Gò đầu, căng mắt, bặm môi...sao bắt trò học nhiều thế cô ơi?

24/12/2016 07:20
Thuận Phương
(GDVN) - Giáo viên không còn giao bài tập Toán, Tiếng Việt về nhà cho học sinh nhưng thực tế hằng đêm, các em vẫn phải đánh vật với biết bao nhiệm vụ học tập khác.

LTS: Học sinh Tiểu học vẫn chưa thực sự được giảm tải khi hằng đêm các em vẫn phải cặm cụi viết chữ hoặc làm thêm bài tập theo yêu cầu của bố mẹ.

Tác giả Thuận Phương chia sẻ quan điểm về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi trong ngày.

Theo đó, giáo viên phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập ngay tại lớp và có 15 phút cuối giờ thầy cô cho học sinh chuẩn bị bài của buổi học ngày mai.

Nếu theo quy định này, hầu như các trường tiểu học đều tuân thủ đúng. Giáo viên không còn giao bài tập Toán, Tiếng Việt về cho học sinh làm như trước đây.

Nhưng thực tế hằng đêm, học trò tiểu học vẫn đang đánh vật với biết bao nhiệm vụ học tập khác.

Ngoài luyện viết trên lớp, buổi tối về nhà các em vẫn phải cặm cụi viết chữ. (Ảnh: Zing.vn)
Ngoài luyện viết trên lớp, buổi tối về nhà các em vẫn phải cặm cụi viết chữ. (Ảnh: Zing.vn)

Luyện viết đến mờ mắt mỏi tay

Trong chương trình học chính khóa có phân môn Tập viết, một tuần học sinh được học 1 tiết.

Các em sẽ tập viết các chữ cái, các vần, các cụm từ, các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… vào cuốn vở tập viết. Mỗi bài học có khoảng 2 trang vở với đủ kiểu viết hoa, viết thường, cỡ chữ to, cỡ vừa và cỡ nhỏ.

Thiết nghĩ, để rèn viết cho học sinh chỉ cần cuốn vở tập viết như thế là quá đủ.

Thế nhưng không ít trường học lại bắt học sinh phải mua thêm 2 cuốn vở luyện viết. Nội dung viết trong những cuốn vở này cũng chẳng khác cuốn vở tập viết là mấy.

Trên lớp học không còn thời gian để giáo viên luyện viết thêm cho các em, bởi còn biết bao nội dung học tập cần thiết khác.

Thế là cuốn vở luyện viết được giao về nhà cho học sinh viết và thầy cô sẽ kiểm tra vào cuối mỗi tuần.

Không ít phụ huynh lên phàn nàn “Thấy con gò đầu, căng mắt, bặm môi đưa từng nét chữ mà thấy xót. Sao bắt trò viết nhiều thế hả cô?

Có phụ huynh nói “Hôm qua cháu viết đến 10 giờ mới đi ngủ mà vẫn chưa xong bài, tôi không cho viết nữa”.

Những học sinh có cha mẹ quan tâm còn đỡ. Một số khác, không có người lớn giám sát nên các em thường viết cho nhanh để đi chơi.

Bởi thế, chữ viết nguệch ngoạc trông cẩu thả và rất xấu.

Gò đầu, căng mắt, bặm môi...sao bắt trò học nhiều thế cô ơi? ảnh 2

Giáo viên khổ vì dạy dỗ kiểu...tự sướng

Viết ở nhà không xong, lên lớp sợ cô thầy la rầy nên nhiều em tranh thủ viết vào đầu giờ học, viết vào giờ các bạn đã ra chơi, viết lén lút ngay trong các giờ học khác… nên chữ viết càng xấu hơn.

Miệt mài làm vở bài tập

Giáo viên không giao bài tập về nhà nhưng chính phụ huynh lại có cách khác để ép con phải học vào buổi tối.

Dù những cuốn vở bài tập toán, bài tập tiếng Việt các trường không dùng nữa nhưng hầu như em nào cũng có một bộ trong cặp để làm thêm.

Bởi những bài tập trong các vở bài tập giống y chang các dạng bài tập trong sách giáo khoa các em sẽ học trên lớp.

Thế là, tối tối thay vì được nghỉ ngơi vì các bé đã học cả ngày trên trường nhiều em vẫn phải miệt mài, cặm cụi ngồi làm Toán, viết chính tả và làm các bài tập Tiếng Việt khác trong các vở bài tập với một lượng kiến thức học cả buổi trên trường.

Phần do nhà trường hiểu sai nội dung bài tập về nhà (chỉ là bài tập Toán, Tiếng Việt) nên các trường cứ vô tư giao cho học sinh về nhà luyện viết thêm.

Phần khác do phụ huynh kì vọng quá cao ở các con nên đã tạo ra áp lực học tập cho các em đang ở độ tuổi còn quá nhỏ.

Trẻ học cả ngày trên trường, tối về còn phải ra sức “cày” trên những trang vở đến tận đêm.

Dù thế, lực học của các em cũng chẳng có nhiều đổi khác. Đây chính là hậu quả của kiểu học ép, học nhồi nhét mà nhiều phụ huynh vẫn đang áp dụng cho con em của mình.

Thuận Phương