh phổ thông, dịch vụ giáo dục khác,… để tạo việc làm cho giảng viên. Tuy nhiên, số giảng viên không có giờ dạy còn nhiều.

Trước tình trạng này, nhiều giảng viên của các trường cao đẳng sư phạm có trình độ cao đã chuyển công tác, dẫn đến thiếu hụt đội ngũ ở các trường này.

Ghi chú:

[1]14 trường đại học sư phạm: 6 trường đại học sư phạm (Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội 2, Đại học sư phạm- Đại học Thái Nguyên, Đại học sư phạm- Đại học Huế, Đại học sư phạm- Đại học Đà Nẵng, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh); 5 trường Đại học sư phạm kỹ thuật (Đại học sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học sư phạmKỹ thuật Nam Định, Đại học sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, Đại học sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long); 2 trường đại học sư phạm Thể dục Thể thao (Trường Đại học sư phạmThể dục Thể thao Hà Nội; Trường Đại học sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) và 1 Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương); 48 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường trung cấp sư phạm (Trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội, Trường Trung cấp Sư phạm mầm non Đắk Lắk).

(Còn nữa)

Nam Phong