Giáo viên ngán ngẩm tìm minh chứng để xét chuẩn, Bộ Giáo dục có biết?

13/07/2020 06:14
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ điều mà đội ngũ nhà giáo hiện nay ngán ngẩm nhất là việc thực hiện xét chuẩn giáo viên cuối năm với vô vàn các loại minh chứng khác nhau.

Thời điểm này, đa phần các trường học đang bước vào những ngày cuối cùng của năm học 2019-2020 nên giáo viên rất bận rộn với việc chấm bài kiểm tra học kỳ, báo cáo cuối năm và hoàn thiện các giấy tờ để xét viên chức, xét thi đua.

Nhưng, có lẽ điều mà đội ngũ nhà giáo hiện nay ngán ngẩm nhất là việc thực hiện xét chuẩn giáo viên cuối năm với vô vàn các loại minh chứng khác nhau.

Cũng chừng ấy tiêu chuẩn, tiêu chí và hồ sơ giáo viên thì nhà trường lưu giữ, kế hoạch chuyên môn hàng năm thì nhà Ban giám hiệu ký duyệt nhưng năm nào giáo viên cứ phải photo để minh chứng cho các tiêu chí trong bộ chuẩn.

Năm này qua năm khác, chuyện xét chuẩn giáo viên cuối năm vẫn không có gì thay đổi và có lẽ nó còn tồn tại mãi bởi Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT vừa mới ra đời được hơn 1 năm qua.

Hồ sơ để xét chuẩn giáo viên hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Hồ sơ để xét chuẩn giáo viên hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập

(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Minh chứng - nhìn từ gợi ý của Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD

Bắt đầu từ năm học 2018-2019 thì giáo viên phổ thông trên cả nước bắt đầu thực hiện việc xếp chuẩn giáo viên hàng năm theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, thay thế cho Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT trước đây.

Cùng với việc ra đời của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT thì ngày 1/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD để hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 20/2018.

Kèm theo Công văn này là Phụ lục I quy định các ví dụ về minh chứng đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 20/2018.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc xét chuẩn giáo viên năm nào cũng phải xét trong khi các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT thì không thay đổi, nếu có thay đổi thì có lẽ phải hàng chục năm sau.

Vậy là năm nào giáo viên cũng photo những văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ, kế hoạch để “minh chứng” cho việc xếp loại của mình.

Chẳng hạn, trong Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn minh chứng tiêu chí 3 của tiêu chuẩn 2 “Phát triển chuyên môn bản thân”như sau:

Mức khá cần nguồn minh chứng:

“Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo đối với từng cấp học và các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên theo quy định;

- Kế hoạch cá nhân hàng năm về bồi dưỡng thường xuyên thể hiện được việc vận dụng sáng tạo, phù hợp với các hình thức, phương pháp lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng”.

Mức tốt cần nguồn minh chứng:

“Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo đối với từng cấp học và các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên theo quy định/kế hoạch cá nhân hằng năm về bồi dưỡng thường xuyên thể hiện được việc vận dụng sáng tạo, phù hợp với các hình thức, phương pháp lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng;

- Biên bản dự giờ chuyên đề/ý kiến trao đổi/đề xuất/biện pháp/giải pháp/sáng kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ và phát triển chuyên môn trong nhà trường/theo yêu cầu của Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo được ghi nhận”. [1]

Trong khi, mỗi giáo viên khi được tuyển dụng đều đã nộp đầy đủ văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan tuyển dụng và nhà trường. Hồ sơ này đều được lưu đầy đủ trong tủ đựng hồ sơ lưu của Hiệu trưởng.

Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cũng nộp cho nhà trường vào dịp đầu năm học. Phiếu dự giờ đánh giá giáo viên thì Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn dự cũng đều được phó hiệu trưởng chuyên môn lưu vào hồ sơ chuyên môn.

Nếu là các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm thì nhà trường chấm, công nhận kết quả và lưu giữ….

Vậy, có cần thiết phải yêu cầu giáo viên phải photo và kẹp vào hồ sơ xét chuẩn giáo viên hàng năm hay không?

Lý giải vấn đề này, ngày 7/5/2019, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ trên Báo Giáo dục và Thời đại như sau:

Có những minh chứng có trong hồ sơ của nhà trường thì giáo viên chỉ cần ghi trích nguồn mà như: biên bản sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, biên bản họp hội đồng sư phạm hay bản đánh giá xếp loại viên chức theo Nghị định 56 và Nghị định 88 của Chính phủ.

Bằng cấp, chứng chỉ, bài viết trên các kênh thông tin truyền thông…; có những minh chứng chỉ cần ghi số và ngày như: Quyết định đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi hay danh hiệu chiến sĩ thi đua….”. [2]

Thế nhưng, đây chỉ là cách trả lời báo chí mà không phải là văn bản hướng dẫn cụ thể nên dưới cơ sở họ vẫn yêu cầu minh chứng như hướng dẫn của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT và Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD mà Bộ Giáo dục đã ban hành.

Có cần thiết phải xét chuẩn giáo viên hàng năm hay không?

Chúng tôi cho rằng việc xét chuẩn giáo viên phổ thông trước đây theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT và bây giờ theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT vẫn đang rất hình thức và có lẽ không phát huy được tác dụng.

Thứ nhất, Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định về chuẩn trình độ của giáo viên theo từng cấp học nên điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên có đạt chuẩn hay không đạt chuẩn trình độ.

Vì vậy, giáo viên tốt nghiệp đại học hay cao đẳng sư phạm thì cơ quan quản lý đã biết rất rõ khi tuyển dụng và khi ký hợp đồng lao động với nhà trường.

Thứ hai, khi xét thăng hạng giáo viên thì nhà trường đã biết rất rõ ai tốt nghiệp hệ nào, có văn chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp.

Hơn nữa, các văn bằng, chứng chỉ được lưu ở nhà trường thì cần gì năm nào cũng bắt giáo viên photo để minh chứng cho chuẩn giáo viên?

Thứ ba: các loại biên bản sinh hoạt, họp hành của nhà trường, tổ chuyên môn thì được lưu hàng năm thì cần gì yêu cầu giáo viên phải photo làm minh chứng.

Thứ tư: Kết quả giảng dạy của giáo viên được lưu trên sổ điểm lớn, phần mềm điện tử, sổ điểm cá nhân, học bạ học sinh thì có nhất thiết phải photo để minh chứng hay không?

Thứ năm, giáo viên là viên chức nên đã có bản đánh giá viên chức cuối năm được giáo viên tự đánh giá, tổ chuyên môn đóng góp, tổ trưởng nhận xét, hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường đóng góp, xếp loại và cuối cùng là hiệu trưởng nhận xét, xếp loại, đóng dấu thì cần gì phải thêm chuẩn giáo viên nữa?

Bởi, trong bản đánh giá viên chức cuối năm thì nó cũng bao hàm tất cả hiệu quả công việc, phẩm chất đạo đức…

Giáo viên cũng là viên chức giống như các viên chức ở ngành nghề khác, tại sao các ngành nghề khác không phải xét "chuẩn" hàng năm mà giáo viên lại có “chuẩn giáo viên” để làm gì cho phức tạp?

Càng nhiều giấy tờ càng rối rắm và cuối năm càng gây mệt mỏi cho giáo viên

Đầu tiên là giáo viên tự đánh giá, giáo viên trong tổ đánh giá đồng nghiệp, tổ trưởng đánh giá tổ viên rồi mới lên đến hội đồng nhà trường và cuối cùng là hiệu trưởng nhận xét, xếp loại.

Quy trình xét chuẩn giáo viên dài lê thê nhưng lại rất...hình thức.

Nếu như xếp chuẩn giáo viên mà đem lại hiệu quả thiết thực thì chẳng nói làm gì, đằng này nó gần như chẳng phát huy được tác dụng gì nhưng năm nào cũng xét, cũng minh chứng chừng ấy tiêu chí, tiêu chuẩn!

Vì vậy, trong lúc chờ sửa Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương, xuống các nhà trường như tinh thần ông Hoàng Đức Minh đã phát biểu trên truyền thông, để thầy cô bớt đi một gánh nặng giấy tờ vô bổ.

Tài liệu tham khảo:

[1]//thuvienphapluat.vn/cong-van/giao-duc/Cong-van-4530-BGDDT-NGCBQLGD-2018-huong-dan-thuc-hien-Thong-tu-20-2018-TT-BGDDT-404166.aspx

[2]//giaoducthoidai.vn/cuc-truong-cuc-nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc-minh-chung-la-cong-cu-danh-gia-dung-giao-vien-3794519.html

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-20-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-chuan-nghe-nghiep-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-392701.aspx

KIM OANH