Giỏi giang gì chỉ 1 tiết dạy, tổ chức hội thi giáo viên thế này mới hiệu quả

01/08/2021 07:26
Nhật Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên diễn 1 tiết dạy, “diễn” 1 giải pháp,… thì được công nhận giáo viên giỏi, như vậy rõ ràng không mang lại hiệu quả tích cực, không làm giáo viên giỏi hơn.

Các cuộc thi trong ngành giáo dục là cần thiết vì tạo tính thi đua, phong trào, tạo sân chơi,… cho giáo viên và học sinh sau thời gian công tác mệt mỏi, vất vả và nhiều áp lực.

Nhưng rất tiếc nhiều hội thi khi tổ chức đã không mang đến mục đích, ý nghĩa trên mà chủ yếu mang tính hình thức, thành tích, gây áp lực không cần thiết lên cả giáo viên và học sinh.

Hiện giáo viên đã phải chịu quá nhiều áp lực trong quá trình giảng dạy và nhiều áp lực khác. Nhưng áp lực kinh khủng hơn, tốn mất nhiều thời gian hơn chính là các kỳ thi, phong trào không cần thiết.

Nếu các cuộc thi được tổ chức nhẹ nhàng, bải bản hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học thì nên khuyến khích, tạo điều kiện tối đa giáo viên dự thi, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Còn những hội thi mang tính hình thức, thành tích, phong trào vô bổ thì nên được tạm dừng để giáo viên chuyên tâm vào dạy học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục góp phần vào việc dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong phạm vi bài viết, người viết xin được nêu một số hội thi của giáo viên nên bỏ, giữ lại hoặc thay đổi hình thức để nhằm tránh hình thức và quan trọng là góp phần giảm áp lực cho giáo viên, thúc đẩy giáo viên cố gắng phấn đấu, đạt hiệu quả cao.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: baoninhbinh.org.vn)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: baoninhbinh.org.vn)

Hai hội thi của giáo viên nên bỏ

Đối với giáo viên hai hội thi nên bỏ hiện nay là thi giáo viên giỏi các cấp và thi sáng kiến kinh nghiệm.

Đối với hội thi giáo viên giỏi các cấp gồm thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi,… rất hình thức, bất cập và đã được phân tích rất nhiều trong nhiều bài viết trước đây.

Một hội thi chủ yếu là “diễn”, được đánh giá là hình thức, không có tác dụng mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục, tốn kém thì nên được bỏ.

Mỗi năm có rất nhiều hội thi giáo viên giỏi cấp trường, rồi cấp huyện, tỉnh; nhiều hội thi giáo viên giỏi như giáo viên văn hóa giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thư viện giỏi,… Mỗi đơn vị có khi đến 5-10 giáo viên dự thi một kỳ nên tần suất dự thi rất nhiều.

Có năm giáo viên vừa dự thi cấp trường xong, dự thi cấp huyện rồi có thể dự thi cấp tỉnh, giáo viên đạt thì không giỏi hơn nhưng tình hình dạy của giáo viên dự thi chắc chắn sẽ không đảm bảo, bỏ tiết để chuẩn bị dự thi, các tiết dạy khác cũng không đầu tư, giáo viên khác bỏ tiết để dự giờ, góp ý… học sinh yếu hơn một phần cũng do có nhiều giáo viên tham dự các kỳ thi giáo viên giỏi này.

Giáo viên diễn 1 tiết dạy, “diễn” 1 giải pháp,… thì được công nhận giáo viên giỏi, như vậy rõ ràng không mang lại hiệu quả tích cực, không làm giáo viên giỏi hơn.

Bỏ thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi,… thì mọi giáo viên ai cũng là dạy giỏi trong từng tiết dạy được cả xã hội ghi nhận, chứ không phải 1 tiết “diễn” giỏi do ban giám khảo công nhận, do đó không cần thi mới có giáo viên giỏi, giáo viên giỏi ở trong chính tâm trí, trái tim của mỗi học sinh và sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội.

Hội thi thứ hai nên bỏ là một hội thi rất bất cập từ rất nhiều năm mà đến nay hầu như không có sự thay đổi, đổi mới gì chính là hội thi viết sáng kiến trong ngành giáo dục.

Hầu hết mỗi năm ngành giáo dục sản sinh ra đến hàng ngàn cái gọi là sáng kiến kinh nghiệm nhưng hầu như không có sáng kiến nào được triển khai mang lại hiệu quả, những sáng kiến viết xong dù có đạt giải hay không đều trở thành giấy vụn, vô cùng bất cập, lãng phí và cả bất công cho những giáo viên rất giỏi, rất tâm huyết nhưng không có viết sáng kiến kinh nghiệm.

Gọi là sáng kiến nhưng thực tế là có rất nhiều cái sao chép, cắt dán, ăn cắp ý tưởng, nhiều cái tưởng tượng ra,… rồi viết thành một sáng kiến cho mình rồi có thể chấm đạt giải, rồi được xét chiến sĩ thi đua, khen thưởng.

Nếu giáo viên làm tốt, viết ra sản phẩm tốt hay một nghiên cứu khoa học tốt, giáo viên sẽ nộp ở hội đồng nghiệm thu khoa học cấp huyện, tỉnh thậm chí cấp trung ương sẽ được nghiệm thu, được đăng ký bản quyền thuộc cục sở hữu trí tuệ,… đương nhiên được khen thưởng, tôn vinh và triển khai ứng dụng cho giáo viên áp dụng.

