Giáo viên nói gì về thông tin 'ép' học sinh không được thi vào 10 vì học lực kém

23/04/2022 06:40
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc quyết định thi vào 10 là do học sinh và cha mẹ học sinh quyết định, giáo viên và nhà trường chỉ làm công tác phân luồng, định hướng để học sinh có lựa chọn.

Những ngày gần đây, dư luận sục sôi với thông tin tại một số trường Trung học cơ sở ở Hà Nội, phụ huynh phản ánh hiện tượng giáo viên “ép” hoặc vận động phụ huynh có con học lớp 9 nhưng học lực yếu “không nên” thi vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số trường Trung học cơ sở đã ngăn cản việc thi vào lớp 10 đã xảy ra ở nhiều trường, nhiều khu vực và đây là chuyện không mới.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Lê Thị Thúy Hường ( Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) lo ngại và không đồng tình với cách ứng xử chưa thật nhân văn.

“Về việc trường học ép học sinh không thi vào 10, theo tôi nguyên nhân khách quan là do cách tính điểm thi đua của từng ngành giáo dục, khi lấy kết quả thi vào Trung học phổ thông để đánh giá thi đua hoặc xếp hạng các trường, do đó các trường sẽ lấy kết quả đấy để đánh giá năng lực, cũng như thi đua của giáo viên.

Thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 ở hệ Trung học cơ sở của cả trường, thì lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số học sinh lớp của trường đó dự thi vào lớp 10.

Còn nguyên nhân chủ quan là do có thể giáo viên chưa có cách làm đúng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh”, cô Thúy Hường băn khoăn.

Cô Lê Thị Thúy Hường ( Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Lê Thị Thúy Hường ( Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói về việc học sinh học kém được khuyên không thi vào Trung học phổ thông, cô Thúy Hường cho biết đây cũng là định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bởi nhiều em học sinh không có khả năng thi vào Trung học phổ thông nên giáo viên mới định hướng cho học sinh thi và học các trường phù hợp với học lực của học sinh.

“Về vấn đề này học sinh sẽ chủ động đề nghị hoặc được gia đình định hướng lựa chọn con đường học tập phù hợp với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình, trong đó hình thức học tập này đã được nhiều học sinh lựa chọn học nghề tại các trường Trung cấp hoặc Cao đẳng.

Bởi môi trường các em sẽ vừa được học chương trình Trung học Phổ thông và vừa được học một ngành nghề nhất định”.

Đây cũng là hoạt động phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở trong trường học, ngay từ khi các em học lớp 9 chứ không đợi hết lớp 12.

“Công tác phân luồng sau cấp Trung học Cơ sở là một nhiệm vụ nói chung của các trường Trung học cơ sở. Tại trường Trung học cơ sở Thái Phương, nhà trường sẽ chỉ định hướng cho học sinh rõ ràng, để các em có lựa chọn phù hợp chứ không mang tính ép buộc, vì việc học và đăng ký tuyển sinh vào các trường Trung học Phổ thông là quyền và là nhu cầu của học sinh cũng như phụ huynh”, cô Hường nói.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Phương để từng bước thực hiện việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo đúng hướng thì ngay từ đầu nên có các lộ trình ngay từ đầu lớp 6, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

“Đối với học sinh có học lực chưa tốt, tôi nghĩ mỗi thầy cô cần đặt mình vào tâm thế của người học, phải biết khơi dậy và tiếp lửa cho học sinh đam mê với học tập, bởi học sinh học càng kém thì càng cần thầy cô có tâm sáng, có tâm huyết với nghề nghiệp, kiên nhẫn dạy bảo, dám trao cho em các con có cơ hội được sai và sửa sai”.

Đồng quan điểm với ý kiến của Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Phương, cô Khổng Thị Nhung giáo viên của trường Trung học cơ sở Tam Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), cũng không đồng ý với việc không cho học sinh thi vào 10 vì học lực kém.

“Việc quyết định thi vào 10 là do học sinh và cha mẹ học sinh quyết định, giáo viên và nhà trường chỉ làm công tác phân luồng, định hướng để học sinh có lựa chọn vào một trường cấp 3 phù hợp với năng lực và điều kiện”, cô Nhung nói.

Thường kết quả học sinh không được thi vào 10 sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của trường, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong các tiêu chí khác, và mỗi một trường sẽ có một tiêu chí khác nhau, nhưng việc có thi vào 10 hay không phải do bản thân học sinh tự định hướng.

Cũng trao đổi ý kiến về học sinh học lực kém ở cấp Trung học cơ sở được cho là bị 'ép' không đăng ký thi vào 10, cô Phạm Thị Luyến giáo viên dạy tại trường Trung học Cơ sở Nam Hòa, (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, về vụ việc đang lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cho rằng có thể trường không ép học sinh mà do phụ huynh chưa hiểu đúng ý,bởi có một số phụ huynh nghĩ con của mình học tốt nên mới xảy ra nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Cô Phạm Thị Luyến giáo viên dạy tại trường Trung học Cơ sở Nam Hòa, (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ảnh nhân vật cung cấp

Cô Phạm Thị Luyến giáo viên dạy tại trường Trung học Cơ sở Nam Hòa, (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ảnh nhân vật cung cấp

“Các thầy cô giáo thường định hướng cho học sinh lựa chọn con đường tiếp theo theo đúng với năng lực học tập, vì có một số học sinh học rất kém, các em không ham học và không chịu tiếp thu kiến thức, nên khả năng thi vào cấp 3 là hạn chế, vậy nên trường mới định hướng cho học sinh nên đi học nghề hoặc đi làm, nhưng vẫn phải dựa trên ý kiến của học sinh, phụ huynh có đồng ý hay không”, cô Luyến cho biết.

Để vấn đề này không bị hiểu sai hướng, theo cô Luyến, giáo viên cần phải nói chuyện với phụ huynh cũng như truyền đạt đúng hướng của giáo viên một cách rõ ràng, bên cạnh đó học sinh cũng phải dám nói lên suy nghĩ của mình với cha, mẹ của mình.

Liên quan đến việc phụ huynh tố giáo viên các trường 'ép' học sinh không thi vào lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xác minh. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.

Trong bản thông tin công khai đến cộng đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, đề nghị các vị phụ huynh và quý vị gửi về cơ quan Bộ theo địa chỉ email: trungtamtruyenthonggiaoduc@moet.edu.vn, hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0985.111179 và 0943.316147.

Ngày 20/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, kiểm tra, hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng trên); đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông 2022-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Thái Hồng