Giáo viên tỉnh Bình Thuận vẫn chưa nhận được tiền dạy trẻ hòa nhập

09/09/2018 07:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Không hiểu vì lý do gì các trường học trong tỉnh Bình Thuận lại không được hướng dẫn thực hiện chế độ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hoà nhập?

LTS: Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết phản ánh thực tế việc giáo viên tại Bình Thuận chưa nhận được tiền dạy trẻ khuyết tật theo phương thức hoà nhập.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP (tháng 10/4/2012) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. 

Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật như sau:

1. Các đối tượng sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/ NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

b) Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục không thuộc điểm a khoản này.

Một lớp học dành cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: Báo Thanh tra.
Một lớp học dành cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: Báo Thanh tra.

2. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập không thuộc quy định tại Khoản 1 điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau:

Phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật = Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên x 0,2 x Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.

Cứ theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định thì tất cả giáo viên ở các trường phổ thông đang giảng dạy có học sinh khuyết tật đều được hưởng chế độ ưu đãi này từ năm 2012.

Chỉ tính riêng một huyện thị, số trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở có dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cũng lên tới vài chục trường.

Giáo viên tỉnh Bình Thuận vẫn chưa nhận được tiền dạy trẻ hòa nhập ảnh 2Ngày 20/11 sẽ tuyên dương 63 thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật 

Nếu tính tiền phụ cấp phải chi trả cho giáo viên kể từ ngày ban hành nghị định thì con số này không hề nhỏ.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì các trường học trong tỉnh Bình Thuận lại không được hướng dẫn thực hiện chế độ này cho giáo viên?

Điều này đã gây ra sự thiệt thòi về vật chất rất lớn cho các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý… 

Trả lời về những thắc mắc này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết:

“Bình Thuận đã và đang thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, cụ thể:

Nếu các trường không phải là chuyên biệt mà có học sinh khuyết tật theo học, để được hưởng phụ cấp đối với người dạy học cho trẻ khuyết tật theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, giáo viên dạy trẻ khuyết tật cần kiểm tra, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh, củng cố, cung cấp hồ sơ theo các quy định tại các điều tại Chương 4 “Bảo trợ xã hội” của Nghị số 28/2012/NĐ-CP.

Sau khi có đầy đủ hồ sơ, giáo viên báo cáo nhà trường để tổng hợp, báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết”. 

Thế nhưng đến nay năm học cũ đã qua, năm học mới đã bắt đầu nhưng vẫn chưa thấy các trường hướng dẫn cho giáo viên làm hồ sơ để truy nhận tiền.

Hỏi trường được trả lời chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên. Sợ rằng nó lại bị lãng quên như nhiều năm học trước.

Giáo viên chúng tôi đề nghị sẽ nhận được hồi đáp từ các cơ quan có thẩm quyền để những thầy cô đã bỏ sức giảng dạy trẻ khuyết tật hòa nhập trong những năm qua được hưởng chế độ mà lẽ ra họ xứng đáng nhận được.

Phan Tuyết