Tổ chức 2 cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên giỏi rất hình thức này mỗi năm tốn nguồn kinh phí tiền tỷ từ ngân sách nhà nước, nếu để dành cho các hoạt động khác thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Nên tổ chức thường xuyên các hội thi, phong trào sau

Dưới quan điểm, góc nhìn của người viết, những hội thi mang lại mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng dạy học, có lợi cho giáo viên và học sinh thì nên tăng cường. Do đó, xin được đề xuất tăng cường các hội thi, phong trào sau đây:

Thứ nhất, các hội thi liên quan rèn luyện kiến thức chuyên môn

Ai làm quản lý hay giáo viên đều biết, chỉ có giáo viên vững vàng kiến thức chuyên môn, luôn trau dồi chuyên môn thì mới có thể dạy tốt, dạy giỏi.

Giáo viên không cố gắng rèn luyện, bổ sung kiến thức, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,... sẽ trở nên lạc hậu, dạy sẽ khó thành công. Không bao giờ là giáo viên giỏi khi kiến thức chuyên môn không đảm bảo.

Nên tăng cường các cuộc thi, phong trào mang tính khuyến khích động viên giáo viên tham gia là các hội thi có liên quan về kiến thức, kiến thức chuyên môn, luật, vận dụng công nghệ,… là những hội thi nên được khuyến khích.

Thi kiến thức chuyên môn, kiến thức luật đây là một sân chơi, một hội thi mang tính chất để giáo viên củng cố kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tình trạng giáo viên không am hiểu kiến thức về luật giáo dục, thiếu kiến thức chuyên môn, không cập nhật kiến thức mới sẽ dạy không hiệu quả.

Việc này nên được tổ chức hàng năm, không nên cầu kỳ hình thức chỉ tổ chức trực tuyến trên mạng, giáo viên đạt điểm cao được khen thưởng, giáo viên chưa đạt điểm cao sẽ tự nhận biết mình hạn chế phần nào mà tự cố gắng khắc phục.

Việc này nên để 100% giáo viên tham gia cấp trường, thực hiện trên máy tính, về kiến thức chuyên môn, kiến thức chung, kiến thức pháp luật, vận dụng công nghệ thông tin,… để mọi giáo viên đều là những người giáo viên đảm bảo kiến thức, bản lĩnh khi đứng lớp. Đó mới chính thực sự là những giáo viên giỏi.

Thứ hai, thi tình huống ứng xử, giải pháp

Một trong những việc hiện nay dẫn đến bạo lực học đường, học trò không tôn trọng giáo viên,... trong đó có việc giáo viên, nhà trường thiếu kỹ năng ứng xử, xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy.

Nếu có khả năng ứng xử tốt, đương nhiên sẽ tránh được một số việc đáng tiếc xảy ra.

Tình huống là những tình huống ngẫu nhiên, thực tế,… do bản lĩnh của giáo viên thu thập trong quá trình giảng dạy, xử lý không cần chuẩn bị trước.

Việc thi trình bày giải pháp là một trong những giải pháp tốt của bản thân, nhóm, tổ, lan tỏa kinh nghiệm, giải pháp tốt để mọi người khác cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tế,…

Tổ chức nghiêm túc 2 hội thi trên sẽ góp phần làm nâng cao khả năng ứng xử, và giáo viên sẽ được học hỏi nhiều từ ứng xử, cách dạy hay, cách làm tốt.

Thứ ba, thi sáng tạo đồ dùng dạy học, phần mềm,…

Việc này nên được duy trì, nhưng nên được thay bằng hình thức khác, hiện nay việc thi đồ dùng dạy học có rất nhiều trường hợp giáo viên mướn người khác thực hiện hay mượn đồ dùng của nơi khác rồi đem dự thi, đạt giải.

Nên người viết cho rằng nên tổ chức và thực hiện tại đơn vị dự thi, có thể cho 1 giáo viên hoặc nhóm giáo viên thực hiện nhưng phải thực hiện tại chỗ (có thể chuẩn bị trước dụng cụ).

Do đó, các sản phẩm gồm đồ dùng dạy học, các phần mềm,… là ý tưởng và thực hiện cụ thể của cá nhân hoặc của nhóm người nhưng phải là giải pháp mới, do tự thực hiện không sao chép và quan trọng là có hiệu quả trong việc dạy học, bổ sung để chất lượng và hiệu quả dạy và học được nâng cao.

Thứ tư, thi đấu thể dục thể thao, văn nghệ

Bác Hồ, vị cha già kính yêu của cả dân tộc đối với thể thao đã dạy “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…Tự tôi, ngày nào cũng tập”. Chính Bác là tấm gương sáng về tập thể dục để mỗi chúng ta noi theo. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền…”

Đặc biệt, không chỉ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe, Bác Hồ còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực nhất cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu noi theo.

Phải đưa các cuộc thi mang tính chất thể dục, thể thao để học tập và làm theo tấm gương của Bác và rèn luyện thân thể, chỉ có trí óc minh mẫn trong một thân thể có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe thì phải tăng cường luyện tập thể dục.

Để tăng tính rèn luyện, tạo tinh thần đoàn kết, góp phần để dạy tốt thì nên tăng cường các phong trào, hội thi thể dục, thể thao và nên đa dạng hình thức để nhiều giáo viên được tham gia.

Tăng cường các cuộc thi mang tính văn hóa, văn nghệ nhưng phải đơn giản, mang tính chất gắn kết giáo viên với giáo viên, giáo viên và học sinh, tránh tổ chức cầu kỳ, thuê mướn đạo diễn, hoành tráng, tốn kém.

Giảm bỏ các hội thi, phong trào không cần thiết và tăng cường các cuộc thi mang tính chất rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại và các cuộc thi mang tính chất nâng cao kiến thức chuyên môn, bản lĩnh, khả năng ứng xử,… đem lại lợi ích thật sự cho giáo viên và học sinh là một trong những việc làm giảm tải cho giáo viên nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

Nhật Khoa