Giáo viên sẽ trực tết, trực hè như thế nào cho hợp lý?

12/01/2020 06:44
BÙI NAM
(GDVN) - Việc các trường phân công giáo viên trực không công là sai và hiệu trưởng nào phân công giáo viên trực mà không trả tiền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vấn đề trực tết, trực hè của giáo viên là đề tài tranh cãi muôn thuở và khó đi đến hồi kết, ban giám hiệu có cái lý của ban giám hiệu, giáo viên có lý của giáo viên.

Trường thì khó có thể bỏ không ai trực mà phân công trực thì phân công ai? Tiền đâu để trả?

Phân công giáo viên trực không công trong ngày nghỉ là sai

Trước hết tôi phải khẳng định, việc phân công giáo viên trực trong ngày nghỉ được quy định là các ngày tết dương lịch (01/01); tết âm lịch (tùy quy định của địa phương nhưng phải đảm bảo khung thời gian do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định); ngày lễ (30/4, 01/5, 02/9); ngày nghỉ hè 2 tháng (từ 01/6 đến 31/8 hàng năm) rõ ràng là sai quy định không cần bàn cãi.

Bởi, theo quy định giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông thì thời gian làm việc là 42 tuần được nghỉ 02 tháng hè, các ngày nghỉ lễ theo quy định.

Như vậy, đã rõ việc các trường phân công giáo viên trực không công rõ ràng là sai và hiệu trưởng nào phân công giáo viên trực mà không trả tiền làm việc đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giáo viên sẽ trực tết, trực hè trong nhà trường như thế nào cho hợp lý? (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Giáo viên sẽ trực tết, trực hè trong nhà trường như thế nào cho hợp lý? (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Hiệu trưởng đã ký tên đóng dấu mộc đỏ về phân công giáo viên trực, được bao nhiêu giáo viên có ý kiến về cấp cao hơn hay khởi kiện đòi quyền lợi.

Không phải giáo viên không dám nhưng làm như vậy ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hiệu trưởng, uy tín tập thể và mất đoàn kết nội bộ…nên nhiều giáo viên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” dù biết hiệu trưởng sai mười mươi.

Tôi không hiểu vai trò của các cơ quan quản lý hành chính về giáo dục ở đâu trong việc rất nhiều nơi ép giáo viên trực hè, tết, lễ không công từ năm này đến năm khác.

Cấp quản lý phải có văn bản rõ ràng, ràng buộc và mang tính pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện theo, không để như hiện nay có nơi trực, nơi không trực, nơi trả tiền, nơi không…rất bất công.

Tiền đâu để trả cho giáo viên trực hè, lễ, tết

Như đã chia sẻ ở phần trên, nếu hiệu trưởng dùng quyền lực của mình ép giáo viên trực không công thì giáo viên có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.

Nhưng, cũng phải thông cảm cho hiệu trưởng các trường. Nếu chi trả chế độ đầy đủ cho giáo viên trực thì dùng nguồn tiền nào để trả? Nếu không khéo thì nhà trường sẽ không còn kinh phí hoạt động theo việc tự chủ tài chính các trường.

Nếu chi trả tiền trực thì chúng ta thử hình dung mỗi năm học trường học phải chi trả bao nhiêu cho tiền trực trên.

Trước hết là trực hè, thì thời gian nghỉ là 02 tháng (60 ngày) mỗi ngày ít nhất có 2 giáo viên trực, nếu chỉ tính tiền làm việc bình thường là khoảng 200.000 đồng/người/ngày x 2 người mỗi ngày x 60 ngày thì con số trên dưới 24.000.000 đồng (hai mươi bốn triệu đồng) chưa tính ngày thứ 7, chủ nhật phải trả tiền gấp đôi.

Trực Tết có chế độ tăng giờ, thầy cô nào từ chối không?
Trực Tết có chế độ tăng giờ, thầy cô nào từ chối không?

Ngày tết âm lịch, dương lịch tôi tạm tính là 10 ngày x 2 người x 400.000 đồng (tết tiền trực phải tăng lên gấp đôi) cũng tạm tính trên dưới 8.000.000 đồng (tám triệu đồng).

