Giáo viên phản ánh hiệu trưởng gây áp lực, Phòng giáo dục trả lời

16/06/2020 15:52
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các giáo viên trong trường đã góp ý để cô Hiệu trưởng và Hiệu phó bớt gây áp lực cho họ nhưng không có sự thay đổi.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) vừa có phản hồi liên quan đến thông tin phản ánh một số bất cập xảy ra tại trường mầm non Hoà Bắc (Hoà Vang).

Hiệu trưởng, Hiệu phó “gây áp lực”

Trước, cơ quan chức năng nhận được phản ánh về việc cô Trương Thị Phương (Hiệu trưởng) và cô Nguyễn Thị Minh Thanh (Phó Hiệu trưởng) trường mầm non Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trong mỗi buổi họp tập thể thường buông những lời nặng nề, không chuẩn mực như: chây lười, không có não… gây khó chịu cho các cô giáo.

Công văn phản hồi của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoà Vang sau khi tiếp nhận phản ánh. Ảnh: AN

Công văn phản hồi của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoà Vang sau khi tiếp nhận phản ánh. Ảnh: AN

Các giáo viên trong trường cũng đã góp ý nhưng các cô không có thay đổi. Vì nhiều lần trong cuộc họp các cô đều như vậy nên tạo tâm lý nặng nề và bức xúc.

Vào từng năm, các cô đưa ra yêu cầu mỗi lớp thực hiện khoảng 7-8 lễ hội cho các trẻ.

Ngoài các lễ hội trong các dịp lễ như quốc tế thiếu nhi hay lễ trung thu thì tổ chức cho các em vui chơi là điều tất nhiên.

Nhưng ngoài các ngày lễ lớn cho các em thì nhà trường yêu cầu phải tổ chức các lễ hội khác: như ngày ông bà, cha, mẹ...

Kinh phí tổ chức là do các cô tự chi từ tiền cá nhân để làm chương trình cho các em, trong khi đó lương các cô lại thấp, vì phụ huynh của các em đều là gia đình khó khăn nên việc vận động kinh phí từ phụ huynh là rất khó và để chuẩn bị lễ hội thường về trễ khoảng 8-9h đêm.

Đối với kinh phí trang trí lớp học và mua dụng cụ cho các em chỉ chi 200- 300.000 đồng/năm.

Với những điều nêu trên, cũng mong bên phía nhà trường cũng như cô hiệu trưởng có xem xét lại thái độ cũng như phương án tổ chức học tập của trường để các cô giáo làm việc thoải mái hơn(trích phản ánh).

Yêu cầu rút kinh nghiệm

Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Hoà Vang cho biết, sau khi nhận phản ánh đã tiến hành kiểm tra và xác minh.

Đối với việc Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường có góp ý, nhận xét, đánh giá thẳng thắn để giáo viên rút kinh nghiệm trong công việc nhưng không dùng lời lẽ nặng nề và cũng không có giáo viên góp ý về nội dung như phản ánh.

Trong năm học, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng yêu cầu mỗi lớp thực hiện tại lớp 7 - 8 lễ hội là không chính xác.

Tất cả các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ thì nhà trường có kế hoạch thực hiện theo chủ đề, tùy vào thực tế giáo viên lồng ghép tổ chức hoạt động. Nhà trường không yêu cầu giáo viên tự bỏ kinh phí để tổ chức hoạt động.

Về việc để chuẩn bị lễ hội giáo viên thường về trễ khoảng 20 giờ đến 21 giờ, chỉ có khi nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ cấp trường.

Đối với kinh phí trang trí lớp học, mua dụng cụ cho các em nhà trường chi mỗi lớp 200.000 - 300.000 đồng.

Qua kiểm tra, nguyên vật liệu trang trí lớp 2 học giáo viên có đề xuất nhà trường mua sắm và phân phát xuống các lớp, bên cạnh đó trường hỗ trợ thêm cho mỗi lớp 300.000 đồng để giáo viên bổ sung trang trí cho lớp.

Tuy nhiên qua xác minh vẫn có một số lớp giáo viên tự bỏ thêm kinh phí để đầu tư trang trí lớp do mình phụ trách.

Phòng Giáo dục đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn và yêu cầu rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo.

Trong công tác chỉ đạo chuyên môn, phải triển khai cụ thể, rõ ràng kế hoạch hoạt động của năm học để giáo viên cùng góp ý, chọn hình thức tổ chức hoạt động phù hợp và thực tế tại trường, tại lớp, tại địa phương. Không cứng nhắc, không gây áp lực cho giáo viên;

Việc bố trí kinh phí trang trí lớp học phải thực hiện đầy đủ trên cơ sở đề xuất của giáo viên, nhà trường cân đối nguồn kinh phí được giao bố trí dự toán sao cho phù hợp đảm bảo cung cấp đủ nguyên vật liệu để giáo viên trang trí đúng quy định, đồng thời đảm bảo các cho hoạt động chuyên môn và hoạt động khác phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

AN NGUYÊN