Giáo viên thi thăng hạng II phải thuộc gần 20 văn bản luật, nhưng để làm gì

13/03/2022 06:43
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên THPT thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II phải nắm khoảng 20 văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục.

Ngày 31/12/2021, Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ Quảng Trị đăng tải Thông báo tài liệu ôn tập thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II năm 2021.

Theo đó, Hội đồng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II tỉnh Quảng Trị năm 2021 thông báo tài liệu ôn tập, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II như sau:

Môn kiến thức chung

Nội dung ôn tập: Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (Điều 2).

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Chương III).

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (Chương I; Mục 3 Chương II; Điều 16, 19, 20, 21, 22 Chương III).

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Chương I; Mục 1, 3 Chương II; Mục 4 Chương III; Chương IV).

Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (Điều 3, 4, 5).

Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 08/6/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009.

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Hình thức thi: trắc nghiệm; số lượng câu hỏi: 60 câu hỏi; thời gian làm bài thi: 60 phút.

Giáo viên trung học phổ thông thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II phải nắm khoảng 20 văn bản liên quan đến luật. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thùy Linh)

Giáo viên trung học phổ thông thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II phải nắm khoảng 20 văn bản liên quan đến luật. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thùy Linh)

Môn nghiệp vụ chuyên ngành

Nội dung ôn tập: Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Mục II, III, VI, VII Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (Điều 1, 2, 4, 6, 9, 10, 11 Chương I; Điều 12, 13, 14 Chương II).

Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập (Điều 1, 2 Chương I; Điều 4 Chương II).

Hình thức thi: thi viết; thời gian thi: 180 phút.

Đừng biến giáo viên thành chuyên gia luật

Cá nhân người viết cho rằng, việc yêu cầu giáo viên phải nắm gần 20 văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục là vô bổ vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục chủ yếu dành cho cơ quan quản lí giáo dục (sở/phòng giáo dục) và lãnh đạo đơn vị (hiệu trưởng, hiệu phó).

Cũng có thể, chủ tịch công đoàn, thành viên ban thanh tra nhân dân, thành viên hội đồng trường, tổ trưởng chuyên môn cần nắm thêm một số văn bản liên quan đến luật để tư vấn thêm cho lãnh đạo cũng như bảo vệ chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên khi cần.

Thứ hai, thời cách mạng Công nghệ 4.0, chỉ cần một cái nhấp chuột là giáo viên có thể tìm bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào trên mạng Internet - nếu cần.

Việc yêu cầu giáo viên phải thuộc (thi trắc nghiệm và thi viết) các văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục chỉ tốn thời gian, công sức mà thôi.

Hơn nữa, ngành giáo dục luôn hô hào chuyển số - điều này được phản ánh qua một số bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như Chuyển đổi số đang ngày càng giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục ngày 21/12/2020; Ngành giáo dục và đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý ngày 15/1/2022... - thì giáo viên không cần phải thuộc luật.

Thứ ba, không phải giáo viên nào (kể cả lãnh đạo) cũng hiểu hết các văn bản quy phạm pháp luật vì thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Minh chứng sống là, kể từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mỗi nơi làm một kiểu khiến giáo viên rất thiệt thòi.

Cá nhân người viết đã tốt nghiệp trung cấp chính trị - hành chính với thời gian học 1,5 năm nhưng đôi khi đọc một số văn bản quy phạm pháp luật (của ngành giáo dục) cũng cảm thấy khó hiểu.

Tôi phải hỏi chuyên gia luật hoặc tham khảo tư vấn pháp luật trên một số trang web chuyên về luật mới rõ - nói gì đến giáo viên chỉ thuần làm công tác giảng dạy.

Thứ tư, theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, thì giáo viên chủ yếu làm một số nhiệm vụ như sau (trích):

"Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng."

Thứ năm, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập không có điều, khoản nào yêu cầu giáo viên hạng II phải nắm luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục.

Chẳng hạn, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ (trích): làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử...

Tôi cho rằng, giáo việc được thăng hạng cốt yếu phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và có đạo đức tốt thì mới đào tạo được nhiều học sinh thành con ngoan, trò giỏi.

Đừng biến giáo viên thành chuyên gia luật bằng việc yêu cầu thầy cô phải thuộc hàng loạt văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục - chỉ hoài công vô ích.

Tài liệu tham khảo:

https://noivuquangtri.gov.vn/cong-chuc-vien-chuc/thong-bao-tai-lieu-on-tap-thi-thang-hang-cdnn-giao-vien-thpt-hang-ii-nam-2021-718.html?fbclid=IwAR0GqPU_78boJr-yEacN5-suFMUM04ThoPX2i1tbNPb-U_17WSipxry9jeo

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/26308/nhiem-vu-cua-giao-vien-mam-non-tieu-hoc-thcs-thpt

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên