Giáo viên rất muốn dạy thật, nhưng ai đánh giá, ghi nhận và bảo vệ họ?

21/05/2021 06:30
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉ lệ học sinh yếu kém nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc giáo viên bị xếp loại viên chức ở mức thấp, không được xét thi đua và còn có nhiều phiền toái đi kèm.

Thời điểm này, nhiều trường học bắt đều thực hiện việc xếp loại viên chức và xét thi đua cho đơn vị mình- đây được xem là một trong những công việc quan trọng bởi hồ sơ xếp loại viên chức được lưu trong hồ sơ cá nhân của giáo viên.

Những cá nhân được xét thi đua ở các danh hiệu cao không chỉ có thêm quyền lợi mà những danh hiệu đó cũng tạo cho giáo viên nhiều lợi thế trong quá trình công tác và xét tăng lương trước thời hạn sau này.

Tuy nhiên, có một thực tế là đối với những trường không phải là trường chuyên, trường điểm thì nhiều giáo viên “dạy thật, đánh giá thật” kết quả học tập của học trò thì bị xếp loại ở mức thấp hơn.

Những người dễ dãi, cho điểm thoáng thì lại được xếp loại ở mức cao. Vì thế, trong trường học có những giáo viên chạy đua với tỉ lệ học sinh khá, giỏi và rất ít khi để học sinh ở mức điểm yếu kém.

Bởi, tỉ lệ học sinh yếu kém nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc giáo viên bị xếp loại viên chức ở mức thấp, không được xét thi đua và còn có nhiều phiền toái đi kèm.

Xét viên chức, xét thi đua giáo viên đang lấy điểm số của học trò làm thước đo

Năm học này là năm đầu tiên các đơn vị trường học thực hiện việc phân loại viên chức theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên cách hiểu của mỗi Ban giám hiệu nhà trường cũng rất khác nhau.

Có trường học tương đối thoáng trong cách xếp loại viên chức vì năm nay tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm đã không còn trong tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Nhưng, cũng có những trường lại xiết rất chặt và lấy tỉ lệ học sinh giỏi và học sinh yếu kém làm thước đo khi xếp loại viên chức cho giáo viên. Một số trường học căn cứ máy móc vào điểm b của khoản 1 ở các Điều 12, 13, 14 của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP để xếp loại viên chức trong đơn vị mình.

Đó là, khi xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì giáo viên phải: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức”.

Xếp loại chất lượng viên chức ở mức ‘Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì giáo viên phải: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả”.

Còn xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” thì: “các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp”.

Một số Ban giám hiệu lý giải rằng với hướng dẫn như vậy thì những giáo viên đã đăng ký chỉ tiêu trong kế hoạch cá nhân đầu năm của mình về tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh yếu bao nhiêu nếu vượt thì được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Nếu tỉ lệ học sinh giỏi, và yếu kém bằng chỉ tiêu đăng ký đầu năm thì xếp ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và nếu không đạt được chỉ tiêu đăng ký đầu năm thì đương nhiên giáo viên đó phải xếp ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhưng, điều tréo ngoe là chỉ tiêu mà giáo viên đã đăng ký trong kế hoạch cá nhân của mình không phải là do giáo viên tự nguyện đăng ký mà đây là tỉ lệ mà Ban giám hiệu nhà trường đã “ấn định” từ đầu năm học.

Tỉ lệ này được Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào tỉ lệ đạt được của từng tổ chuyên môn trong năm học trước, cộng với tỉ lệ bình quân của huyện, của tỉnh ở năm học vừa qua làm số liệu giao chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn mà nhiều khi không cần căn cứ vào thực tế của đơn vị mình.

Khi Ban giám hiệu giao chỉ tiêu trong ngày Hội nghị viên chức đầu năm thì bắt buộc giáo viên trong các tổ chuyên môn phải lấy số liệu này làm tỉ lệ đăng ký chỉ tiêu cho mình trong năm học.

Cuối năm học, nếu gặp lớp giỏi thì đương nhiên chỉ tiêu này có thể đạt được, nếu không thì tỉ lệ học sinh giỏi thấp hơn chỉ tiêu đề ra và tỉ lệ học sinh yếu kém sẽ cao hơn chỉ tiêu đăng ký.

Khi tỉ lệ học sinh yếu kém cao hơn, tỉ lệ học sinh giỏi thấp hơn đăng ký đầu năm thì giáo viên bị xếp ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” mà ở mức này thì đương nhiên không giáo viên nào muốn…nhận.

Bởi, phải được xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì mới được xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, được xét viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì mới được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.

Những danh hiệu này gắn liền với quyền lợi thiết thực của giáo viên và nó còn được lưu vào hồ sơ cá nhân trong quá trình công tác tại đơn vị hoặc thuyên chuyển công tác sang đơn vị khác.

Vì thế, học sinh yếu kém được một số giáo viên đẩy lên trung bình, loại trung bình đẩy lên khá, loại khá đẩy lên giỏi cho đạt chỉ tiêu mà Ban giám hiệu giao đầu năm. Một khi giáo viên cứ “đẩy” lên như vậy thì còn đâu là “dạy thật, học thật, nhân tài thật” được?

Nhưng, nếu giáo viên nào dám làm được như vậy thì đương nhiên được khen thưởng.

Những giáo viên nào dạy thật, đánh giá thật, nghiêm túc trong giảng dạy, gác kiểm tra và cho điểm học trò thì khó đạt được chỉ tiêu đã đăng ký và đương nhiên là họ phải ngậm ngùi không được xét thi đua.

Bởi, mỗi lớp chỉ cần 3-4 học sinh bị điểm tổng kết yếu là xem như đã có trên dưới 10% học sinh yếu kém- con số này đủ để loại hết mọi danh hiệu của người thầy mà thực tế thì mỗi lớp mà có chừng ấy học sinh yếu kém đã là mừng cho thầy cô lắm rồi.

Chính vì thế, tỉ lệ học sinh giỏi ngày càng nhiều, danh hiệu khen thưởng học sinh ngày càng lắm nhưng có bao nhiêu học sinh giỏi thật trong những trường đại trà thì ai cũng biết.

Dạy thật, học thật phải thay đổi từ rất nhiều phía

Dân gian có câu: “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm” và câu này được nhiều giáo viên bây giờ nói chệch lại rằng: “làm thật ăn cháo, làm láo thì được khen” vì nhiều giáo viên dạy thật, đánh giá thật học trò thường bị chê trách, bị thua thiệt trong xét thi đua.

Chúng tôi cho rằng muốn phát huy việc “dạy thật, học thật” thì một số văn bản hiện nay cần phải được nghiên cứu thấu đáo để sửa đổi.

Giao chỉ tiêu là tốt, đăng ký chỉ tiêu cũng là phù hợp nhưng hãy để giáo viên tự nguyện đăng ký chỉ tiêu của mình. Giáo viên họ sẽ nắm được chất lượng thực tế của học trò như thế nào, họ sẽ biết đăng ký chỉ tiêu phù hợp với thực tế lớp họ dạy.

Học sinh bây giờ có nhiều em cực giỏi, cực thông minh nhưng cũng đan xen nhiều em không chịu học hành, kệ mặc tương lai vì nhiều em thừa hiểu rằng dù học dở cỡ nào thì các em cũng “không có cửa” ở lại lớp.

Các em được nhiều thầy cô nâng đỡ, bởi mỗi lớp học có tới hơn chục môn học. Thầy này khó, sẽ có cô khác dễ, thoáng trong việc gác kiểm tra và cho điểm.

Vì thế, ngành giáo dục chỉ “dạy thật, học thật” khi lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương nhìn vào thực tế của địa bàn, đơn vị mình phụ trách, đề ra kế hoạch phù hợp và họ phải thực sự là người “nói không với bệnh thành tích”.

Các văn bản xét viên chức, xét thi đua cũng đừng quá nặng về chỉ tiêu, quá ràng buộc vào thành tích vì nếu gài thành tích giảng dạy vào thì sẽ có nhiều giáo viên họ tìm cách đối phó cho ra những số liệu cực đẹp, làm hài lòng những lãnh đạo khó tính nhất.

Tạo môi trường thân thiện trong công tác cho giáo viên, tạo động lực học tập cho học trò học thật mới là điều đáng trân quý ở các nhà trường bởi nó mới ra chất lượng thật.

Còn cứ như một số đơn vị trường học hiện nay áp đặt về chỉ tiêu, học sinh học sao cũng có thể được lên lớp, thậm chí còn được khen thưởng thì việc dạy thật, học thật vẫn còn xa lắm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN