Giáo viên sẽ không được chi thu nhập tăng thêm là thông tin không chính xác

04/02/2022 07:05
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tin kể từ năm 2022 giáo viên không được chi thu nhập tăng thêm là thông tin không chính xác, có phần gây hoang mang cho giáo viên.

Việc chi thu nhập tăng thêm 2021 cho giáo viên ở tất cả các địa phương trên cả nước đã hoàn tất, tuy nhiên có điều đáng tiếc là vẫn có nhiều đơn vị giáo viên không được chi thu nhập tăng thêm vì những lý do khách quan lẫn chủ quan.

Hiện nay nhiều giáo viên trên cả nước truyền tai nhau thông tin kể từ năm 2022 giáo viên cũng như các viên chức khác sẽ không được chi thu nhập tăng thêm cuối năm, do sẽ áp dụng quy định mới tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, thông tin kể từ năm 2022 giáo viên không được chi thu nhập tăng thêm là thông tin không chính xác, có phần gây hoang mang cho giáo viên.

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong bài viết dưới đây, tôi xin làm rõ thông tin trên như sau:

Quy định mới về chi thu nhập tăng thêm

Tại khoản 3, Điều 30, Mục 2, Chương III Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về Phân phối kết quả tài chính trong năm như sau:

"a) Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14, Điều 18 và Điều 22 Nghị định này.”

Theo đó, quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

Điều 14 Mục 1 Chương II quy định về phân phối kết quả tài chính trong năm:

"1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:

a) Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Trích tối thiểu 25%;

b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; […]

2. Sử dụng các Quỹ

[…] b) Quỹ bổ sung thu nhập: Để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm. Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác".

Quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) như sau:

Điều 18 Mục 2 Chương II quy định về Phân phối kết quả tài chính trong năm:

"Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:

1. Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp […]

2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị. […]"

Quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4)

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 22, Mục 3, Chương II quy định đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

"Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;[…]”

Quy định về cách xác định nhóm 1, 2, 3, 4 trong đơn vị sự nghiệp công

Để xác định nhóm 1, 2, 3, 4 trong đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ quy định tại Điều 9.

Cụ thể, phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công quy định như sau:

“1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;

b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Từ những thông tin trên, đối với trường học là các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thì sẽ xác định mức độ tự chủ (hay còn gọi là đơn vị nhóm mấy – nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4) để biết sẽ thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm như thế nào:

+ Đối với đơn vị sự nghiệp nhóm 1 và nhóm 2, sẽ thực hiện phân phối tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14;

+ Đối với đơn vị sự nghiệp nhóm 3 sẽ thực hiện phân phối tài chính trong năm theo quy định tại Điều 18;

+ Đối với đơn vị sự nghiệp nhóm 4, sẽ thực hiện phân phối tài chính trong năm theo quy định tại Điều 22.

Như vậy, nhìn chung các quy định trên sẽ được trích lập quỹ bổ sung thu nhập (đối với đơn vị nhóm 1, 2, 3) hoặc chi bổ sung thu nhập (đối với đơn vị nhóm 4) nếu tiết kiệm được từ kinh phí của đơn vị sự nghiệp đó.

Do đó, nếu đơn vị trường học của mình có kinh phí tiết kiệm được thì mình thực hiện trích lập theo quy định để thực hiện chi tiền lương bổ sung hoặc tăng thêm cho giáo viên tùy theo quy định trường học thuộc nhóm 1, 2, 3 hoặc 4.

Vì thế, giáo viên yên tâm, từ năm 2022 nếu đơn vị có kết dư thì vẫn được chi thu nhập tăng thêm cuối năm theo quy định trên mà không phải thông tin không được chi thu nhập tăng thêm từ năm 2022 như một số thông tin gần đây.

Tài liệu tham khảo:

https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=203429

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM