Giáo viên tiếng Anh tiểu học oải vì cánh cửa thăng hạng II quá hẹp

06/05/2021 07:06
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên chăng thông tư cần sửa lại “nhiệm vụ đang làm” thành “khả năng sẽ làm được” để tạo cơ hội cho nhiều nhà giáo chúng tôi đạt được?

Giáo viên Anh văn bậc tiểu học khó có cơ hội thăng hạng II

Trong đợt xét thăng hạng, trụ hạng lần này của giáo viên theo chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT, khá nhiều giáo viên Anh văn bậc tiểu học cho biết rất khó có cơ hội thăng hạng II.

Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh chỉ có tính minh họa, nguồn: Báo Người lao động)Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh chỉ có tính minh họa, nguồn: Báo Người lao động)

Nếu so với giáo viên cùng dạy Anh văn của bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thì giáo viên Anh văn bậc tiểu học quá thiệt thòi.

Vì sao nói giáo viên Anh văn bậc tiểu học khó được thăng hoặc trụ hạng II?

Giáo viên tiểu học hạng II ngoài việc phải có đầy đủ bằng cấp đào tạo, chứng chỉ theo quy định và số năm giữ hạng III còn phải đảm bảo đúng tiêu chí của Điều 4 trong Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.

Tại Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 quy định:

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên; (có làm)

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).[…]”

Những nhiệm vụ này chỉ có tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mới đạt được Do mỗi trường tiểu học chỉ có một giáo viên Anh văn nên phải nhiều trường trong địa bàn mới có một tổ trưởng, tổ phó phụ trách.

Đồng nghĩa với việc giáo viên Anh văn ở các trường tiểu học hiện nay rất khó có cơ hội chạm tay đến hạng II dù họ có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức.

Nhiều giáo viên đủ điều kiện đảm nhận công việc nhưng không bao giờ có cơ hội chạm tay vào hạng II

Nếu như bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, mỗi trường học sẽ có một tổ Anh văn gồm tổ trưởng, tổ phó và các thành viên thì giáo viên Anh văn bậc tiểu học gần như chỉ có một mình.

Thực tế gần như mỗi trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, trường nhiều lớp cũng chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh vẫn chưa đủ điều kiện thành lập tổ chuyên môn.

Thế là có những yêu cầu về nhiệm vụ không thực tế với giáo viên tiếng Anh tiểu học mà Thông tư đã đặt ra như “Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên.

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;”

Nói cách khác, sẽ chẳng bao giờ giáo viên tiếng Anh tiểu học có cơ hội được thực hiện các nhiệm vụ Bộ quy định cho giáo viên hạng II tiểu học, mặc nhiên không thể lên hạng II nếu thực hiện đúng thông tư.

Thầy giáo H. giáo viên dạy tiếng Anh một trường tiểu học bày tỏ những nhiệm vụ được nêu trong điều 4 không phải là chúng tôi không có khả năng làm mà không có cơ hội để đảm nhận.

Nên chăng thông tư cần sửa lại “nhiệm vụ đang làm” thành “khả năng sẽ làm được” để tạo cơ hội cho nhiều nhà giáo chúng tôi đạt được?

Thông tư về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường học hiện đang trong giai đoạn đầu tiên áp dụng vẫn không tránh khỏi những bất cập, những điều chưa hợp lý.

Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp nhất, tránh gây thiệt thòi cho quyền lợi nhà giáo mà chúng tôi đã phản ánh khá nhiều trong các bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian vừa qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết