Giáo viên trượt biên chế vì hướng dẫn của Cục Nhà giáo kêu cứu, Cục im lặng

11/11/2021 06:07
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên ở tỉnh Hưng Yên đã gửi đơn và trình bày nguyện vọng đến các cơ quan chức năng mong được xét tuyển đặc cách nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, một số giáo viên hợp đồng ở tỉnh Hưng Yên không được tiếp nhận vào làm viên chức năm 2021 với lý do “các trường hợp này có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với đối tượng và cấp học giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa đáp ứng về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức”.

Cụ thể, các giáo viên được yêu cầu phải bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp từ sau 22/5/2021 theo đúng theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT. Sau khi bổ sung chứng chỉ theo đúng yêu cầu này mới được tiếp nhận vào làm viên chức.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các giáo viên này bày tỏ nguyện vọng, rất mong chờ sự vào cuộc của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết vấn đề này.

“Chúng tôi đã gửi tâm thư đến các cơ quan chức năng, đến cả Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, tuy nhiên, tất cả những đơn thư đó đều được gửi về Sở Nội vụ và Ủy ban Nhân dân huyện giải quyết.

Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên cũng đã mời đại diện giáo viên ở mỗi huyện (mỗi huyện cử một giáo viên đại diện) lên làm việc và Sở sẽ phải làm theo công văn trả lời của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.

Chúng tôi cũng chia sẻ những thắc mắc với công đoàn nhưng công đoàn cho rằng đây là vấn đề khó can thiệp được.

Thông tư mới được ban hành trong năm 2021, có hiệu lực từ tháng 5 mà bây giờ buộc giáo viên phải có ngay chứng chỉ là rất vô lý. Các giáo viên đều có nguyện vọng được tiếp nhận vào làm viên chức năm 2021, sau đó giáo viên sẽ học và bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT. Bởi lẽ, thời điểm chúng tôi vào làm giáo viên hợp đồng cũng đã có đủ chứng chỉ theo quy định hiện hành ở thời điểm đó”, một giáo viên chia sẻ tâm tư.

Công văn 789/SNV- CCVC Sở Nội vụ Hưng Yên gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vướng mắc trong xét tuyển đặc cách giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Công văn 789/SNV- CCVC Sở Nội vụ Hưng Yên gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vướng mắc trong xét tuyển đặc cách giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Công văn 789/SNV- CCVC Sở Nội vụ Hưng Yên gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vướng mắc trong xét tuyển đặc cách giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Công văn 789/SNV- CCVC Sở Nội vụ Hưng Yên gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vướng mắc trong xét tuyển đặc cách giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Theo các giáo viên, câu trả lời của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng chưa thực sự rõ ràng, bởi theo Công văn 789/SNV- CCVC mà Sở Nội vụ Hưng Yên gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu từng trường hợp cụ thể nhưng công văn 765 trả lời Sở Nội vụ Hưng Yên lại chưa giải đáp thỏa đáng những vướng mắc được nêu ra.

Cũng theo giáo viên ở Hưng Yên, ngày 14/10/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gửi thêm công văn trả lời kèm theo công văn 765 đã gửi trước đó, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ xử lý theo thẩm quyền.

Đặc cách viên chức, mỗi nơi làm một kiểu?

Theo chia sẻ và tài liệu mà một số giáo viên cung cấp, việc xét tuyển đặc cách viên chức ở mỗi địa phương hiện nay cũng đang thực hiện khác nhau.

Cùng là đối tượng giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước, có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (cấp trước ngày 22/5/2021) nhưng giáo viên ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội vẫn được tuyển vào làm viên chức năm 2021. Quyết định được Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất ký vào ngày 11 tháng 6 năm 2021.

Giáo viên hợp đồng huyện Thạch Thất có chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (cấp trước ngày 22/5/2021) được xét đặc cách làm viên chức năm 2021.

Giáo viên hợp đồng huyện Thạch Thất có chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (cấp trước ngày 22/5/2021) được xét đặc cách làm viên chức năm 2021.

Như vậy, ở huyện Thạch Thất không yêu cầu giáo viên phải có ngay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp từ sau 22/5/2021 theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT trong thời gian xét đặc cách viên chức.

Tuy nhiên, ở tỉnh Hưng Yên, các giáo viên được yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp từ sau 22/5/2021 theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT, sau đó mới được xét tuyển đặc cách.

“Qua tham khảo các đồng nghiệp ở một số địa phương, tôi rất băn khoăn, liệu quy định áp dụng chứng chỉ sư phạm mới trong xét tuyển đặc cách là áp dụng trong cả nước hay áp dụng cho mỗi tỉnh Hưng Yên. Vì sao lại xảy ra tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu”, giáo viên Hưng Yên thắc mắc.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho biết, cử tri Hải Dương rất bức xúc khi không đủ điều kiện tham gia kỳ tuyển dụng giáo viên các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh năm 2021 chỉ vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. [1]

Cụ thể, theo kế hoạch tuyển dụng giáo viên và nhân viên kế toán các cơ sở giáo dục công lập ngành giáo dục đào tạo năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nếu không có bằng đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng đại học có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm đăng ký dự tuyển và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Trong khi đó, Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 22/5/2021, việc này chẳng khác gì đánh đố giáo viên vì hai thông tư vừa ban hành đã có hiệu lực, mà thời gian học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là 34-35 tín chỉ nên giáo viên học cũng không thể kịp lấy chứng chỉ.

Qua phản ánh của các giáo viên tỉnh Hưng Yên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, sớm có ý kiến chính thức với tỉnh Hưng Yên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thông báo sẽ có câu trả lời sau. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cu-tri-la-giao-vien-buc-xuc-vi-khong-duoc-tham-gia-tuyen-dung-do-thieu-chung-chi-post222129.gd

Linh Trang