Giáo viên vẫn khốn khổ với cách hiểu và triển khai Công văn 4040

08/10/2021 06:44
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp nhưng luôn ở thế bị động, luôn bị áp đặt thực hiện mà không có quyền chủ động sáng tạo hay thay đổi theo tình hình học sinh

Bài viết “Rối tinh rối mù với hướng dẫn “tự học” và “tự đọc” của Bộ” đăng trên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam ngày 5/10 đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đội ngũ giáo viên khắp mọi miền đất nước.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vnHình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn

Trên các diễn đàn giáo dục, hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt bình luận của nhiều nhà giáo đều rất đồng tình với với bài viết về việc công văn không hướng dẫn rõ ràng việc tự học, tự đọc để mỗi người hiểu mỗi khác dẫn đến việc chỉ đạo áp dụng thực hiện chương trình ở nhiều địa phương, thậm chí ở mỗi trường học đã không được giảm tải như chủ ý của Bộ mà còn tạo ra nhiều áp lực cho chính giáo viên và học sinh.

Sự vô lý khi bắt gộp bài để dạy rồi lại phải ôn tập

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) tại Bình Phước nói rằng: “Trường em thực hiện chuyên môn vô lý đến không tưởng. Giáo viên ai cũng phản đối nhưng hiệu trưởng nhất định không chịu nghe. Vì thế, dù vô lý nhưng vẫn phải dạy trong ức chế”.

Nói rồi thầy H. cho biết: Ví như 1 tuần có 2 tiết Khoa học. Hiệu trưởng bắt gộp 2 bài trong tuần để dạy trong 1 tiết, đến tiết thứ 2 của tuần đó lại bắt giáo viên cho học sinh ôn tập lại.

2 bài dạy dồn trong một tiết, giáo viên phải "dạy đuổi" mướt mồ hôi vẫn không hết bài, học sinh tiếp thu một lượng kiến thức cũng không hề nhỏ.

Thế nhưng, tiết sau không có gì để dạy nên lại tổ chức ôn tập. Vậy gộp bài để làm gì? Sao không để luôn 2 bài dạy 2 tiết có phải đỡ hơn không?

Giáo viên nhà trường đã giải thích, hướng dẫn của Bộ là cắt bớt thời lượng của 2 bài để giảm thời gian dạy chứ không phải gộp nội dung để dạy trong 1 tiết.

Bộ không giảm số tiết (mà vẫn giữ số tiết đúng 35 tuần), chỉ giảm nội dung ở từng tiết để học sinh đỡ phải ngồi lâu trên màn hình, chứ không phải gộp tiết rồi lại sinh ra một tiết khác thì cũng bằng không.

Thầy H. cho biết, hiệu trưởng trường mình vẫn cương quyết vì Bộ nói gộp thì mình gộp thôi, gộp rồi dư tiết phải ghi ôn tập để đảm bảo đủ số tiết của môn đó trong 35 tuần.

Môn Khoa học bắt gộp 2 tiết làm một. Tiết sau lại phải ôn tập (Ảnh CTV)

Môn Khoa học bắt gộp 2 tiết làm một. Tiết sau lại phải ôn tập (Ảnh CTV)

Không riêng ở Bình Phước, nhiều giáo viên ở các địa phương khác cũng đã chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục về những bất cập khi gộp bài như thế nhưng không giảm số tiết quy định.

Các thầy cô đồng nghiệp đã chia sẻ nhiều tâm tư bức xúc của mình về chuyện gộp bài rồi đẻ thêm tiết ôn tập như “gộp rồi lại ôn thà để nguyên dạy từng tiết theo bài vẫn hơn. Kiểu này, thầy cô dạy cũng ngán mà trò học cũng chán”.

“Nhiều lúc không biết làm kiểu gì, mỗi nơi một phách. Kế hoạch, thời khoá biểu lên từng tuần, soạn bài cắt cắt, gộp gộp khổ lắm.

Nhiều lúc phát điên lên vì quay cuồng hết gộp bài xong lại đẻ ra ôn tập, 1 tháng hẳn 3, 4 loại công văn thay luôn xoành xoạch. Chỉ khổ giáo viên, in giáo án dạy xong rồi còn bắt sửa lại, in lại. Có khi thức đến 2 giờ đêm vẫn không xong việc”.

Mong ước của giáo viên

Nhiều giáo viên cho rằng việc hướng dẫn giảm tải trong Công văn 4040 có nhiều nội dung không rõ ràng nên dẫn đến việc thực hiện theo công văn mới xảy ra tình trạng rối như tơ vò như thế.

Thầy giáo H. giáo viên một trường trung học ở Bình Thuận cho biết: “Những nội dung tinh giản chỉ cần ghi học sinh tự tìm hiểu ở nhà hay như trước đây, Bộ vẫn thường hướng dẫn cụ thể những nội dung tinh giản ấy bằng một từ: bỏ, hoặc giảm tải là đủ.

Giáo viên sẽ nhắc nhở học sinh về nhà đọc thêm. Nên bỏ kiểu hướng dẫn nửa vời như tự học rồi lại tự đọc không biết đâu mà lần”.

Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp nhưng luôn ở thế bị động, luôn bị áp đặt thực hiện mà không có quyền sáng tạo, thay đổi. Với kiểu Bộ ra công văn điều chỉnh, Sở giao về Phòng rồi Phòng giao bộ phận cốt cán xây dựng kế hoạch xong chuyển về trường, chuyên môn trường sẽ chỉ đạo và cuối cùng giáo viên buộc phải thực hiện dù có những bất cập, những khúc mắc.

Nhiều thầy cô giáo khi được hỏi đều có chung ý kiến, việc tinh giản kế hoạch dạy học hãy cứ giao quyền cho giáo viên. Mỗi thầy cô giáo khi dạy đều tự biết phải dạy thế nào để mang lại hiệu quả cao, với trình độ học sinh của lớp mình thì nên tập trung kỹ phần nào và nên lướt qua phần nào.

Với lớp có học lực nổi trội hơn đương nhiên giáo viên sẽ dạy khác những lớp đa phần học sinh tiếp thu chậm, có lực học trung bình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương