Giáo viên soạn giáo án 5512 khổ một, tổ trưởng chuyên môn khổ mười

20/06/2021 07:15
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề cần quan tâm là học sinh học như thế nào, giáo viên dạy như thế nào, hiệu quả học tập ra sao? Chứ không phải quan tâm giáo án soạn cái gì đủ bước không.

Một trong những vấn đề mà giáo viên quan tâm hiện nay là giáo viên phải soạn giáo án (kế hoạch giảng dạy) theo Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu soạn theo đúng mẫu quy định của một bài quy định trong giáo án trên sẽ rất dài dòng tốn rất nhiều thời gian, giấy mực,… trong khi công việc của giáo viên trong giai đoạn tới sẽ vô cùng vất vả do đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Một giáo án soạn theo đúng quy định ngoài các nội dung khác thì về Tiến trình dạy học gồm nhiều hoạt động mỗi hoạt động đảm bảo các phần: Mục tiêu; Nội dung; Sản phẩm; Tổ chức thực hiện.

Đây chính là phần nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất, mục đích giảng dạy là việc để cho giáo viên trở thành một người truyền tải kiến thức, truyền cảm hứng đến cho người học, tiết nào, hoạt động nào, môn nào cũng theo khuôn mẫu sẽ sinh ra nhàm chán, gây tác dụng ngược.

Trong khi đó, quy định của Công văn 5512 tất cả các môn học kể cả môn Âm nhạc, Thể dục,… cũng phải soạn theo mẫu.

Giáo viên dạy không cần giáo án được hay không? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên dạy không cần giáo án được hay không? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên dạy có cần giáo án?

Việc thiết kế soạn giáo án theo Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu áp dụng cho chương trình mới là không phù hợp, nó khuôn mẫu, áp đặt, dài dòng và không thực tế vì có thể có giáo viên không chỉ dạy 1 lớp mà dạy 10 lớp mà cùng 1 giáo án là phi thực tế.

Người viết cho rằng, đánh giá học sinh có đạt mục tiêu bài học hay không không phải dựa vào giáo án hay soạn đủ các bước hay không mà phải kiểm tra học sinh đạt hay không.

Hiểu cho đơn giản giáo án chính là thiết kế tiến trình thực hiện bài dạy của giáo viên để thực hiện các bước dạy sao cho hiệu quả.

Trước khi lên lớp, cần thiết có giáo án và giáo án nên được thiết kế ngắn gọn, thay đổi theo từng đối tượng học sinh và không cần thiết theo khuôn mẫu, cũng không phải là để cho các cấp kiểm tra, thanh tra, nó là các bước để giáo viên dạy tốt.

Do đó, để giáo viên tập trung cho việc giảng dạy một cách hiệu quả, mục tiêu nên được thiết kế trong sách giáo khoa hoặc sách giáo viên còn việc đánh giá giáo viên không cần dựa vào giáo án mà dựa vào học sinh.

Người viết đề xuất khi thanh tra, kiểm tra không nên dựa vào hồ sơ giáo viên khiến giáo viên làm đẹp hồ sơ mà nên kiểm tra học sinh học cái gì, đạt được cái gì, hiệu quả của học sinh ra sao,…

Nếu chỉ kiểm tra giáo án thì sẽ có nhiều giáo viên cố gắng làm cho giáo án đẹp, sạch, có nhiều trang để đối phó, còn việc dạy trên lớp ít được quan tâm hơn.

Có nhiều giáo viên sao chép, mua bán giáo án trên mạng chỉ để đối phó thanh, kiểm tra đôi khi giáo viên cũng không đọc đến, còn việc thực dạy thì từng đối tượng học sinh có cách linh động giải quyết khác nhau, cách hướng dẫn trình bày khác nhau, không thể theo khuôn mẫu.

Do đó, vấn đề cần quan tâm là học sinh học như thế nào, giáo viên dạy như thế nào, hiệu quả học tập ra sao? Chứ không phải quan tâm giáo án soạn cái gì đủ các bước không, soạn đủ các bước mà dạy cho có thì có soạn cũng như không.

Người viết cho rằng, mục tiêu nên thể hiện trên sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên, nhiệm vụ giáo viên là cố gắng học hỏi, sáng tạo và dạy kiểu nào cho học sinh đạt hiệu quả mà không cần phải soạn giáo án cả chục trang theo khuôn mẫu, áp đặt.

Không chỉ phụ lục IV, phụ lục I, II, III cũng không hợp lý

Ngoài giáo án hiện nay có rất nhiều việc khi thực hiện theo nguyên tắc khuôn mẫu, “cầm tay chỉ việc” trong giáo dục khiến giáo dục trở nên gò bó, sức sáng tạo của giáo viên giảm sút nên hiệu quả cũng không cao.

Cởi trói cho giáo viên thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu phương pháp mới cũng là một trong những mục tiêu của giáo dục để hướng đến điều tốt đẹp cho học sinh.

Không chỉ có kế hoạch giảng dạy (giáo án) ở phụ lục IV Công văn 5512 khuôn mẫu, những phụ lục III (kế hoạch của giáo viên), phụ lục II (kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn), phụ lục I (Kế hoạch dạy học của tổ) cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, giấy mực và còn dài hơn, do sẽ thực hiện cho cả tổ mà mỗi tổ lại có thể có nhiều môn ghép,…

Việc thực hiện các loại hồ sơ này sẽ vô cùng vất vả, tuy nhiên việc soạn các kế hoạch trên mục đích chỉ là đối phó kiểm tra không có tác dụng gì cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Trong bài viết tôi xin trích nội dung mà tổ trưởng trong phụ lục I – Kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn của môn học/hoạt động giáo dục.........................., khối lớp............

Chỉ là kế hoạch dạy học của một môn của một khối lớp mà nội dung thực hiện phải gồm các bước sau:

I. Đặc điểm tình hình

1. Số lớp: ..................; Số học sinh: ...................; Số học sinh học chuyên đề lựa chọn (nếu có):……………

2. Tình hình đội ngũ: Số giáo viên:...................; Trình độ đào tạo: Cao đẳng: ........ Đại học:...........; Trên đại học:.............

Mức đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên : Tốt:.............; Khá:................; Đạt:...............; Chưa đạt:........

3. Thiết bị dạy học:(Trình bày cụ thể các thiết bị dạy học có thể sử dụng để tổ chức dạy học môn học/hoạt động giáo dục)

STT

Thiết bị dạy học

Số lượng

Các bài thí nghiệm/thực hành

Ghi chú

4. Phòng học bộ môn/phòng thí nghiệm/phòng đa năng/sân chơi, bãi tập (Trình bày cụ thể các phòng thí nghiệm/phòng bộ môn/phòng đa năng/sân chơi/bãi tập có thể sử dụng để tổ chức dạy học môn học/hoạt động giáo dục)

STT

Tên phòng

Số lượng

Phạm vi và nội dung sử dụng

Ghi chú

II. Kế hoạch dạy học

1. Phân phối chương trình

STT

Bài học (1)

Số tiết (2)

Yêu cầu cần đạt (3)

2. Chuyên đề lựa chọn (đối với cấp trung học phổ thông)

STT

Bài học (1)

Số tiết (2)

Yêu cầu cần đạt (3)

3. Kiểm tra, đánh giá định kỳ

Bài kiểm tra, đánh giá

Thời gian (1)

Thời điểm (2)

Yêu cầu cần đạt(3)

Hình thức (4)

Giữa Học kỳ 1





Cuối Học kỳ 1





Giữa Học kỳ 2





Cuối Học kỳ 2





(Trích phụ lục I – Công văn 5512 Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhìn vào phụ lục 1 trên, các tổ trưởng chuyên môn “choáng váng”, một tổ ghép gồm 3 môn và 4 khối lớp ở trung học cơ sở phải thực hiện 12 quyển kế hoạch này theo hướng dẫn trên, còn kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (phụ lục III) cũng phức tạp như trên, sao chép của giáo viên, không có hiệu quả nhưng các tổ trưởng phải làm để đối phó với việc thanh, kiểm tra.

Những kế hoạch thực hiện bài dạy, quy định thời điểm dạy,… đã thể hiện trong phân phối chương trình, giáo viên chỉ dựa vào phân phối chương trình để dạy tốt mà không cần phải thực hiện một tiết dạy hơn cả chục trang giấy (kế hoạch giảng dạy, kế hoạch giáo dục cá nhân rồi sao chép đưa vào kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn,…).

Nếu giáo viên nhất là giáo viên làm tổ trưởng bộ môn chỉ cần thực hiện đủ 4 phụ lục trong Công văn 5512 thì sẽ không còn thời gian để giảng dạy tốt.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt áp lực hồ sơ sổ sách để giáo viên tập trung chuyên tập trung vào dạy thật để học sinh “học thật, thi thật, nhân tài thật” là một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục hiện nay, giảm bớt hồ sơ không cần thiết là điều rất đáng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.

Do đó, người viết một lần nữa rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét lại việc thực hiện các phụ lục trên, những gì không cần thiết nên được bãi bỏ và thay thế bằng điều hợp lý hơn.

NHẬT KHOA