Giáo viên phải làm gương cho thói quen tự học, tự tìm tòi, đổi mới

16/02/2021 07:03
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thay đổi; sẵn sàng trong việc tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu.

Mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sáng nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, học xong chương trình học sinh làm được những gì.

Để triển khai chương trình mới thành công, giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục khác cần thay đổi từ cách nhìn, từ những hạn chế của chương trình hiện nay trong bối cảnh kỉ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Thầy Nguyễn Đức Thắng – Giáo viên Tổ toán Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với vai trò người trong cuộc.

Theo thầy Thắng, trong mỗi nhà trường, giáo viên phải là người đi tiên phong trong việc tìm hiểu, vận dụng và triển khai chương trình mới trong thực tiễn hiện nay, xác định đúng vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên - là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ quá trình học tập của học sinh.

Giáo viên phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thay đổi; sẵn sàng trong việc tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu.

Ngoài việc tham gia tích cực những đợt tập huấn chương trình mới, giáo viên cần chủ động trong nắm bắt quan điểm xây dựng chương trình, cấu trúc chương trình, hiểu được mục tiêu và yêu cầu cần đạt, những định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh trong chương trình mới.

Thầy Nguyễn Đức Thắng – Giáo viên Tổ toán Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội)

Thầy Nguyễn Đức Thắng – Giáo viên Tổ toán Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội)

Giáo viên phải là người chủ động và sẵn sàng đưa phương pháp dạy học tích cực trong mỗi bài dạy của mình.

Thông qua hoạt động học tập, học sinh được chủ động tìm tòi, nghiên cứu, khám phá, ứng dụng thực tế, liên hệ bài học với thực tiễn để hình thành, phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

Ngoài ra, giáo viên cần chia sẻ những tiết học hiệu quả, cách làm hay tới đồng nghiệp. Cần biểu dương những thầy cô triển khai thành công chương trình mới vào dạy học, tránh hiện tượng ngại khó, ngại thay đổi.

Thầy Thắng nhấn mạnh, giáo viên và tổ chuyên môn nên xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, tìm tòi ứng dụng thực tế, gắn học với hành, tăng cường gắn kết dạy học và giải quyết các vấn đề học tập, vấn đề cuộc sống xung quanh.

Đặc biệt, giáo viên phải là người nắm được, xử lí thành thạo công nghệ ứng dụng vào dạy học cũng như hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ trong học tập và nghiên cứu.

Khai thác yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến, học tập trong môi trường ảo, dạy học Elearning.

Giáo viên cần đưa công tác lập kế hoạch bài dạy, kịch bản của tiết dạy xem như là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn (ví dụ: sau bài học, học sinh làm được gì để chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức, kĩ năng trong chủ đề học tập; hoạt động học nào biểu hiện các phẩm chất và năng lực cốt lõi của người học; những thiết bị, học liệu nào giúp học sinh hình thành kiến thức mới hiệu quả…).

Trong tình hình hiện tại, giáo viên và tổ chuyên môn cần phân tích chương trình cũ, chương trình mới để triển khai dạy học theo hướng tinh giản kiến thức hàn lâm, coi trọng hoạt động thực hành và trải nghiệm của học sinh.

Đặc biệt, giáo viên cần nắm vững các phương pháp đánh giá trong quá trình dạy học, kết hợp linh hoạt đánh giá quá trình (cung cấp thông tin phản hồi liên tục mức độ đạt được của bản thân mỗi học sinh với mục tiêu giáo dục) và đánh giá tổng kết.

Xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực của học sinh. Đánh giá qua hồ sơ học tập, qua sản phẩm, dự án học tập của học sinh.

Trong mỗi tiết dạy, giáo viên cần truyền đạt để học sinh hiểu rõ mục tiêu của mỗi hoạt động tham gia và nhiệm vụ của bản thân mình.

Học sinh được hoạt động nhiều hơn để hình thành kiến thức, phẩm chất và năng lực. Giáo viên cần chú ý đến từng đối tượng học sinh (đặc điểm tâm lí, năng lực của học sinh…) để triển khai dạy học phân hóa trong từng nội dung bài dạy nhằm phát huy tiềm năng vốn có của mỗi học sinh phù hợp khả năng, hứng thú, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Giáo viên phải là người làm gương, tiên phong trong hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi và sáng tạo trong dạy-học, sử dụng tốt các kĩ năng đọc, kĩ năng đặt câu hỏi, tăng cường tư duy phản biện,… trong học tập và công tác. Từ đó, hướng dẫn học sinh thực hành, áp dụng trong quá trình học tập của mình.

Thầy Nguyễn Văn Thắng đúc kết, để triển khai chương trình mới thành công người giáo viên phải có tâm thế sẵn sàng, chủ động trong học tập và nghiên cứu, thường xuyên và nghiêm túc tham gia công tác đào tạo của ngành trên tinh thần hợp tác, sẵn sàng chia sẻ học hỏi từ đồng nghiệp.

Đồng thời, thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, xác định đúng vai trò quyết định trong việc thực thi dạy học là cơ sở để triển khai thành công chương trình mới. Mỗi giáo viên phải là người tự đào tạo, đào tạo liên tục không ngừng.

Đỗ Thơm