Giáo viên trường Hiến Nam (Hưng Yên) kêu cứu vì bị xâm phạm hoạt động chuyên môn

24/03/2021 06:50
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong đơn kêu cứu gửi đến Tòa soạn cô giáo T.T.L đã cho rằng mình bị trù dập, xâm phạm hoạt động chuyên môn vì đứng ra chống tiêu cực.

Cô giáo T.T.L - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Hiến Nam (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã có đơn thư gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các biểu hiện sai phạm của Trường Trung học cơ sở Hiến Nam trong quá trình quản lý chỉ đạo điều hành và giảng dạy tại trường.

Hơn 20 nội dung trong đơn thư có nhiều nội dung nêu về các sai phạm chuyên môn và thu chi tài chính của nhà trường.

Với đơn thư dài đến 18 trang, cô giáo T.T.L đang cho rằng mình bị Hiệu trưởng Phạm Thanh Hương trù dập, gây cản trở hoạt động chuyên môn, hạ uy tín cá nhân.

Trường Trung học cơ sở Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Trung Dũng

Trường Trung học cơ sở Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Trung Dũng

Một trong những nội dung trong đơn kêu cứu, cô giáo T.T.L đã tố Ban Giám hiệu đã không rọc phách và chỉ đạo giáo viên chấm sai, hạ thấp điểm các bài kiểm tra học kỳ 1 Văn lớp 7 năm học 2017-2018, lớp 6 năm 2019 - 2020 do cô T.T.L dạy để lấy cớ kỷ luật cô L.

Trong khi xem bảng điểm kiểm tra cuối kỳ I môn Văn học các lớp 6A, 6B do mình dạy, cô T.T.L nhận thấy có nhiều điểm bất thường khi có nhiều điểm 0, điểm 1, đểm 2 một số học sinh có lực học tốt nhưng điểm rất thấp, tuy nhiên lại có em học lực kém nhưng đạt 6,5 điểm…

Nhận thấy có nhiều điểm bất thường, cô T.T.L muốn xem lại nhưng nhà trường từ chối không cho xem bài kiểm tra.

Cô T.T.L viện dẫn ra bài viết của em N.T.Q lớp 7C, em N.Đ.M lớp 7C và đặc biệt em M. lớp trưởng lớp 7B bị chấm dưới trung bình ...Sau khi phúc tra thì điểm của các em từ 4,5 điểm nâng lên 6,5 điểm… từ Yếu lên Khá…

Kỳ 2 năm học 2019-2020, lớp của cô T.T.L giảng dạy không được giáo viên chấm điểm giỏi nào….

Học sinh đã khiếu nại đề nghị phúc tra và phát hiện ra nhiều hành vi cố tình chấm sai như không chấm đúng thang điểm, có câu đúng không được chấm điểm, khiến các em rất bức xúc và hoang mang mất niềm tin.

Những sai sót khiến cô giáo T.T.L bất ngờ và cho rằng có sự can thiệp cố tình và trù dập của Ban giám hiệu.

Cũng trong đơn thư, cô T.T.L đã tố cáo bà Phạm Thanh Hương – Hiệu trưởng nhà trường đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới thu tiền trái quy định:

Thu tiền bảo hiểm thân thể 150.000 đồng/học sinh (đây là khoản tự nguyện, nhà trường chỉ được phép thu hộ Bảo hiểm Y tế) ; Thu quỹ trường 150.000 đồng/học sinh (đã thu quỹ lớp 200.000/1 học sinh) ; Thu dạy thêm 18.000 đồng/buổi, trong khi quy định là 9.000 đồng.

Bên cạnh đó cô giáo T.T.L cho rằng mình bị xâm phạm bảng điểm điện tử, xâm phạm bảng điểm Smas để thay đổi điểm nên giáo viên này không thể biết điểm số thật giả và có thể bị truy cập thay đổi khóa mở bất cứ lúc nào.

Cô T.T.L đã đưa ra các bằng chứng cho thấy các lớp như Văn 6A, 6B, Sử 6A, B,C,D Sử 8A, B,C điểm học bạ trên Smas có sự thay đổi, cập nhật bởi quản trị viên.

Những cập nhật này dẫn đến mâu thuẫn sai lệch giữa sổ điểm cá nhân của cô T.T.L với bảng điếm Smas nhà trường và học bạ của học sinh, không đánh giá đúng chất lượng .

Đến nay sang năm học mới 2020-2021 cô T.T.L vẫn chưa thể ký học bạ năm học 2019-2020 vì những sự sai lệch đáng ngờ.

Nhiều bài kiểm tra môn Ngữ Văn cô T.T.L cung cấp cho Tạp chí Giáo dục Việt Nam cho thấy bài kiểm tra chưa rọc phách nhưng đã có điểm. Đại diện nhà trường khẳng định các bài kiểm tra đều được đánh số phách và rọc phách trước khi tiến hành chấm. Ảnh: NVCC

Nhiều bài kiểm tra môn Ngữ Văn cô T.T.L cung cấp cho Tạp chí Giáo dục Việt Nam cho thấy bài kiểm tra chưa rọc phách nhưng đã có điểm. Đại diện nhà trường khẳng định các bài kiểm tra đều được đánh số phách và rọc phách trước khi tiến hành chấm. Ảnh: NVCC

Sau khi nhận phản ánh của cô giáo T.T.L, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Hiến Nam.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thanh Hương đã phủ nhận hoàn toàn những tố cáo của cô giáo T.T.L.

Về các nội dung trao đổi cần làm rõ, ông Trịnh Xuân Bách, Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hiến Nam đã có thư điện tử gửi phóng viên.

Về nội dung cô T.T.L, cho rằng nhà trường đã không rọc phách, chấm không đúng bài kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn 7 năm học 2017-2018, Ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Hiến Nam cho rằng: các giám khảo trường Trung học cơ sở Hiến Nam chấm bài kiểm tra chất lượng Ngữ văn khối lớp 7 học kỳ I năm học 2017 -2018 đã thực hiện chấm bài kiểm tra cho 52 học sinh (phòng thi số 11) đảm bảo công bằng khách quan, có phần động viên học sinh.

Bài kiểm tra đều được đánh số phách và rọc phách trước khi tiến hành chấm.

Tuy nhiên, trong tài liệu gửi tòa soạn, cô T.T.L chụp lại bài kiểm tra cho thấy không hề rọc phách nhưng đã có điểm.

Về vấn đề cô T.T.L cho rằng mình bị xâm phạm bảng điểm, can thiệp dẫn đến bị sai lêch.

Đại diện nhà trường cho rằng, giáo viên Tin học quản trị phần mềm điểm nhà trường không có trách nhiệm cập nhật Bảng điểm trên trên hệ thống cơ sở dữ liệu Ngành mà trách nhiệm đó là của giáo viên bộ môn. (Giáo viên bộ môn đã được cấp tài khoản riêng sau khi có tài khoản riêng giáo viên bộ môn thay đổi mật khẩu, việc này đã được nêu trong nhiều cuộc họp và tin nhắn nhắc nhở trên Smas).

Do vậy, nhà trường cho rằng, không có việc bảng điểm của giáo viên bị xâm phạm.

Trong tài liệu gửi đến tòa soạn, cô T.T.L đã gửi đến nhiều hình ảnh cho thấy bảng điểm bị xâm phạm và người cập nhật cuối cùng là Quản trị viên, nhiều điểm của học sinh bị thay đổi.

Các điểm hệ số 2 và hệ số 3 của cô T.T.L có sự sai lệch so với cập nhật lần cuối bởi Quản trị viên. Ảnh: NVCC

Các điểm hệ số 2 và hệ số 3 của cô T.T.L có sự sai lệch so với cập nhật lần cuối bởi Quản trị viên. Ảnh: NVCC

Về viêc cô T.T.L cho rằng nhà trường thu tiền vượt so với quy định.

Tại buổi làm việc bà Phạm Thanh Hương cho biết, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, các phụ huynh đồng ý hỗ trợ giáo viên thêm 9.000 đồng/buổi tổng cộng là 18.000 đồng/buổi.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi đến tòa soạn, nhà trường lại cho rằng, việc thu tiền dạy thêm nhà trường thực hiện theo đúng Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên là 3000 đồng/1 học sinh/tiết (9.000đồng/buổi).

Khác với trả lời của trường Trung học cơ sở Hiến Nam, cô T.T.L đã gửi tới tòa soạn nhiều giấy tờ được cho là tiền nộp của học sinh không đúng số tiền 9.000 đồng/buổi.

Số tiền phải nộp của học sinh là 180.000 đồng/tháng/10 buổi học. Bản thân giáo viên cũng chỉ nhận được 80% của số tiền 9.000 đồng.

Học sinh phải nộp 180.000 đồng cho 10 buổi học thêm. Ảnh: NVCC

Học sinh phải nộp 180.000 đồng cho 10 buổi học thêm. Ảnh: NVCC

Đại diện nhà trường cũng phủ nhận việc triển khai thu quỹ trường mà cho rằng, Ban cha mẹ học sinh thỏa thuận thu 150.000 đồng/học sinh để thăm hỏi học sinh, giáo viên và hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động…

Nói về tiền bảo hiểm thân thể 150.000 đồng/học sinh, bà Phạm Thanh Hương cho biết, đây là khoản nhà trường thu hộ chứ không ép buộc phụ huynh học sinh phải đóng.

Do vậy, Ban giám hiệu trường Hiến Nam cho rằng mình không thu các khoản ngoài quy định.

Giấy ghi các khoản thu được cô T.T.L cung cấp ghi rõ các khoản thu và chữ ký của cô giáo chủ nhiệm ở trường Hiến Nam. Ảnh: NVCC

Giấy ghi các khoản thu được cô T.T.L cung cấp ghi rõ các khoản thu và chữ ký của cô giáo chủ nhiệm ở trường Hiến Nam. Ảnh: NVCC

Trả lời về việc nhà trường không trả tiền dạy thêm cho giáo viên T.T.L, Đại diện nhà trường cho rằng Trường Hiến Nam chi trả tiền dạy thêm học kỳ I ( theo tháng) cho các giáo viên và cán bộ quản lý có kí tên trong danh sách nhận tiền, riêng bà L. không nhận tiền dạy thêm môn Ngữ văn tại lớp 6A, 6B do không nhất trí về số buổi dạy.

Ngày 20/01/2020 nhà trường đã làm việc với bà T.T.L để thống nhất việc chi trả tiền dạy thêm cho bà L. , nhưng bà L. không nhất trí số tiền chi trả nên không nhận (Có biên bản làm việc).

Sau đó Hiệu trưởng đã chỉ đạo bộ phận kế toán, thủ quĩ nhiều lần hẹn bà T.T.L đến trường để thống nhất việc chi trả nhưng bà T.T.L đã không phối hợp. ( Số tiền dạy thêm trên hiện đang ở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước).

Do vậy đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa thể chi trả tiền dạy thêm cho bà T.T.L.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên cô T.T.L cho rằng nhà trường làm ăn khuất tất, ký nhận tiền nhưng chưa trả tiền, sau đó cô T.T.L đã làm đơn tố cáo đến Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên.

Dù Chủ tịch thành phố đã có ý kiến về việc trả lại tiền nhưng đến nay, 2 bên vẫn chưa thể giải quyết trong việc chi trả tiền thù lao dạy thêm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thành phố Hưng Yên cần vào cuộc xác minh rõ những đơn thư tố cáo của giáo viên T.T.L để giải quyết những khúc mắc, trả lại hình ảnh cho ngành giáo dục.

Trần Phương