Giáo viên thường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua chắc chắn dạy giỏi!

05/04/2021 06:48
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên có danh hiệu chiến sĩ thi đua, phải khẳng định họ rất dũng cảm, có thực lực, dám công khai cạnh tranh với “cây đa, cây đề” ngay từ khi đăng kí thi đua.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Không phải cứ đạt Chiến sĩ thi đua chắc chắn là giáo viên giỏi” của tác giả Đỗ Quyên, người viết nhận được chia sẻ của nhiều bạn đọc và đồng nghiệp.

Tựu trung lại có ba luồng ý kiến:

Thứ nhất: “Muốn đạt chiến sĩ thi đua phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp huyện.

Dù người nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua giữ chức vụ hay không, họ cũng xứng đáng là giáo viên dạy giỏi”.

Thứ hai: “Có thể trước khi lên được chức vụ có hệ số phụ cấp họ là giáo viên dạy giỏi.

Nhưng sau một thời gian công tác, không còn cập nhật kiến thức, trau dồi chuyên môn, bằng lòng với thực tại, chuyên môn nó cũng mờ dần, dù có là chiến sĩ thi đua, nhưng bây giờ không thể là giáo viên dạy giỏi nữa”.

(Ảnh minh hoạ: Vndoc.vn)

(Ảnh minh hoạ: Vndoc.vn)

Thứ ba: “Nếu là giáo viên đang đứng lớp, không chức tước gì, là chiến sĩ thi đua, khẳng định ngay, họ là giáo viên dạy giỏi”.

Tại sao giáo viên đang đứng lớp, không chức tước gì, là chiến sĩ thi đua, khẳng định ngay, họ là giáo viên dạy giỏi?

Để có danh hiệu chiến sĩ thi đua, trước khi vào Hội nghị viên chức đầu năm, mỗi giáo viên đều phải là một động tác, đó là đăng kí thi đua trên biểu mẫu của nhà trường, đây là “vòng gửi xe” của xếp loại thi đua trong năm học mới.

Thực tế, ít giáo viên nào dám đặt bút đánh dấu vào ô Chiến sĩ thi đua. Luật bất thành văn, cái danh hiệu chiến sĩ thi đua “cao quý” đó chỉ dành cho “cây đa, cây đề” trong trường mà thôi.

Vì thế, giáo viên có danh hiệu chiến sĩ thi đua, phải khẳng định họ rất dũng cảm, có thực lực, dám công khai cạnh tranh với “cây đa, cây đề” ngay từ khi đăng kí thi đua đầu năm.

Khi đặt bút đăng kí danh hiệu chiến sĩ thi đua đầu năm, giáo viên phải phấn đấu gấp nhiều lần so với “cây đa, cây đề”, quá trình công tác của họ sẽ được “chăm sóc”, theo dõi cẩn thận.

Cửa ải thứ hai giáo viên không chức tước gì phải vượt qua là Sáng kiến kinh nghiệm.

Sáng kiến kinh nghiệm của họ phải đảm bảo là sáng kiến thật, không sao chép/mua bán trên mạng, nội dung, hình thức văn bản phải tuyệt đối chỉn chu, người “khó tính nhất” đọc xong cũng phải đồng ý.

Thành tích, kết quả công tác của giáo viên không chức tước gì phải vượt trội, không thể phủ nhận, ai nhìn cũng thấy được, có như thế giáo viên không chức tước gì mới được Hội đồng thi đua cấp trường xếp vào danh sách, trình lên cấp trên.

Vì thế, có thể khẳng định, giáo viên không chức tước gì được công nhận là chiến sĩ thi đua, là giáo viên dạy giỏi, giáo viên giỏi.

Thế nhưng, có một thực tế khác, cũng có những giáo viên “làng nhàng”, được lòng lãnh đạo, có ô dù che chở, được “cơ cấu” thế là cứ “vô tình” nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, ba năm sau lại chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...

Cứ thế, con đường “thi đua”, con đường “quan lộ” của đối tượng này cực kì “hanh thông” mà ở đâu đó giáo viên chúng ta thấy, không phải là không có.

Vì thế, không ít giáo viên đùa vui “Thi đua là thua đau”, nhưng người viết vẫn khẳng định “Thi đua là yêu nước”, trong trường học, thi đua là yêu nghề, yêu học trò.

Danh hiệu cao quý nhất của giáo viên không phải được in trên tờ A4; Danh hiệu cao quý nhất của giáo viên chính là sự tin yêu của học trò, của phụ huynh.

Danh hiệu giáo viên được ghi nhận, in đậm trong sự tin yêu của học trò, của phụ huynh, giáo viên sẽ nhận thưởng suốt đời, đó mới là phần thưởng cao quý nhất của nhà giáo.

Vì thế, thầy cô giáo cứ thi đua, dạy thật tốt, xứng đáng là tấm gương cho học trò noi theo, có thể hôm nay chưa nhận được danh hiệu thi đua mong muốn, nhưng mai sau nhận phần thưởng quý giá từ học trò cũ.

Lê Mai