Bên cạnh còn một số ngày lễ, nghỉ khác, nếu tính tất cả thì số tiền chi trả cho mỗi năm là không nhỏ, chưa tính tiền trực đêm….

Để có thể hình dung về tài chính của trường tôi xin được nêu sơ qua về tài chính của trường gồm 2 khoản cơ bản: trong khoán (chi lương, phụ cấp, hoạt động, mua sắm thường xuyên,…) và khoản ngoài khoán (chi mua sắm bổ sung, chi công việc đột xuất…).

Về kinh phí ngoài khoán là do cơ chế tự chủ của trường, kinh phí từ việc cho thuê căn tin, giữ xe, khuôn viên trường, dạy thêm học thêm,…sau khi nộp về ngân sách của địa phương sẽ được chi một phần kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cần thiết…

Thực tế hiện nay nguồn kinh phí ngoài khoán tại các trường ở các vùng khó khăn rất ít nên nếu dùng kinh phí này để chi trả cho tiền trực của giáo viên là không thể.

Nếu dùng kinh phí trong khoán thì không thể lấy quỹ lương (nhiều nhất trong kinh phí nhà trường) bởi vì quỹ chi lương có công thức tính nhất định sẽ khó mà dư kinh phí từ quỹ lương để chi trả cho tiền trực, nếu lấy từ quỹ hoạt động thực chất là quỹ phúc lợi (thường gọi là quỹ tiết kiệm để chi tăng thu nhập giáo viên) thì sẽ rất khó để chi, nếu chi hết quỹ trên thì không khéo đến tháng 12 hết phần kinh phí để hoạt động, tức là giáo viên sẽ không còn quỹ để chi tăng thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Đây là điều rất khó đau đầu cho cả hiệu trưởng, giáo viên?

Vậy sắp xếp trực trường ra sao?

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải tính tới là hạn chế tiến đến việc chấm dứt trực trong ngày nghỉ trong quy định của giáo viên.

Lý do tôi đưa ra ý kiến không nên phân công giáo viên trực hè, tết vì thực chất giáo viên trực rất tốn thời gian, không hề giải quyết công việc gì của trường, có chăng là nghe điện thoại rồi phải điện thoại báo lại lãnh đạo trực rất phiền phức.

Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết?
Tóm lại, ai sẽ là người trực Tết?

Vậy sao trong thời gian nghỉ các cơ quan cần liên hệ công việc (rất ít) thì cứ liên hệ trực tiếp lãnh đạo nhà trường qua số điện thoại, mail, văn phòng điện tử…để lãnh đạo tiếp nhận và xử lý trực tiếp.

Nhà trường cần xây dựng quy chế, thuê mướn nhân viên cho đầy đủ (bảo vệ, tạp vụ) đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, các trường học cần xây dựng nhà trường cao ráo, an ninh gắn hệ thống camera đầy đủ để kiểm tra khi cần thiết.

Cụ thể, trong thời gian nghỉ hè ban giám hiệu kết hợp các nhân viên nhà trường sắp xếp lịch trực cho phù hợp, sắp xếp ngày nghỉ cho bảo vệ, tạp vụ sau đó cho họ trực bù vào chủ nhật.

Vào ngày tết cận kề có thể cho ban giám hiệu, bảo vệ, tạp vụ trực thường xuyên sau đó cho nghỉ vài ngày, trong các ngày bảo vệ, tạp vụ nghỉ có thể trả tiền trực và phân công một số giáo viên gần trường hoặc giáo viên có nhu cầu trực để có thu nhập các buổi trên.

Để hiệu trưởng sắp xếp trực cho đúng quy định tránh thắc mắc, kiện tụng phức tạp điều cần bây giờ là các nhà quản lý ban hành quy định chặt chẽ cho các cơ sở giáo dục nếu hiệu trưởng nào vi phạm phải kỷ luật nghiêm minh hiệu trưởng thì sẽ chấm dứt tình trạng o ép giáo viên trực không công như hiện nay. Nếu phân công trực phải trả tiền theo Luật Lao động.

Phải có chế tài nghiêm khắc để các hiệu trưởng nghiêm túc chấp hành, chứ hiệu trưởng phân công trực giáo viên nào dám từ chối.

BÙI NAM